1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Tăng viện phí, đừng quên người nghèo

Bộ Y tế cho rằng tăng viện phí sẽ tỉ lệ thuận với tăng chất lượng khám chữa bệnh nhưng các vấn đề liên quan như chất lượng khám chữa bệnh, các dịch vụ y tế, hỗ trợ cho nhóm bệnh nhân nghèo bị bệnh mãn tính... chưa rõ ràng khiến dư luận chưa thể an tâm.

Tăng viện phí, đừng quên người nghèo - 1
Tăng viện phí vẫn không giảm đi tình trạng quá tải, người bệnh phải nằm ghép 2-3 người/giường.

Thông tin dự kiến tăng viện phí đã khiến không ít bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện (BV) lo lắng, bởi với họ, thêm chi phí là thêm gánh nặng, nhất là với người nghèo, mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày.

Đã lặng lẽ tăng

Bệnh nhân Nguyễn Vân Tr., 48 tuổi, điều trị ung thư vòm họng tại BV K, chia sẻ: “Người làm công ăn lương như tôi chẳng may bệnh tật vào BV cũng đã rất chật vật; huống gì những người lao động nghèo, mỗi đợt hóa xạ trị mất từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, không biết họ xoay xở thế nào?”.

Không ngạc nhiên trước thông tin điều chỉnh viện phí lần này, bà Phan Thị Hằng ở Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, nói: “Việc điều chỉnh viện phí lần này cũng là hợp thức hóa việc các BV tăng viện phí lâu nay thôi. Mấy năm qua, khi tôi khám bệnh ở các BV công, họ cũng đã “xé rào” thu 30.000 - 40.000 đồng/lần khám rồi, chẳng còn chỗ nào thu tiền khám 3.000 - 5.000 đồng nữa. Ngay cả giá dịch vụ ngày giường từ 100.000- 350.000 đồng/ngày/giường bấy lâu nay nhiều BV đã thu rồi!”.

Tại Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, bà Trần Thị Kh., 52 tuổi, quê ở Hà Nam, một trong những bệnh nhân đã điều trị gần 10 năm tại đây, than thở: “Tôi bị suy thận mãn, mỗi tháng phải lên Hà Nội 12 lần để chạy thận. Ngoài mức đồng chi trả là 5%, còn rất nhiều khoản khác như ăn uống, nhà trọ, phí sinh hoạt, nay giá viện phí điều chỉnh tăng thêm, những người làm nông như tôi sẽ ra sao?”.

Cần cơ chế minh bạch về tài chính

Theo TS Trần Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi Trung ương, giá thu tiền khám cũng như tiền ngày giường theo quy định cũ chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ chi phí thực mà BV phải chi trả.

TS Nguyễn Cao Luận, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai), cho rằng việc điều chỉnh viện phí lần này là phù hợp nhưng  để công bằng hơn với bệnh nhân nghèo bị các bệnh mãn tính, cần có chính sách hỗ trợ đối tượng này. Các BV nên thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, nguồn quỹ này sẽ được trích ra từ chính nguồn thu từ viện phí để hỗ trợ.

Không thể người bệnh vì vượt quá khả năng chi trả mà trốn viện bỏ về không điều trị, trong lúc BV lại không biết lấy tiền ở đâu để bù cho đối tượng này. “Theo tôi, chỉ nên áp dụng thu một phần viện phí đối với chi phí thuốc men, còn phần chi phí vật liệu tiêu hao cho chạy thận thì nên miễn giảm phần đồng chi trả cho người bệnh”- ông Luận đề xuất.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội VN, cho rằng việc điều chỉnh khung giá viện phí hiện nay là cần thiết vì bảng giá ban hành 15 năm trước đã quá lạc hậu so với thực tế.

Tuy nhiên, cần có một cơ chế minh bạch về tài chính. Với những dịch vụ đã thu đủ sẽ không được ngân sách Nhà nước tiếp tục hỗ trợ. Đồng thời, Bộ Y tế cũng phải giải trình rõ về cơ cấu giá thành sẽ được điều chỉnh với cơ quan nắm giữ tài chính. 

Mỗi khi có thông tin về tăng viện phí, điều mà nhiều người băn khoăn là tăng viện phí liệu có tăng được chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, một số lãnh đạo BV cho rằng việc điều chỉnh viện phí lần này sẽ từng bước góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh chứ chưa thể giải quyết ngay được tình trạng quá tải ở các BV, nhất là các BV tuyến cuối.

Theo Ngọc Dung
Báo Người lao động