1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tập đoàn kinh tế và DNNN được “quyết” lương

(Dân trí) - Các tập đoàn và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đáp ứng được yêu cầu tăng năng suất lao động lớn hơn tốc độ tăng tiền lương sẽ được quyết định hình thức và cách thức trả lương nhằm khuyến khích người lao động, không để chảy máu chất xám.

Đó là những nội dung của dự thảo Nghị định về tập đoàn vừa được Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phạm Viết Muôn thông tin trong buổi họp báo sau phiên họp Chính phủ, chiều 5/8.
 
Chưa đặt vấn đề điều chỉnh các giải pháp kinh tế
 
Tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc, truyền đạt kết luận của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ: các nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả, từ đó duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lí, bền vững.
 
Tập đoàn kinh tế và DNNN được “quyết” lương  - 1
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc thông tin về phiên họp Chính phủ.
 
Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn và giảm nhiều so với năm trước do thị trường giảm, giá giảm. Nhập siêu có giảm so với năm trước nhưng nhập siêu cho tiêu dùng vẫn còn lớn.
 
Thủ tướng chỉ đạo, phải bám mục tiêu, kế hoạch của năm, trong đó GDP có khả năng và quyết tâm thực hiện 5%, tăng giá tiêu dùng dưới 7%, bội chi ngân sách dưới 7%... Cũng theo Thủ tướng, lúc này chưa đặt vấn đề điều chỉnh các giải pháp mà vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp chống suy giảm, kích thích kinh tế.
 
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết thêm, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu âm hơn 13% so với cùng kì năm 2008. Theo ông Hào, nền kinh tế Việt Nam đã qua đáy nhưng các thị trường như Mỹ , châu Âu chưa ra khỏi khủng hoảng nên tiêu dùng của các nước này chưa tăng, tiếp tục gây khó khăn cho xuất khẩu của ta.
 

Về dịch cúm A/H1N1, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần có các biện pháp để người dân không xem thường dịch, nhưng cũng không hoang mang vì dịch. “Chúng ta có khả năng để kiểm soát dịch ở Việt Nam”, ông Phúc nhấn mạnh.

“Việc đạt mục tiêu xuất khẩu tăng 3% là rất khó và nếu giá trị xuất khẩu đạt 60 - 62 tỉ USD như năm trước đã là thành công”, ông Hào phân tích.
 
Về việc xuất khẩu lúa gạo, theo ông Hào, cho đến nay chúng ta đã xuất được 5 triệu tấn. Nếu thu hoạch các vụ tới đây đạt 10 triệu tấn, sẽ xuất khẩu thêm 1 - 2 triệu tấn để “bù” vào giá thấp so với năm trước.
 
Liên quan đến giá xăng, trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc các doanh nghiệp đã có đề nghị tăng giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, Bộ này đang cân nhắc để có ý kiến chính thức và sẽ trả lời báo chí sau.
 
Chưa tổ chức một cơ quan riêng quản lí tập đoàn
 
Tại phiên họp Chính phủ lần này, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến dự thảo Nghị định về tập đoàn. Theo ông Phạm Viết Muôn, dự thảo nghị định về tập đoàn có 6 điểm mới.
 
Theo đó, cho phép được chào giá cạnh tranh trong nội bộ tập đoàn, nếu đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác. Về việc đầu tư ra ngoài ngành của tập đoàn, bao gồm đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… phải được phép của Chính phủ.
 
Đối với các tập đoàn khai thác tài nguyên, khoáng sản sẽ giao cho Công ty mẹ quản lí quỹ đất và tài nguyên, khoáng sản. Về đầu tư ra nước ngoài, các dự án thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản vượt thẩm quyền thì thực hiện theo quyết định của Chính phủ, thay vì theo quyết định của Quốc hội như hiện nay.
 
Trên cơ sở thang bảng lương do nhà nước qui định, các tập đoàn và trên thực tế mở rộng ra các DNNN, nếu đáp ứng được yêu cầu tăng năng suất lao động lớn hơn tốc độ tăng tiền lương sẽ được quyết định hình thức và cách thức trả lương nhằm khuyến khích người lao động, không để xảy ra tình trạng chảy máu chất xám.
 
Ông Muôn cho biết, trong giai đoạn này, chưa tổ chức 1 cơ quan riêng để quản lí tập đoàn mà sử dụng bộ máy hành chính chung để quản lí. Các bộ, ngành sẽ quản lí tập đoàn theo lĩnh vực và kịp thời phát hiện, uốn nắn các vấn đề nảy sinh của tập đoàn.
 
Cấn Cường