Tăng mức tiền, cắt điện nước với nhiều trường hợp xử phạt hành chính?
(Dân trí) - Ngày 10/8, tại phiên họp thứ 47, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính…
Tăng mức phạt hơn nữa để răn đe
Đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa trong 10 lĩnh vực là vấn đề nhận nhiều ý kiến khác nhau tại phiên thảo luận lần đầu của Quốc hội về dự luật trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 diễn ra hồi tháng 6 năm nay. 10 lĩnh vực này theo quy định hiện hành có mức tiền phạt tối đa thấp, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính.
Về vấn đề này, Thường trực UB Pháp luật (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật) đề nghị UB Thường vụ Quốc hội cho giữ việc tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, Thường trực Uỷ ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực để quy định mức tiền phạt cụ thể đối với từng hành vi tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Theo Thường trực UB Pháp luật, cần áp dụng đồng bộ không chỉ hình thức phạt tiền mà cả các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, không để xảy ra tình trạng “phạt cho tồn tại”, bảo đảm “mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật".
Phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả chỉ bị phạt tối đa 200 triệu đồng thì quá thấp vì đây là lĩnh vực thu lợi bất chính cao, cần phải nâng lên nữa.
Vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa mà phạt tối đa 75 triệu, theo ông Hiển, cũng rất thấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý, nhiều trường hợp, phạt tiền đối tượng vi phạm không ngại nhưng phạt lao động công ích có khi lại có tính răn đe cao hơn.
Tâm tư về số lượng người nhập cảnh trái phép những tháng đầu năm nay tăng cao, Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần tăng mức phạt tối đa với hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Theo ông Giàu, mức phạt tiền với vi phạm trong xuất nhập cảnh cũng cần được tăng lên.
2 phương án quy định về biện pháp cắt điện, nước
Về 2 phương án bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước khi xử phạt vi phạm hành chính cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị không bổ sung biện pháp này khi phạt vi phạm hành chính. Ngược lại, cũng có ý kiến tán thành việc bổ sung biện pháp này là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Loại ý kiến thứ 3 thì tán thành với loại ý kiến thứ hai nhưng bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.
Trong UB Pháp luật cũng có ý kiến không đồng tình việc cắt điện, nước vì thực tế, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
Mặt khác, việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để xem xét, quyết định khi sửa đổi toàn diện luật này.
Loại ý kiến đồng tình thì cho rằng, việc bổ sung biện pháp này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính chấm dứt ngay hành vi vi phạm.
Chủ nhiệm UB Pháp luật thông tin, đa số ý kiến trong Thường trực UB tán thành loại ý kiến thứ nhất.
Phát biểu thảo luận, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng, cắt điện nước là biện pháp nhỏ nhặt, hạn chế tính nghiêm minh của pháp luật, không nên bổ sung quy định này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lại ủng hộ biện pháp cắt điện nước, nhưng đề nghị áp dụng có giới hạn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khái quát, nhiều Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường các tỉnh đã có văn bản phản ánh, khó xử lý đối với nhiều vi phạm trong hai lĩnh vực này. Vì thế cần thiết phải áp dụng biện pháp cắt điện, nước, nhưng cũng thu hẹp tối đa, chi áp dụng với hai lĩnh vực xây dựng và môi trường.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chốt lại, do còn ý kiến khác nhau, UB Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục trình hai phương án quy định để Quốc hội thảo luận vòng 2 tại kỳ họp cuối năm nay.