1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Tất bật trên cánh đồng hoa Tết

(Dân trí) - Có mặt ở làng hoa Đông Cương, TP Thanh Hóa, Tết như đang đến gần hơn bởi khung cảnh nhộn nhịp chăm sóc hoa trên khắp cánh đồng.

Xã Đông Cương nằm ở phía bắc Thành phố Thanh Hóa, nổi tiếng với nghề trồng hoa. Cả xã có hơn 200 hộ trồng hoa, ngoài cấp cho khách hàng trên địa bàn tỉnh, một số hộ còn cung cấp cho các tỉnh ngoài.

Làng hoa Đông Cương những ngày này, không khỏi bắt gặp những hình ảnh người dân tất bật tưới nước, tỉ mỉ tỉa cành, nhổ cỏ, phun thuốc để mong có được những bông hoa nở đẹp nhất cung cấp cho thị trường Tết nguyên đán.

Để có được hoa nở đẹp trong dịp Tết đòi hỏi người trồng hoa phải biết cách chăm sóc tỉ mỉ từng việc tưới cho đến tỉa cành, bắt sâu...
Để có được hoa nở đẹp trong dịp Tết đòi hỏi người trồng hoa phải biết cách chăm sóc tỉ mỉ từng việc tưới cho đến tỉa cành, bắt sâu...

Khoảng 20 năm trước, cây hoa bắt đầu được trồng bởi một số họ dân thôn Đại Khối rồi dần lan ra các thôn khác trên địa bàn xã. Ban đầu, người dân chủ yếu trồng hoa cúc, sau này các giống hoa được trồng đa dạng hơn như hoa hồng, hoa lay ơn, huệ và các giống cây cảnh.

Hiện nay, xã Đông Cương có 10 thôn thì có 7 thôn trồng hoa với diện tích gần 35 ha. Theo các cụ cao niên trong làng, nghề trồng hoa của xã Đông Cương bắt đầu từ những năm 1990 và lúc đầu chỉ có 5 hộ trồng. Đến nay thu nhập từ nghề trồng hoa trung bình khoảng 300-400 triệu đồng/ha/năm, giúp nhiều hộ dân trở nên khá giả. Với thu nhập gấp 5-7 lần trồng lúa, tạo thu nhập rất ổn định cho người dân.

Tất bật trên cánh đồng hoa Tết - 2
Tất bật tỉa cành...
Tất bật tỉa cành...

Tại vườn hoa của gia đình anh Trần Văn Bảy, ở xóm 3, một trong những hộ đi đầu trong việc phát triển nghề trồng hoa, những khóm hoa hồng đang mơn mởn, nụ hoa căng tròn chờ đến ngày Tết. Bên cạnh đó là những luống hoa ly, hoa huệ đã bắt đầu nở hoa thơm ngát. Anh cho biết, gia đình đã bắt đầu làm nghề trồng hoa vào năm 1996. Từ đó đến giờ cuộc sống rất ổn định. Lúc đầu gia đình trồng ít, giờ gia đình trồng gần 3000m vuông. Gần 20 năm nhờ nghề trồng hoa, gia đình anh có cuộc sống ổn đinh, khá giả.

Chúng tôi ghé thăm vườn hoa của gia đình chị Đỗ Thị Thịnh (thôn 3) lúc chị đang bận rộn tỉa cành cho những luống hoa cúc. Với cả chục năm năm kinh nghiệm trồng hoa, làm giống để cung cấp giống hoa cho dịp tết, chị cho biết: “Năm nay gia đình trồng hơn 2 sao hoa cúc. Thời tiết năm nay khá khắc nghiệt, đây đang thời gian quan trọng nhất của cây hoa nhưng mấy hôm vừa rồi lạnh quá. Nếu lạnh quá thì sợ hoa không nở được, còn nếu nắng to, hoa bung nở cũng thất bại. Thời tiết thất thường khiến bà con trồng hoa lo lắng lắm. Làm sao để hoa nở đúng dịp Tết là điều không dễ dàng. Nếu thuận lợi, với diện tích trồng như gia đình chị thì mỗi vụ cũng được vài chục triệu. Có những gia đình trồng lớn thì mỗi vụ Tết trừ chi phí cũng cả gần trăm triệu đồng”.

Che chắn để hoa không bị rét
Che chắn để hoa không bị rét

Cũng theo chị Thịnh thì nghề trồng hoa không nhàn hạ. Với nghề “sáng tạo” ra cái đẹp, sự chăm chút, tỉ mỉ được đặt lên hàng đầu. Để có được những bông hồng nhung đỏ thắm, không bị gió và sương muối làm thâm cánh, người trồng hoa phải bao bọc những chiếc nụ từ khi còn hé nở. Với hoa lan, ly, lay ơn, cẩm chướng, cát tường... quy trình chăm sóc càng tỉ mỉ. Để những luống hoa đua hương, khoe sắc đúng dịp Tết đến, xuân về, người trồng hoa phải luôn “lắng” và cảm nhận tình hình thời tiết để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng cho hoa “bắt” đúng thời điểm “vàng”.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên quan sát tình hình diễn biến của sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ.

Tất bật trên cánh đồng hoa Tết - 5
Để có được những luống hoa đẹp, nở đúng dịp Tết không hề đơn giản
Để có được những luống hoa đẹp, nở đúng dịp Tết không hề đơn giản

Nghề trồng hoa bao đời nay khiến cho đời sống của hàng trăm hộ gia đình tại Đông Cương nâng lên. Tuy nhiên, nghề trồng hoa đòi hỏi nhiều công sức và phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên nhiều khi không ổn định.

Theo người dân ở đây thì khoảng 1 tuần nữa thôi, việc mua bán hoa sẽ vô cùng nhộn nhịp. Vài năm trở lại đây, cứ vào 20 tháng chạp là xe của các thương lái sẽ đến tận nơi để mua hoa rồi mang đi đến các thị trường như Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An… người dân không còn phải vất vả chở hoa ra thị trường bán như những năm về trước.

Nguyễn Thùy