1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Tết” chợ Viềng: Soi đèn pin, mất ngủ cả đêm

(Dân trí) - Bà chủ một quán ăn nổi tiếng tại thành phố Ninh Bình cười tươi rói vì bội thu nhờ chợ Viềng - Nam Định. Khách thập phương thì khóc dở mếu dở bởi giá phòng nghỉ tại Nam Định tăng cao gấp đôi nhưng vẫn không có để thuê!

Chợ Viềng “nóng” từ… nhà nghỉ

Chợ Viềng (Nam Định) mỗi năm chỉ họp đúng một phiên, kéo dài từ nửa đêm mùng 7 đến rạng sáng mùng 8 Tết. Lỡ một phiên Viềng là lỡ cả một năm. Vì vậy, ngay từ đầu giờ chiều ngày mùng 7 Tết, dân Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... đổ về thành phố Nam Định như mắc cửi để “tết” chợ Viềng, mong có lộc cho cả năm.

Có mặt tại thành phố Nam Định từ chiều ngày mùng 7 tết, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi hằng hà sa số các kiểu loại xe mang biển số tỉnh khác ra ra vào vào tìm nhà nghỉ, khách sạn. Nhiều người, trong đó có nhóm phóng viên chúng tôi, đành méo mặt bởi giá phòng nghỉ đã lên cao ngất ngưởng với giá trung bình từ 300 - 500 nghìn đồng/phòng (gấp đôi ngày thường) nhưng vẫn không có để thuê. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại thành phố Nam Định.

Thành phố Ninh Bình - địa điểm cách thành phố Nam Định 27 km, cách chợ Viềng Phủ 18 km trở thành cứu cánh với những người “sa cơ” chỗ nghỉ. Một nhân viên tại khách sạn Non Nước (thành phố Ninh Bình) nhẹ nhàng “cảnh báo” chúng tôi sau khi thông báo đã hết phòng nghỉ: “rút kinh nghiệm từ phiên chợ Viềng năm trước, các khách nghỉ tại khách sạn này đã “tích cực” đặt phòng từ... mùng 4 Tết”.

19 giờ, tại nhà hàng cơm cháy Hương Mai (thành phố Ninh Bình), tốp nhân viên phục vụ miệt mài chạy hết góc nọ đến góc kia giữa những dòng thực khách từ các nơi ùn ùn kéo tới. Bà chủ quán cơm này mau miệng cho biết: so với 2 năm trở lại đây, số lượng khách tham quan đổ về chợ Viềng đông gấp 5 gấp 10 lần. Cũng theo đó, công việc kinh doanh vào các ngày từ mùng 7 đến mùng 8 tại các nhà hàng có tiếng của thành phố này luôn trong cảnh “đuổi đi không hết khách”.

Cầm đèn pin, chen lấn để lấy khước đầu năm

Từ lúc 20 giờ tối mùng 7 tháng giêng, cả một đoạn dài trên tỉnh lộ 482 thuộc thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, Nam Định, dòng người xe chật như nêm cối. Tắc nghẽn. Tiếng la ó, hò hét vang động cả không gian vốn đã ngập bụi và khói xăng. Cùng với đó là tiếng gọi tìm nhau í ới của các đôi trai gái, các loại điện thoại di động đều không thể hoạt động vì “cháy” sóng.

Anh Nguyễn Chí Việt, nhân viên một tập đoàn xây dựng tại Hà Nội trông phờ phạc sau màn sương đêm lất phất, thở hắt ra nói: “Đứng giữa cánh đồng gió lồng lộng, lạnh đến rúm người mà mắt tôi vẫn cay xè vì khói xăng từ hàng vạn ô tô, xe máy đang nổ pành pành từ bốn phía”... Khách bộ hành thay vì mua hàng hai bên đường là chen lấn xô đẩy để mong tìm đường thoát thân. Thi thoảng từ phía bờ ruộng lại hắt lên vài tiếng kêu thất thanh. Có lẽ không ở đâu, đèn pin được trọng dụng như ở đây, vào lúc này!

Ít người biết rõ, Viềng không phải là tên riêng một chợ mà có tới 4 khu chợ thuộc hai chợ cùng tên Viềng của Nam Định, cùng họp một phiên vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng giêng. Đó là hội Viềng Phủ ở Kim Thái, huyện Vụ Bản (là chợ đã nổi tiếng trong sử sách, thi ca) và hội Viềng Chùa tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực.

Theo lời người già giải thích, chợ Viềng Phủ có ý nghĩa như chợ thần tiên trên trời, đi chợ kết hợp với cúng bái, cầu may ở các đền, phủ. Vì vậy, ngay từ 19h tối mùng 7, các bãi đỗ xe ở Viềng Phủ đã chứa đầy các ô tô, xe máy đến từ Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội... với giá cắt cổ: 20.000 đồng một xe máy qua đêm tại bãi chính, 50.000 đồng một xe máy ở các nhà dân ven đường, 100 nghìn đồng/xe ô tô qua đêm tại tất cả các bãi!

“Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, tôi đã thuê xe ôm cho cả gia đình 4 người, đi tắt qua đường làng và cánh đồng nên đã kịp đến Phủ Tiên Hương từ lúc 23h”, anh Dương Hiệp ở Gia Lâm, Hà Nội vuốt mồ hôi tạt vào quán nước bên đường thôn Tiên Hương hào hứng kể. Nhưng để tránh bị sớm lọt thỏm vào dòng người chật cứng, anh đã phải trả 280 nghìn đồng tiền xe ôm chỉ để đến điểm cách nơi xuất phát đúng 4 km!

Theo quan sát thì tất cả những sản phẩm độc đáo mà tôi thường thấy tại các phiên chợ quê tại nhiều tỉnh thành khác cũng có mặt tại chợ Viềng Phủ. Đó là vô số các loại giống cây, chậu cảnh, lưỡi cày, thuốc trừ sâu…

Soi đèn pin, tìm hàng độc…

Trong tiết trời đêm tê lạnh đến đau người, cả người bán và người mua đều soi đèn pin vào những thứ hàng đem bày bán dọc lề đường. Thường thì giá rất rẻ, chỉ vài mươi ngàn là mua được một cây si, cây sanh nhỏ, thậm chí cả một cây hồng xiêm chiết cành đã đâm rễ, đang bói quả. Nhưng muốn mua được rẻ như thế, người mua cũng cần một “cái đầu lạnh” để trả giá. Một cây xanh 4 tán được rao bán 150 nghìn nhưng chỉ sau vài lời cùng một nụ cười xòa, nó được trao tay với giá… 35 nghìn đồng.

Những người tò mò thường dạo qua các khu vực “đồ tể” để xem dân sở tại mổ bò, thui bê ngay tại chợ. Các món bò, bê ở chợ này được coi là đặc sản cầu lộc. Du khách không những chén thịt bò, thịt bê tại chỗ mà còn mua về nhà coi như lộc đầu năm. Giá bán khá rẻ so với Hà Nội và một số nơi khác: 100.000 đồng/kg thịt đùi, dọi quế; 80.000đồng/kg cho các phần còn lại.

“Tết” chợ Viềng: Soi đèn pin, mất ngủ cả đêm - 1

(Ảnh: Phúc Hưng)

 

Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi không khỏi cảm giác tiếc nuối là các thứ hàng độc, hàng cổ… tại chợ Viềng Phù và Viềng Phủ hầu như đã mất tích, hình thức trao đổi hàng hóa không thông qua tiền tệ cũng đã “tuyệt chủng”.

Thú mua sắm đồ cổ ở chợ Viềng nay đã giảm nhiều. Do tốc độ mua sắm thời hiện đại và thực tế, du khách đến “Tết” chợ Viềng hầu hết có thu nhập thấp và trung bình nên người ta chỉ đổ tiền ra mua những cặp lộc bình gốm, đỉnh đồng vv... theo kiểu giả cổ với giá một vài trăm.

Các món đồ đặc trưng như đồ tre Tử Vinh, đồ sắt Tống Xá, bảo Ngũ, đồ gỗ Lê Xá, La Xuyên, cây giống Nam Trực, Nam Điền vv...cũng được bày bán với giá rẻ. Người bán cầu bán được hàng, người mua sung sướng vì mua được với giá hời, coi như đôi bên cùng lời cho cả năm buôn may bán tốt.

Phúc Hưng