Tây Ninh tiếp tục giãn cách xã hội, ai được phép lưu thông trên đường?
(Dân trí) - Trong thời gian giãn cách xã hội, những người tham gia công tác chống dịch, cán bộ công chức, viên chức, người tham gia hoạt động thiết yếu sẽ được đi lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Sau khoảng một tháng rưỡi thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, tỉnh Tây Ninh tiếp tục giãn cách thêm 14 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 30/8.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh sau 42 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thì tình hình dịch bệnh cơ bản được kiềm chế, số ca F0 trong cộng đồng đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, kết quả tổng xét nghiệm sàng lọc Covid-19 những ngày qua cho thấy tình hình dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều ca F0 chưa được phát hiện.
Ngày 29/8, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đã chỉ đạo, tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo chỉ thị 16 thêm 14 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 30/8.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, tỉnh sẽ xem xét, cân nhắc điều chỉnh thời gian giãn cách xã hội cho phù hợp.
Cũng theo UBND tỉnh, trong thời gian giãn cách, các lực lượng được đi lại là Ban Chỉ đạo, Sở Chỉ huy, Tổ thư ký phòng, chống dịch các cấp (có thẻ theo quy định), lực lượng trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh các cấp.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị. Các cơ quan đơn vị bố trí 1/3 lực lượng làm việc tại đơn vị, còn lại luân phiên làm việc tại nhà. Riêng lực lượng y tế, lực lượng vũ trang bảo đảm quân số theo chức năng nhiệm vụ được giao. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi đi làm phải mặc trang phục ngành (đối với đơn vị có đồng phục) và đeo thẻ công chức theo quy định để lực lượng chức năng nhận diện.
Ngoài ra, những người tham gia các hoạt động cung cấp, buôn bán hàng hóa thiết yếu, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích cũng được phép hoạt động. Đối tượng này do UBND cấp xã nơi có hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu xác nhận.
Bên cạnh đó, quy định nhân viên trong các siêu thị sẽ mặc đồng phục và đeo thẻ để nhận diện hoặc có giấy xác nhận của lãnh đạo đơn vị. Và với nhân viên giao hàng, người vận chuyển hàng hóa thiết yếu do Sở Công thương xác nhận.
Những người làm việc trong các đơn vị bảo đảm các hoạt động thiết yếu phục vụ xã hội, do thủ trưởng đơn vị xác nhận và khi đi làm việc mặc đồng phục, đeo thẻ theo quy định (nếu có) để lực lượng chức năng nhận diện.
Với người dân đi chợ, siêu thị mua hàng thiết yếu theo phiếu do địa phương ở cơ sở cấp. Và một số trường hợp đặc biệt khác, gồm: trường hợp cấp cứu, khám điều trị bệnh, mua thuốc và người đi tiêm chủng theo quy định.
Các trường hợp cấp thiết, đột xuất phát sinh khác do lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ xem xét, giải quyết cụ thể.
Các hoạt động từ thiện, hỗ trợ người dân của tổ chức, cá nhân phải phối hợp với UBND cấp xã để có kế hoạch điều phối cụ thể bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
Ngoài ra, các hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa thực hiện theo quy định, hướng dẫn hiện hành.
Toàn tỉnh còn 1.724 người đang điều trị Covid-19
Tính từ đầu dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 5.836 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, có 1.864 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 4.024 người và 88 ca tử vong.
Đáng chú ý, trong ngày 30/8, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không ghi nhận ca bệnh mới.