1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tăng thu ngân sách, thắt chặt chi tiêu công

Ngày 25/3, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc đưa ra các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời duy trì khả năng tăng trưởng của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận sâu về mục tiêu kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó thực hiện 8 nhóm giải pháp để đảm bảo tăng trưởng bền vững như:

 

Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ chủ động và linh hoạt, tăng thu ngân sách và thắt chặt chi tiêu công, tăng cường quản lý thị trường giá cả, đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu, tháo gỡ đảm bảo sản xuất kinh doanh và tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nghèo.

 

Các thành viên Chính phủ đều cho rằng, từ cuối năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, nước ta gặp không ít khó khăn thách thức, tác động đến nền kinh tế vĩ mô, giá cả và lạm phát tăng cao là do nền kinh tế suy giảm, đồng USD mất giá, giá dầu thô và nguyên liệu thiết yếu đều tăng cao, lạm phát có tính toàn cầu cộng với tình hình trong nước ảnh hưởng do thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp...đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

 

Trong quí 1, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 7,4% thấp hơn 0,3% so với quý 1/2007, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 9,19% so với tháng 12/2007, nhập siêu tiếp tục tăng cao với tốc độ nhập khẩu tăng 2,7 lần kim ngạch xuất khẩu, trong đó xuất khẩu 3 tháng đạt 13 tỷ USD và nhập khẩu ước đạt 20,39 tỷ USD...

 

Ngoài những nguyên nhân khách quan, các thành viên Chính phủ nêu bật những tồn tại, hạn chế trong điều hành các chính sách và cân đối vĩ mô; tình trạng lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư từ nguồn vốn nhà nước chưa được khắc phục triệt để; hạn chế trong quản lý đất đai và những bất cập, yếu kém của hệ thống quản lý nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập vào kinh tế thế giới gây lúng túng trong điều hành kinh tế vĩ mô.

 

Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội quý 1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: mặc dù có những tác động tiêu cực vào nền kinh tế nước ta nhưng bằng nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng 7,4%, trong đó nông lâm thủy sản tăng 2,9% và dịch vụ tăng hơn 8% cùng kỳ năm trước...

 

Trước tình hình giá cả tăng cao, ngay từ đầu năm Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, do vậy 2 tháng đầu năm lạm phát tăng bình quân trên 3%; tháng 3 mặc dù có điều chỉnh giá xăng dầu nhưng lạm phát thấp hơn tháng 2, lạm phát có dấu hiệu chững lại.

 

Trong khó khăn, Chính phủ đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo và người có thu nhập thấp. Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay kinh tế tăng trưởng khá nhưng có dấu hiệu giảm do tình hình lạm phát tăng, nhập siêu, thị trường chứng khoán sụt giảm đang đe dọa đến nền kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

 

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, đồng thời điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát phù hợp thích hợp với tình hình mới.

 

Theo đó, cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện 8 nhóm giải pháp, trong đó thắt chặt chính sách tiền tệ, tiết kiệm đầu tư công, kiểm soát nhập siêu...

 

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt nắm sát thị trường để thực hiện các giải pháp gắn với thị trường, thực hiện an toàn hệ thống và điều hành chính sách công khai minh bạch và phối hợp với các bộ ngành chức năng thực hiện các giải pháp (cho vay và lãi suất) không gây ách tắc các hoạt động sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu đảm bảo sản xuất và đời sống như xăng, dầu, phân bón...Trước mắt, Chính phủ bù lỗ giá điện và xăng dầu.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành chức năng rà soát lại các dự án đầu tư, loại bỏ các dự án không hiệu quả, tiết kiệm chi tiêu công nhằm giảm bội chi ngân sách, đồng thời kêu gọi nhân dân hạn chế tiêu dùng.

 

Theo dõi sát diễn biến của thị trường và biến động giá, đẩy mạnh cung hàng hóa và quản lý chặt chẽ các mặt hàng không cho phép đầu cơ tăng giá, đẩy mạnh xuất khẩu về cả mặt hàng và thị trường, quyết liệt kiểm soát tình trạng nhập siêu và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất...

 

Ngày 26/3, Chính phủ tiếp tục họp thảo luận và góp ý về dự án một số Luật.

 

Theo TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm