1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Tăng lương sẽ không tác động nhiều đến tăng giá”

(Dân trí) - Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc tăng lương để giải quyết những chỗ khó khăn nhất nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá. Cũng theo ông, mức tăng trưởng tín dụng từ việc hỗ trợ lãi suất cho vay trung, dài hạn vẫn nằm trong mức cho phép…

Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung hạn, dài hạn để thực hiện đầu tư mới sản xuất - kinh doanh, kết cấu hạ tầng. Đây chính là điều thực tế đang cần, thưa ông?  

Chúng ta đưa ra gói 17 ngàn tỉ đồng chủ yếu để cho vay vốn lưu động, chỉ trong 8 tháng nên rất hạn hẹp cho việc tiếp cận của các doanh nghiệp. Sau một thời gian thực hiện, chúng ta có động tác “chỉnh” là kéo dài thời gian sang 2 năm, cho vay không phải vốn lưu động mà cả vốn cố định nữa…
 
“Tăng lương sẽ không tác động nhiều đến tăng giá” - 1
Ông Cao Sỹ Kiêm: "Lạm phát mới tăng lên chưa được bao lâu nên việc tăng lương lần này vẫn trong độ an toàn"
 
Thay đổi này rất có ý nghĩa vì vừa khắc phục khiếm khuyết trong thời gian qua về chính sách, vừa tạo yếu tố để khai thác tốt hơn năng lực, điều kiện, tiềm năng đã, đang có của đất nước, giúp các doanh nghiệp trụ vững, vượt qua khó khăn và đồng thời cũng là động tác mạnh để chúng ta chống suy giảm kinh tế.

Ông đánh giá thế nào về khả năng tiếp cận nguồn vay này của doanh nghiệp?

Nói chung nguồn vốn đưa ra mở rộng hơn và nhiều doanh nghiệp cũng đang trong diện vay như thế này nên chắc chắn khả năng tiếp cận nhiều hơn. Những địa chỉ được giải quyết sẽ trúng hơn, đáp ứng những yêu cầu chung của nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực nông thôn.

Nhưng việc cho vay trung hạn và dài hạn như vậy có gây nên sự tăng trưởng tín dụng đáng lo ngại?

Tất nhiên là sẽ tăng trưởng tín dụng, nhưng tăng trưởng tín dụng mà số vốn này đẻ ra vẫn trong phạm vi cho phép vì chỉ số tăng giá hiện nay, nếu phấn đấu tích cực, năm nay có thể 6 - 7% thôi. Còn tăng vốn tín dụng kể cả dự án ngắn hạn, dài hạn mà có điều kiện phát huy hiệu quả thì cũng đảm bảo tăng trưởng ở mức 5 - 5,5%.
 
Tất nhiên, tất cả các gói kích cầu, kể cả ngắn hạn, kể cả dài hạn vào đúng địa chỉ, đúng yêu cầu sẽ có kết quả như thế. Nếu như đưa vào chỗ không đúng, chi tiêu lãng phí, tham nhũng, bớt xén… không những không giúp cho tăng trưởng mà còn gây ngòi cho lạm phát.

Chính phủ đã quyết định tăng lương tối thiểu lên 650.000đồng/tháng từ 1/5. Những lần tăng lương trước đây thường tạo nên mối lo ngại về lạm phát, còn lần này thì sao, thưa ông?

Yêu cầu lớn nhất của việc tăng lương là bù đắp cho những người lương thấp, bị thiệt thòi qua lạm phát. Tăng lương lần này chúng ta có thể giải quyết những bất hợp lí trong thang bảng lương của những đối tượng khó khăn.

Tăng lương để giải quyết cho những chỗ khó khăn nhất nên không tác động nhiều đến chỉ số tăng giá. Chúng ta cũng mong muốn qua việc tăng lương này kích sức mua lên. Lạm phát mới tăng lên chưa được bao nhiêu nên việc tăng lương lần này vẫn trong độ an toàn.

Trong phiên họp vừa rồi Thủ tướng lưu ý, chính sách tiền tệ, lãi suất cơ bản… phải đặt trong khả năng lạm phát ở mức 6%. Vậy theo ông, mức lãi suất cơ bản hiện nay cần phải điều chỉnh thế nào cho phù hợp?

Nói chung, chúng ta đang phấn đấu mức lạm phát 6-7% thì lãi suất cơ bản đang ở mức 7% có lẽ phải xuống nữa, xuống 5-6% mới đảm bảo cho các hoạt động bình thường.

Chính phủ đã điều chỉnh bội chi ngân sách tối đa không quá 8%. Ông có ý kiến gì về con số bội chi này?

Nói chung, trong tình hình này, thu giảm, khối lượng chi qua quĩ công tăng cho nên ngân sách dứt khoát phải có điều chỉnh. Tất nhiên, chúng ta cố gắng điều chỉnh ở mức giới hạn.

Trong tình hình lạm phát chưa cao mà chi tiêu cần lớn, cần chống suy giảm kinh tế, cần hồi phục cho nên chúng ta cần lợi dụng cái này và cũng có thể xử lí bội chi ở mức 8%. Đó là cách giải quyết tốt nhất.

Xin cảm ơn ông! 

Cấn Cường (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm