1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tết ly hương

Họ cũng có tết với một ít bánh chưng, kẹo mứt... Nhưng họ không có không khí đầm ấm của gia đình, người thân trong bữa cơm chiều cuối năm và những ngày đầu xuân. Họ là những công nhân đón mùa xuân nơi đất khách quê người với bao nỗi niềm.

Tết ly hương - 1
 
Đêm ba mươi tết mắt đỏ hoe

 

Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1979) là công nhân ở xưởng may gia công, trọ ở khu cư xá cũ gần ngã ba Vũng Tàu - xa lộ Hà Nội. Đây là cái tết thứ tư của chị ở Đồng Nai chứ không phải ở miền quê Dương Áo (Hải Phòng).

 

Người phụ nữ trẻ này tâm sự mình vẫn chưa một lần yêu, thậm chí đến cả cái nắm tay đầu đời cũng chưa một lần. Tất cả thu nhập có được từ công việc chính và làm thêm, chị gửi về phụ bố mẹ nuôi bốn đứa em ăn học. Chiều ba mươi tết, chị ra chợ mua một con gà nhỏ và ký gạo ngon, chút ít rau thơm về nấu nồi cháo cúng ông bà. “Dù sao cũng là tết. Mình nhịn ăn nhịn mặc cả năm thì cũng phải cúng ông bà cho trọn đạo”, chị Thủy nói.

 

Chị nói thêm, con gà luộc chỉ dùng vài miếng, còn lại được chủ nhân của căn phòng trọ 9 mét vuông đem kho mặn. Thêm chút ít bánh kẹo rẻ tiền và nén hương thắp lên vào đúng giao thừa. Trong tiếng khấn vái lâm râm, khói nhang hình như làm mắt chị đỏ hoe.

 

Cùng hoàn cảnh và ở cùng phòng với chị Thủy là chị Hoàng Thị Vân. Cô gái quê ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa chuẩn bị đi xem pháo bông đêm giao thừa. Hoàn cảnh của Vân rất đặc biệt: bố mất từ lúc bé, mẹ tái giá với người đàn ông khác, bỏ đi biệt xứ. Vân lưu lạc khắp nơi trước khi gặp chị Thủy và được chị giới thiệu về làm chung xưởng, ở cùng phòng. “Vân ra ngoài vì sợ anh thấy nó khóc đấy. Giao thừa năm ngoái hai chị em ôm nhau khóc vì tủi thân”, chị Thủy cho hay. Được biết, sau tết hai chị em sẽ xin nghỉ và lên Q.8, TPHCM xin làm ở một xưởng may khác, lương cao hơn.

 

Hàng xóm, cũng là những công nhân đón tết ly hương trong xóm trọ, lục tục đến phòng nhau để chúc mừng khi thời khắc năm mới vừa tới. Miệng họ cười tươi nhưng nhiều đôi mắt cũng đỏ hoe...

 

Câu chuyện của một gia đình ly hương

 

Gia đình anh Tô Văn Hường (1962) và vợ, chị Bùi Thị Trang (1964) quê xã Phú Tân, huyện Phú Tân, Cà Mau lên Đồng Nai từ tháng 7/2005 đến nay. Hai anh chị có 6 người con, đứa lớn nhất sinh năm 1985, đứa nhỏ nhất sinh năm 1999. Cả nhà 8 người thuê phòng trọ giá 600.000đ/tháng ở xóm Trung (phường Long Bình Tân, Biên Hòa, Đồng Nai) và chen chúc nhau trong căn phòng chỉ có 16 mét vuông ấy hơn ba năm rưỡi nay.

 

Trừ cô con gái út Tô Ngọc Nhi đang học lớp hai, cả gia đình đều phải làm quần quật suốt ngày, kể cả ngày tết. Chị Trang cho biết các con của chị làm công nhân tại các doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn Đồng Nai như Mabuchi, Tae Kwang Vina, Pouchen… Ngoài đêm giao thừa và ngày mồng một tết dành thời gian cúng ông bà tổ tiên, cả nhà bắt tay vào việc may gia công. Sản phẩm của họ là mớ vải vụn may thành giẻ lau dùng để bán cho các công ty. Mối bỏ vải, người may bỏ công để nhận lại 1.000 đồng/kg giẻ lau “thành phẩm”.

 

Sáu người con của anh Hường, chị Trang đều không ai học quá lớp năm, bởi lý do duy nhất: nghèo. Cái nghèo ám ảnh gia đình như một nghiệp chướng, cả hai vợ chồng đều làm thuê làm mướn từ lúc còn nhỏ. Cha mẹ của họ trước đây cũng vậy, chỉ biết làm thuê làm mướn, không tấc đất cắm dùi. “Gia đình của tui có thể nói là “nghèo từ trong trứng nghèo ra” cậu ạ”, chị Trang tâm sự.

 

Tuy phòng trọ chật hẹp, phải làm việc quần quật suốt ngày nhưng gia đình này không thiếu tiếng cười. Niềm vui lớn nhất của cả gia đình là thoát khỏi cái đói triền miên đeo đẳng chỉ mới vài năm trước đó. Cậu con trai cả tên Tô Hải Đăng (1985) cho biết: “So với đi làm lúa mướn hay đi lưới cá đồng thì công việc của tụi em ở đây vẫn nhàn hơn nhiều, lại không sợ bị lao phổi vì lội nước giữa khuya, không sợ bị rắn cắn, muỗi đồng đốt”.

 

Nói là đỡ cực hơn nhưng toàn bộ gia đình này đã hưởng ba cái tết ly hương liên tục vì không đủ tiền về quê. Thu nhập hàng tháng của họ chỉ đủ trang trải tiền ăn uống, thuê nhà và điện nước; còn chút ít để phòng lúc ốm đau bệnh tật. Và còn một lý do khác: “Cái huyện Phú Tân của tôi thì 10 nhà đã có 8 nhà có người tha phương cầu thực. Những trường hợp đi cả gia đình như nhà tôi không phải là hiếm. Đa phần đều là dân nghèo làm mướn không đủ sống. Những người có đất ít cũng để lại đất cho người ta mướn rồi lên thành phố làm việc cầu may…”.

 

Ngày xuân mệt rượu, say bài

 

Theo chân Trần Công Lý, một nam công nhân gốc Thái Bình, đi dọc các quán ven đường thuộc khu xóm trọ sát khu chế xuất Linh Trung 1 (Thủ Đức, TPHCM), mới hiểu vài phần “tết của công nhân nam” như thế nào.

 

Những quán nhậu rẻ tiền đông nghịt người và đa số đều là những nam công nhân xa quê. Họ cụng ly chúc mừng năm mới tưng bừng với đủ giọng Bắc - Trung - Nam. Nhấp ly rượu chuối hột thuộc loại rẻ tiền nhất, anh Nguyễn Văn Tuyển (1987) tâm sự với giọng rặt xứ Nghệ: “Em vô đây được bốn tháng. Phần là tò mò muốn biết tết trong Nam như thế nào, phần lương thưởng cuối năm quá ít nên về quê cũng chẳng còn bao nhiêu. Để tiền tàu xe ấy gửi thầy u một ít, phần còn lại để... đi uống rượu hay hơn.”

 

Trong căn phòng trọ chật hẹp khoảng 10m vuông có đến 15 người quần tụ. Những công nhân này đang chơi trò “cào vùa” (ai cao điểm nhất thắng hết, có người cùng bằng điểm thì chia đều nhau tiền thắng), mỗi ván đặt 10.000 đồng nhưng cũng đã có người cháy túi ngồi dõi theo mà ánh mắt ngẩn ngơ.

 

Công Lý cho hay, chủ phòng trọ tên Việt, trước đây từng là công nhân nhưng sau này làm gì không rõ, nhưng thường hay tụ tập các nam công nhân ăn nhậu và bài bạc ngay cả những ngày không phải tết. “Nếu Việt biết anh là nhà báo thì kiểu gì cũng có chuyện đấy!”, Công Lý dặn phòng hờ trước khi dẫn tôi vào chỗ Việt.

 

Các con bạc say máu chẳng thèm nhìn hai người mới vào lấy một cái mà mải mê nặn bài, chỉ có Việt hỏi Công Lý với giọng dò xét: “Ai đây?”. Công Lý bảo tôi là em cùng quê, làm ở khu công nghiệp Tân Tạo, mới lên chơi, Việt mới thôi nhưng thỉnh thoảng vẫn nhìn tôi lom lom. “Tết mà anh. Tiền thì không đủ đi chơi, chẳng lẽ nằm ở phòng trọ suốt ngày nên anh em đi nhậu hoặc bài bạc giết thời gian. Miễn là không quá xỉn say để làm bậy”, Công Lý nói.

 

Mồng bốn tết. Đường vào khu xóm trọ vẫn đông nghịt công nhân ngồi nhậu mỗi chiều, mỗi tối. Trong những phòng trọ nồng nặc mùi thuốc lá rẻ tiền, những con bạc - công nhân ly hương, vẫn hăng say sát phạt nhau trong cuộc đỏ đen… Buồn!

 

TheoMai Quốc Ấn
 Sài Gòn tiếp thị