1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tăng phạt, tăng phí sao không tăng trách nhiệm cán bộ?”

(Dân trí) - “Bộ đề nghị được tăng quyền xử phạt, tăng tiền phạt, tăng phí, tăng đầu tư giao thông nhưng lại ít nói về giải pháp để tăng trách nhiệm, ý thức của cán bộ giao thông?” - Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển “hỏi xoáy” Bộ trưởng Thăng.

Phiên giải trình của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hôm nay, 24/4, “nóng” ngay từ những câu hỏi đầu tiên.
 
“Tăng phạt, tăng phí sao không tăng trách nhiệm cán bộ?”
Bộ trưởng Thăng: "Không thể đổ lỗi cán bộ giao thông tiêu cực là nguyên nhân tai nạn".
Không thể đổ lỗi tai nạn do cán bộ giao thông tiêu cực
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: số vụ việc vi phạm ATGT hiện ở mức rất cao. 1 năm qua có hơn 8,3 triệu vụ vi phạm được xử lý. Số phương tiện bị xử lý bằng 18-20% phương tiện trên đường. Nếu tính cả số vụ vi phạm không bị phát hiện hoặc không xử lý sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Dù vậy, kết quả mang lại chỉ là những con số đau lòng, như ông Hiển phân tích - số người chết, bị thương quá lớn, có biểu hiện không thuyên giảm, khi mỗi năm vẫn hơn 11.000 người chết.

“Tôi vẫn nói đùa người tiền nhiệm của anh Thăng: anh là đại tướng nướng quân lớn nhất, mỗi năm hơn 1 sư đoàn, làm bị thương, loại ra khỏi vòng chiến đấu khoảng 1 sư đoàn khác. Giờ tình trạng vẫn vậy” – ông Hiển yêu cầu Bộ trưởng GTVT giải trình về trách nhiệm quản lý của Bộ về việc này. Có gì Bộ làm chưa hết trách nhiệm để tình trạng diễn ra như hiện nay?

Bộ trưởng Đinh La Thăng phản ứng nhận định của ông Hiển, dẫn số liệu chứng minh, quý I/2012 đã giảm được 50% số vụ tai nạn, 19% số người chết, nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM tai nạn còn giảm đến 70%. Quý I có tháng Tết mà còn giảm được như này, ông Thăng quả quyết, đến cuối năm sẽ giảm được hơn 2.000 người chết.

“Đúng là số người chết, bị thương, dù đã giảm vẫn còn rất lớn, còn nghiêm trọng nhưng 2.000 người là con số rất lớn” – ông Thăng nói.
 
“Tăng phạt, tăng phí sao không tăng trách nhiệm cán bộ?”
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách: "Bộ GTVT chưa làm hết trách nhiệm, để tình trạng tai nạn nghiêm trọng".

Bộ trưởng GTVT cũng khẳng định đã thực hiện hết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực với hệ thống giải pháp đồng bộ, cả về lâu dài lẫn giải pháp cấp bách.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển “tấn công” Bộ trưởng Thăng về giải pháp tăng quyền xử phạt, tăng tiền phạt, tăng phí, tăng mức đầu tư nhưng lại nói ít về vấn đề tăng cường trách nhiệm, ý thức của người thực hiện công vụ. Ông Hiển đặt câu hỏi: Làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hạn chế tiêu cực trong lực lượng?

Bộ trưởng Thăng công nhận thực trạng như ông Hiển đề cập và khẳng định đang có đề án để nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, từ lực lượng quản lý đến người thực hiện là thanh tra giao thông. Tuy nhiên, ông Thăng cũng “bật” lại, lập luận: Không thể “đổ lỗi” người thực thi công vụ là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
 

“Mong sự chia sẻ về việc thu phí”

Bức xúc về những giải pháp tài chính người đứng đầu ngành GTVT đưa ra, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (ủy viên UB các vấn đề xã hội) dẫn chuyện khánh thành một nhà văn hóa địa phương, đại diện các lực lượng đến dự ghi sổ lưu niệm đều “kể công”, trong đó ngành giao thông khẳng định “tôi bảo vệ cho tất cả”. Cuối cùng, đại diện cho những người nông dân ghi câu chốt “tôi trả tiền cho tất cả”. Bài toán ông Thuyền đặt ra: có giải pháp nào hiệu quả mà ít tốn kém, hạn chế việc buộc người dân phải đóng góp.
 
Phó chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cũng ta thán: “Đất nước đã nghèo mà ngành nào cũng đòi tiền đầu tư. Có giải pháp nào ít tiền mà hiệu quả, chứ không ngành GTVT đặt ra bài toán “làm khó” Quốc hội quá”. Ông Tiên đề xuất kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc áp dụng hình thức phạt nghiêm khắc – tạm giữ, phạt tù ngắn hạn với lái xe say rượu, hiệu quả răn đe, cảnh cáo rất cao.

“Vi phạm pháp luật giao thông đường bộ là nguyên nhân chính, chiếm 96% số người chết. Để xử lý nghiêm các vi phạm, cần nâng trần mức phạt tối đa đồng thời cho phép thanh tra viên, công an được tăng thẩm quyền xử phạt lên 2 triệu đồng; tịch thu và sung công với các hành vi nguy hiểm như đua xe trái phép mà không phân biệt chủ sở hữu”.

Bộ trưởng GTVT phủ nhận, các giải pháp ngành đưa ra hết sức đồng bộ chứ không chỉ về cơ chế tài chính hay tập trung vào tiệc thu phí với người dân.

“Đề xuất nào cũng phải xuất phát từ lợi ích của đại đa số người dân, mức thu cũng phù hợp. Chúng tôi mong có sự chia sẻ để làm sao xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, để đồng tiền nộp ngân sách của người dân phải được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí” – ông Thăng nhấn mạnh.
 
“Tăng phạt, tăng phí sao không tăng trách nhiệm cán bộ?”
Phiên giải trình tại UB Pháp luật của Quốc hội.  

Tiếp bức xúc này, đại biểu Trần Ngọc Vinh đi vào vấn đề cụ thể - Bộ GTVT đề xuất thu phí bảo trì đường bộ trong bối cảnh đời sống người dân đang giai đoạn khó khăn nên nhận phản ứng không đồng thuận từ dư luận.

Ông Thăng lý giải, tiến hành thu phí bảo trì đường bộ là thực hiện theo luật Đường bộ ban hành từ 2008. Bộ GTVT chỉ là người thực hiện. Ông Thăng cũng nói cứng, đáng ra phải thực hiện thu phí này sau khi luật có hiệu lực chậm nhất là 6 tháng. Đến giờ mới thu là quá muộn, ông Thăng nhận đây là thiếu sót của ngành.   
 
“Phân bổ tiền phạt để chống… chung chi”

Câu hỏi về vấn đề sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính có vào ngân sách, có được dùng đúng mục đích của đại biểu Nguyễn Thị Khá được chuyển cho Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Thị Minh.

Bà Minh trả lời việc quản lý khoản thu này thực hiện theo thông tư 89, các khoản thu được đều dùng để đầu tư lại cho ngành GTVT. Trong đó, chi bồi dưỡng cho lực lượng CSGT chiếm 70%, cho thanh tra giao thông 10%, cho Ban ATGT địa phương 10% và cho các lực lượng trực tiếp tham gia 10%. Thứ trưởng Tài chính cho biết, khoản thu chi này đều thông qua kho bạc, hoàn toàn minh bạch.

Theo báo cáo, năm 2011, toàn bộ số tiền phạt thu được đạt 2.540 tỷ đồng. Có địa phương số thu rất thấp như Hà Giang – 4 tỷ đồng, có địa phương lại rất “tương đối”, trong đó, Hà Nội được 216,7 tỷ đồng, TPHCM 286 tỷ đồng.
 
“Tăng phạt, tăng phí sao không tăng trách nhiệm cán bộ?”
Đại biểu Nguyễn Thị Khá: "Tiền phạt thu được có "chảy" đúng chỗ?".

“Toàn bộ số tiền này quản lý qua ngân sách nhà nước, hàng năm có kiểm toán. Đến nay chúng tôi chưa nhận được thông tin phản ánh về vi phạm, tiêu cực gì lớn trong việc quản lý khoản thu chi này” – bà Minh quả quyết.

Đại biểu Đặng Đình Luyến (Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật) nêu vấn đề, thực tế vẫn có hiện tượng cán bộ chiến sĩ tiêu cực, vi phạm khi xử phạt người vi phạm giao thông. Dư luận cũng lo ngại việc trích tiền phạt để bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ

Bà Minh phản ứng, dẫn nhiều ý kiến thậm chí đề nghị tăng khoản trích bồi dưỡng này cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ như chiến sĩ trực đêm chống đua xe trái phép. Hiện lực lượng này mới chỉ được hưởng mức chi 100.000đ/người/ca. Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều chỉnh mức chi này cho đỡ… lạc hậu.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền bác thẳng quan điểm xử phạt để tăng thu nhập cho cán bộ. Theo ông Thuyền, cán bộ đi làm đã có lương, lương thưởng thấp thì cần cải thiện chế độ tiền lương, không thể tăng bằng cách dùng tiền phạt thu được để phân bổ bồi dưỡng, dễ dẫn đến hiện tượng… đè ra phạt.
“Tăng phạt, tăng phí sao không tăng trách nhiệm cán bộ?”
Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh: "Chia công khai tiền phạt để chống... chung chi".

Bà Minh vội phân trần, không ai mong muốn phạt được nhiều để thu được nhiều tiền mà chủ yếu để cảnh cáo, răn đe. Còn lương cho cán bộ, chiến sĩ là cho thời gian làm việc trong giờ hành chính trong khi các lực lượng phải đứng ngoài đường, làm việc ngoài giờ, làm đêm.

Thứ trưởng tài chính cũng phân tích: “Nếu không bố trí tiền bồi dưỡng công khai, mình bạch cho anh em, thậm chí còn tạo điều kiện cho tiêu cực, cho hiện tượng thỏa thuận chung chi. Khi quyết định việc này, chúng tôi cũng đã bàn bạc, thảo luận rất cẩn thận, cân nhắc. Phải phạt để giảm vi phạm”.

P.Thảo