1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tạo tiếng vang để cải cách xây dựng cơ bản”

(Dân trí) - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình “hiến kế”, cần thành lập một bộ phận chuyên mổ xẻ những tồn tại trong đầu tư xây dựng cơ bản. Ông Bình coi đây là một cách làm dũng cảm, tránh việc bất lực trước những tồn tại, sai phạm…

Sáng 22/9, UB Thường vụ Quốc hội đã thảo luận xung quanh các báo cáo về “việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 - 2007.

Không nên giao GDP tuyệt đối cho địa phương!

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhìn nhận, chất lượng qui hoạch rất thấp, tính dự báo kém và thiếu tính chiến lược. Không những vậy, qui hoạch ở một số địa phương lại thường xuyên thay đổi đã làm khó cho việc đầu tư.

Số dự án qui hoạch treo rất lớn, với tổng diện tích lên đến 70.000 ha. Trong đó có 87 dự án phải xóa qui hoạch với diện tích trên 1.000 ha, có 400 dự án với 12.000 ha, hiện vẫn chưa biết xử lí thế nào…

Tình trạng vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản lại có xu hướng tăng lên. Năm 2005 có hơn 1.800 dự án có sai phạm trong quản lí, đầu tư xây dựng cơ bản, trong khi năm 2006 là hơn 3.000, năm 2007 hơn 4.000. Những vi phạm điển hình là đầu tư không phù hợp với qui hoạch, phê duyệt không đúng trình tự, chất lượng có vấn đề, lãng phí… Ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, tình trạng vi phạm trên là một cảnh báo cần phải hết sức chú ý.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình cho rằng, hiện đang có tình trạng cát cứ, cạnh tranh trong thu hút đầu tư, dẫn đến sự chồng chéo, trùng lắp. Theo ông, nguyên do của vấn đề này là việc giao chỉ tiêu GDP tuyệt đối cho các địa phương cũng như việc khai thác yếu tố tự phát tại mỗi địa phương.

Ông Bình đề xuất, nên giao chỉ tiêu GDP cho các bộ ngành để có được sự cân đối vĩ mô. Các bộ ngành có cánh tay nối dài xuống các địa phương thông qua việc xác định các vùng kinh tế trọng điểm, tránh việc một ngành nghề nhiều địa phương cùng đầu tư.

Ông Bình cũng đề xuất nên thiết kế một bộ phận bao gồm sự tham gia của các cơ quan Chính phủ, Quốc hội… chuyên làm việc mổ xẻ những tồn tại trong đầu tư xây dựng cơ bản. Ông Bình coi đó là một cách làm dũng cảm, tránh việc bất lực trước những tồn tại, sai phạm do ngành nọ đổ trách nhiệm cho ngành kia.

“Giao cho bộ phận này 3 tháng, 6 tháng hoặc một khoảng thời gian nào đó phải có kết quả. Đây là cách tạo một tiếng vang để đi vào cải cách xây dựng cơ bản”, ông Bình nhấn mạnh.

Làm nhanh thì… vi phạm

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, chính sách ban hành trong thời gian qua đã thể hiện sự hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, sự chặt chẽ của chính sách cũng có “lỗi” khi dẫn đến việc không phát huy được sự chủ động của chủ đầu tư, của bên A, bên B.

Thông thường một dự án nhóm A mất 4 năm hoàn thành thủ tục đầu tư, cộng với thi công khoảng 5 - 7 năm, tổng cộng lên đến hàng chục năm. Chúng ta có trên 13.000 dự án, bình quân mỗi dự án có giá trị trên 4 tỉ đồng và sự chậm trễ trong thực hiện dẫn đến sự lãng phí rất lớn về thời gian và tiền vốn.

Cơ chế chính sách là nguyên nhân dẫn đến mỗi năm chúng ta có khoảng 50 - 70.000 tỉ đồng được chuyển sang năm kế tiếp. “Chúng ta làm tình hình triển khai các dự án khó khăn hơn”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ông Hiển cũng phân tích, trước việc cơ chế chính sách rườm rà, một số địa phương đã giảm bớt thủ tục giúp cho việc thực hiện dự án nhanh hơn. Tuy nhiên, “muốn làm nhanh hơn như vậy thì lại vi phạm qui định”. Ông đề nghị, chấn chính lại cơ chế chính sách sao cho đồng bộ, tránh rườm rà, kéo dài các dự án như vừa qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu lưu đề xuất, nên thực hiện cơ chế “chìa khóa trao tay” trong đầu tư xây dựng cơ bản để tránh lãng phí, thất thoát. Từ thực tiễn trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Lưu chỉ ra rằng, việc giao trách nhiệm chủ đầu tư cho các bộ ngành chuyên về lĩnh vực khác là không phù hợp.

Cơ chế chìa khóa trao tay cũng được bà Trương Thị Mai Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội tán đồng. Bà Mai lấy dẫn chứng, ngành Y tế, Giáo dục đã có những yếu kém trong vai trò chủ đầu tư, trong khi những năm tới, nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực này sẽ rất lớn, nếu không có sự thay đổi sẽ có những hậu quả.

Cấn Cường