Tạo bước đột phá mới trong xây dựng Đảng
“Tôi vừa gửi một bức thư tới Đại hội mong muốn đây sẽ là đại hội mẫu mực bàn về vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tạo ra một bước ngoặt, đột phá mới làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh”. Nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã tiết lộ như vậy trong cuộc gặp báo giới sáng qua 16/4.
Nguyên tổng bí thư nói: Còn nhớ trước khi tiến hành Đại hội VI, chúng ta bị khủng hoảng về kinh tế - xã hội. Khi đó Đảng xác định: nếu không đổi mới - trước hết về kinh tế - thì sẽ nguy ngập.
Chính vì thế Đại hội VI đã làm chuyển động tình hình và mới có được những thành tựu như ngày hôm nay. Còn bây giờ, các mặt kinh tế, xã hội đều đạt được thành tựu lớn, nhưng tại sao lại có một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái, lòng tin của dân đối với Đảng bị giảm sút, thậm chí có người nói là khủng hoảng lòng tin. Vấn đề chính là phải trả lời điều này.
Muốn trả lời, chính Đảng phải đánh giá lại mình. Khi Đảng không đánh giá bản thân mình một cách đúng đắn và nghiêm túc thì sẽ không có biện pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề đúng tầm và đúng bản chất của nó.
Cũng có ý kiến cho rằng Đảng ta cơ bản là tốt, còn tiêu cực lúc nào mà chả có! Nói như thế là ngụy biện, là giấu bệnh. Đảng ta là đảng cầm quyền, lại càng phải bàn cho ra lẽ. Không chỉ ở PMU18 mới có người như Bùi Tiến Dũng mà vẫn (được công nhận) đạt tiêu chuẩn hoàn thành nhiệm vụ, vẫn là đảng viên tốt đâu. Không ít nơi khác cũng thế nhưng không phải ai cũng dám nói, dám đấu tranh.
Thực tế vấn đề ở đây là sinh mệnh của Đảng gắn với trách nhiệm lãnh đạo dân tộc. Cho nên Đại hội Đảng toàn quốc, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, phải bàn vấn đề này đúng tầm. Và muốn tạo ra một bước ngoặt mới, đột phá mới, Đại hội X phải trả lời cho được câu hỏi: vì sao dân giảm lòng tin?
Câu trả lời có phải vì Đảng có phần xa dân, thưa ông?
Đó là biểu hiện của quan liêu đấy. Quan liêu thì mất dân chủ. Xa dân nên không tìm thấy cái mới, tư duy trở nên xơ cứng, dẫn tới chỗ làm theo cách của mình rồi bắt người ta phải làm theo. Như thế là đặc quyền.
Ý ông là dân thấy "bệnh" của Đảng nhưng Đảng (nhiều khi) lại không thấy hết "bệnh" của mình?
Đúng như thế. Vì vậy rất cần phải bàn, phải mổ xẻ. Trước những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm của mình, Đảng phải bàn: trách nhiệm lãnh đạo ở đâu; để tình hình như thế, phải xem xét lại mình như thế nào...
Phải đặt tất cả lên bàn và bàn đến nơi đến chốn. Đại hội chất vấn trung ương: trách nhiệm của Ban chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, của Tổng bí thư... đến đâu? Bàn rồi cần có một nghị quyết, quyết liệt vượt qua những hạn chế. Còn để tình trạng như thế này là hỏng.
Hiện nay có tình trạng là nể nang, sợ nói thẳng, nói thật. Nói thẳng là sợ đụng đến cái ghế của mình. Rồi tình trạng dùng tiền và quyền chi phối. Đảng đã biết cái bệnh đó rồi thì phải giải quyết đi chứ.
Cũng có thực tế là anh chẳng dám đấu tranh với ai cả nhưng anh lại bè phái hại nhau: đơn thư tố cáo nhau, nói xấu nhau, dựng chuyện hại nhau... Tình trạng đó là tương đối phổ biến chứ không phải cá biệt.
Thưa ông, thật ra không phải Đảng không thấy “bệnh” của mình. Chính vì thấy bệnh nên mới đề ra nghị quyết trung ương 6 (2) để chống tiêu cực, tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thế nhưng đã tám năm, căn bệnh như ông nói, vẫn nghiêm trọng. Như vậy thật ra Đảng có thể “trị” căn bệnh của mình hay không?
Thấy nhưng biện pháp quyết liệt thực hiện thì chưa. Ở đây còn phải nói đến ý chí, bản lĩnh nữa. Khi Đảng hiểu được vấn đề như thế, Đảng phải có ý chí như thế nào và bản lĩnh giải quyết ra sao. Đó mới là quan trọng. Đồng thời, muốn giải quyết còn cả vấn đề nghệ thuật nữa chứ không phải nói là làm được.
Tôi cho rằng ngay cả một Đảng cầm quyền cũng đủ điều kiện giải quyết được. Ở VN không thể đa đảng. Một Đảng nhưng chúng ta muốn khắc phục được những "bệnh tật" có thể dẫn tới độc đoán chuyên quyền thì vẫn có cách giải quyết, với điều kiện thảo luận kỹ; tôn trọng trí tuệ của dân, trí tuệ toàn Đảng; có cơ chế công khai hóa việc Đảng làm.
Tôi có nói với một số đồng chí: nên học tập Quốc hội về việc chất vấn Chính phủ, chất vấn Thủ tướng. Trước khi đi dự đại hội phải hỏi ý kiến đảng viên (như việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội - NV); vào đại hội thì chất vấn Ban chấp hành Trung ương, chất vấn Tổng bí thư... Đáng lý Đảng phải làm gương cho Quốc hội về vấn đề này mới phải.
Ông có cho rằng vấn đề lớn nhất của Đảng hiện nay là tính dân chủ?
Khi anh đã thừa nhận thiếu dân chủ mà lại nói rằng tất cả các vấn đề đều có hiệu quả là không đúng. Thiếu dân chủ sẽ bóp nghẹt sức sáng tạo lớn của toàn dân, toàn Đảng. Đó là cái nguy hại.
Nếu phát huy, mở rộng dân chủ, tức là biết khơi gợi nguồn trí tuệ vô tận của dân, của Đảng, mọi thứ sẽ khác hẳn. Tôi đồng ý rằng nếu 20 năm trước ta đã làm một cuộc cách mạng đổi mới về kinh tế thì giờ đây cú đột phá phải bắt đầu từ dân chủ xã hội, dân chủ trong Đảng, trong công tác cán bộ, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng...
Nói ngay như công tác cán bộ. Tại sao cứ phải bí thư cấp tỉnh ủy vùng này, miền này thì vào trung ương? Như thế không phải. Bởi vì trung ương không phải là mặt trận. Trung ương phải căn cứ vào tính chất nhiệm vụ, yêu cầu mới bố trí cán bộ.
Hoặc bộ trưởng cũng không nhất thiết cứ phải là ủy viên trung ương, thậm chí còn có thể không phải là đảng viên. Tức là bây giờ phải công khai, minh bạch các tiêu chuẩn, qui trình tổ chức cán bộ. Như vậy sẽ trị được căn bệnh “đảng hóa” vẫn còn tồn tại hiện nay.
Vậy nếu ông là đại biểu dự đại hội, là ủy viên trung ương, ông sẽ chất vấn nội dung gì?
Trước hết là tại sao nhiều đảng viên vi phạm phẩm chất đạo đức như thế, kể cả ủy viên trung ương? Bộ Chính trị, Ban bí thư có biết không? Ủy ban kiểm tra có biết không, có báo cáo chưa? Báo cáo rồi có bị thế lực nào cản trở không?...
Báo cáo rồi mà Bộ Chính trị không đồng ý thì có thể báo cáo trực tiếp trước đại hội luôn. Chứ còn bị “chặt” một cái rồi im luôn, như thế đâu còn dân chủ. Như thế sẽ tê liệt. Mà khi cơ quan Đảng tê liệt, bộ máy nhà nước cũng sẽ tê liệt.
Có một điều quan trọng là cũng cần xác định việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải bắt đầu từ đâu?
Nếu đại hội quyết tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng thì phải chọn nơi bắt đầu, các bước thời gian và có chỉ đạo chặt chẽ. Chính việc tổ chức thực hiện sẽ quyết định kết quả.
Ông nói sức chiến đấu của tổ chức Đảng còn yếu là do dân chủ trong Đảng còn hạn chế. Mà dân chủ - như ông nói - là một điều kiện quan trọng để phát triển đột phá nhiều mặt, nhất là giai đoạn hiện nay. Thưa ông, ông kỳ vọng gì vào sự cởi mở dân chủ trong Đảng từ Đại hội X lần này, và có thể coi đó là cú đột phá cần thiết cho quá trình phát triển?
Cũng có nhiều vấn đề có khởi sắc. Đầu tiên là việc nhân dân góp ý kiến với Đảng, mặc dù người ta vẫn băn khoăn với những tồn tại của xã hội, của đội ngũ đảng viên, song rất đáng quí là dân vẫn hi vọng Đảng khắc phục được những tồn tại đó, đưa đất nước vượt lên.
Đó là may mắn của Đảng. Có những người góp ý cả bằng một đề án, dày như sách được người ta tự tay in ấn. Đảng đã có tiếp thu một phần.
Về nhân sự cũng lấy ý kiến Ban bí thư, Bộ Chính trị, nhưng nếu ra Ban chấp hành trung ương mà trung ương thấy chưa chính xác thì có thêm ý kiến. Và tôi hi vọng rằng đại hội này không còn tình trạng cứ ban chấp hành cũ đề xuất như thế nào thì đại hội nghe thế ấy.
Tức là đại biểu đi dự đại hội sẽ thực hiện được quyền tự quyết của mình, Đại hội thể hiện được là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng. Tôi tin lần này sẽ có những diễn biến dân chủ tích cực.
Đại hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng nhưng như dự kiến, tổng bí thư vẫn sẽ do Ban chấp hành trung ương khóa X bầu, thưa ông?
Thủ tục này cũng do đại hội là cơ quan quyết định sau khi bàn thảo, cân nhắc, còn hiện nay dự kiến trên vẫn là đề xuất. Ngay cả vấn đề tư cách đại biểu, nếu có gì đại biểu vẫn có quyền chất vấn.
Đảng là Đảng của dân. Thế nhưng đến thời điểm trước ngày khai mạc đại hội như hiện nay, người dân vẫn còn chưa biết ai sẽ là ứng cử viên chức tổng bí thư. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Tôi cũng chưa có thông tin đó.
Từng là tổng bí thư, ông đánh giá như thế nào về vai trò tổng bí thư của Đảng trong điều kiện hiện nay?
Đó là người chịu trách nhiệm lớn, đòi hỏi phải có bản lĩnh, ý chí. Là người biết tập hợp bằng cái tâm, cái đức và cái tầm. Phải hiểu được vấn đề của Đảng, nhất là trong mối quan hệ với Nhà nước. Đặc biệt là điều hành bộ máy Đảng hiệu quả.
Xin cám ơn ông.
Theo Đà Trang – Đặng Mai
Báo Tuổi trẻ