1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tạp chí điện tử không được xuất bản như báo điện tử

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

Đó là một trong những ý kiến tham luận của bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tại hội thảo "Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương và địa phương".

Hội thảo trên do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) và Viện Khoa học Tổ chức cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) đồng chủ trì tổ chức ngày hôm qua, 13/11.

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung tham luận về những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm tới quá trình thực hiện Quy hoạch báo chí đến năm 2025 như việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương và địa phương; cần làm gì để sau sắp xếp, kiện toàn, các tòa soạn hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn…

Tình trạng "báo hóa" tạp chí

Tại hội thảo, trong bài tham luận của mình, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đối với các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương (chỉ còn Báo Tuổi trẻ vẫn đang thuộc Thành đoàn TPHCM) và 72 cơ quan báo nói, báo hình.

Tạp chí điện tử không được xuất bản như báo điện tử - 1

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ đã cấp phép chặt chẽ, tôn chỉ mục đích của các tạp chí rõ ràng, tập trung thể hiện tính chuyên sâu, chuyên ngành và đăng tải các nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn phản biện chính sách về lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản", bà Thủy nói.

Về phương án sắp xếp, theo bà Thủy, báo điện tử và tạp chí điện tử cũng tương tự như đối với báo và tạp chí  in. Các cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo, tạp chí in như quy định thì được phép có báo, tạp chí điện tử. Tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

"Lộ trình thực hiện, việc sắp xếp thực hiện quy hoạch nhóm này cũng theo lộ trình như đối với báo in, tạp chí in. Các báo điện tử hiện có cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức  xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện chuyển đổi cơ quan chủ quản hoặc chuyển thành tạp chí", bà Thủy nói và khẳng định: Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trọng tâm của việc này của Bộ là rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật của các cơ quan báo chí, trước tiên là các tạp chí của tổ chức hội có loại hình điện tử, tránh tình trạng "báo hóa" tạp chí; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho báo chí phát triển.

Tuy nhiên, theo bà Thủy,  một số cơ quan báo chí, tạp chí khi thực hiện sắp xếp, quy hoạch có tài sản vô hình như: Thương hiệu của tên gọi, tên miền của loại hình điện tử, tên miền độc lập của chuyên trang, tìm phương án để duy trì, khai thác, phục vụ xây dựng thương hiệu mới. Các cơ quan báo chí gặp khó khăn ban đầu sau khi thực hiện việc sắp xếp lại, quy hoạch, cộng thêm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19;...

Đánh giá tác động của quy hoạch báo chí

PGS.TS. Đinh Văn Hường, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi thực hiện quy  hoạch, sắp xếp, cần đánh giá tác động, ảnh hưởng của quy hoạch đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, lợi ích, nguyện vọng của đối tượng và phạm vi điều chỉnh (lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động,...) đã thông suốt, đồng thuận chưa?!

Tạp chí điện tử không được xuất bản như báo điện tử - 2

PGS.TS Đinh Văn Hường, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí có quyết tâm, quyết liệt thực hiện không, có chấp nhận rủi ro, khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không?

"Các cơ quan báo chí của Đảng ở Trung ương và địa phương một thời gian dài được bao cấp, thụ hưởng, nay dần chuyển sang tự chủ tài chính sẽ thế nào?", PGS.TS Đinh Văn Hường đặt câu hỏi và khẳng định: "Quy hoạch lần này là đúng, rộng mở, có nhiều đổi mới, cơ hội mới, nhưng cần quyết tâm chính trị rất lớn và phải rất quyết liệt, kiên trì thực hiện thì mới có thể hiện thực hóa quy hoạch vào thực tế theo đúng lộ trình".

Bài tham luận "Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc sắp xếp kiện toàn hệ thống các cơ quan báo chí" của PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi,  Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo nêu một số đánh giá của chuyên gia Trung Quốc, như: Tổng Biên tập Đài Truyền hình Giáo dục Trung Quốc Hu Zhengrong, sau 7 năm thực hiện việc sáp nhập báo in + phát thanh + truyền hình ở địa phương. Theo người đứng đầu cơ quan báo chí này, một kết luận có thể rút ra là, "sáp nhập trên danh nghĩa thực chất là tách biệt".

Sau 10 năm sáp nhập các cơ quan báo Đảng của với Đài Phát thanh-Truyền hình ở các tỉnh, thành tại Trung Quốc cho thấy, tên cơ quan báo chí mới gọi là "Trung tâm" có vẻ rất to, rộng, nhưng thực tế "đèn nhà ai, nhà nấy rạng". Có nghĩa là báo hoạt động riêng, đài hoạt động riêng, thậm chí không hợp nhất về kinh doanh, không có sự tích hợp các nền tảng... Nói cách đơn giản là "bình mới rượu cũ".

Ngoài ra, tại Trung Quốc, việc hợp nhất thực hiện trước rồi chia tách sau. Một số Trung tâm Truyền thông thành lập xong một thời gian rồi lại phân chia riêng rẽ trong nội  bộ. Bởi báo hoạt động kiểu báo, đài hoạt động kiểu đài. Duy nhất tên gọi vẫn như cũ, nghe có vẻ hoành tráng như "ruột rỗng tuếch"...

Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, trong thực tế hoạt động  hơn 5 năm qua, sau khi một số địa phương sáp nhập báo và Đài Phát thanh - Truyền hình thành Trung tâm truyền thông vẫn có một số vấn đề cần nghiên cứu và không ít bất cập xảy ra, khiến một vài nơi tìm cách tách hẳn trở về trạng thái ban đầu bởi Trung tâm  hoạt động không thực sự hiệu quả. Đây cũng là bài học kinh nghiệm ở Trung Quốc trong việc sáp nhập và phân tách các cơ quan báo chí trong môi trường hội  tụ.

Tạp chí điện tử không được xuất bản như báo điện tử - 3

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.

PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đánh giá, những ý kiến tham góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tại hội thảo không chỉ là những kinh nghiệm quý báu mà còn là những cơ sở khoa học rất hữu ích cho quá trình thực hiện sắp xếp, kiện toàn theo quy hoạch của các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương và địa phương.

Dự kiến, trong thời gian tới, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo tương tự về những vấn đề đang đặt ra trong quá trình thực hiện Quy hoạch báo chí đến năm 2025.