“Tăng giá thuốc từ 3-5% là bình thường”
Cho đến ngày 2/4, Cục Quản lý dược VN vẫn chưa có công văn trả lời chính thức việc đề nghị tăng giá thuốc của 7 hãng dược nước ngoài. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang lại nhận định việc tăng giá thuốc từ 3-5% như hiện nay là bình thường.
Theo ông Quang: “Vấn đề giá thuốc hiện nay rất được Chính phủ quan tâm, mới đây Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế cần quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường và bám sát quy luật cung - cầu. Đây là một bứt phá mới về tư duy quản lý giá thuốc.
Hiện nay, giá thuốc tăng nhẹ từ 3-5% là trong biên độ cho phép và là hiện tượng hoàn toàn bình thường, có thể chấp nhận được. Cơ quan quản lý chỉ ngăn chặn khi thuốc tăng giá đồng loạt, tăng giá đột biến và tăng giá bất hợp lý. Hiện nay, trên thị trường đang có 12.439 mặt hàng thuốc lưu hành thì có khoảng 100 mặt hàng tăng giá, thì chưa có gì đáng kể”.
Việc quản lý giá thuốc hiện nay đang chỉ là quản lý phần ngọn, doanh nghiệp nào tăng giá thì yêu cầu giải trình. Có phải là cách quản lý này đang có vấn đề?
Đúng là hiện nay quản lý giá thuốc theo cách nào vẫn chưa tìm ra. Đây là vấn đề hết sức phức tạp, liên quan tới 3 bộ, ngành: Y tế, Tài chính, Thương mại. Đã 2 năm bàn bạc, thảo luận về việc quản lý thuốc theo thặng số hay theo giá trần, nhưng vẫn chưa tìm ra một giải pháp chung.
Bộ Y tế vẫn chờ đợi ý kiến của các cơ quan liên quan. Dự kiến, 1 tháng nữa thông tư về quản lý giá thuốc trên thị trường sẽ ban hành và sẽ có cơ sở pháp lý rõ ràng, chặt chẽ để quản lý, xử phạt các cơ sở tăng giá thuốc.
Ông có cho rằng, hệ thống phân phối thuốc đang có rất nhiều bất cập và là “thủ phạm” làm tăng giá thuốc?
Đây là một nguyên nhân tăng giá thuốc. Ngành y tế đang tiến hành sắp xếp quy hoạch lại mạng lưới lưu thông thuốc, loại bỏ tầng lớp trung gian. Qua kiểm tra việc tăng giá thuốc, đã phát hiện nhiều loại thuốc giá gốc không tăng mà nhà nhập khẩu, phân phối đã tự ý tăng giá. Có đến 80-90% số mặt hàng thuốc tăng là do các công ty phân phối thuốc tăng giá.
Trước tình hình các hãng dược nước ngoài tự ý tăng giá bất hợp lý, Bộ Y tế sẽ giải quyết như thế nào?
Nếu chưa được phép mà tự ý tăng giá, Bộ Y tế sẽ yêu cầu giải trình và xử phạt hành chính, hoặc cấp phép cho một công ty khác tiến hành nhập khẩu song song để cạnh tranh hạ giá thuốc xuống.
Liệu có phải việc xử lý chưa mạnh, nên các doanh nghiệp dược vẫn tái diễn việc tăng giá?
Hiện nay, vấn đề pháp lý chưa chặt chẽ. Theo quy định, các cơ sở không được bán cao hơn so với giá niêm yết, vậy giá niêm yết phải dựa trên cơ sở nào, chứ không thể tuỳ tiện thích ghi giá bao nhiêu tuỳ ý.
Thiếu các quy định và giá chuẩn, thặng số từ giá bán buôn đến bán lẻ... đã dẫn đến tình trạng việc thanh - kiểm tra cũng “bó tay”. Những vấn đề này phải được khắc phục mới có thể quản lý chặt chẽ được giá thuốc.
Việc thanh - kiểm tra không thường xuyên như hiện nay đã không có hiệu quả, có cách nào để phát hiện kịp thời khi có hiện tượng tăng giá?
Bộ Y tế sẽ họp với các UBND các tỉnh, thành phố và phân cấp cho các tỉnh chỉ đạo thanh tra liên ngành kiểm tra doanh nghiệp tăng giá thuốc và chịu trách nhiệm về những biến động thị trường dược phẩm của địa phương.
Bà Cao Thị Ngát (Hà Nội): Chạy theo giá thuốc tăng đến bao giờ!
Tôi bị bệnh cao huyết áp, uống thuốc chữa bệnh như là một bữa ăn hàng ngày, không thể thiếu. Không có BHYT nên phải lấy tiền lương hưu để mua thuốc. Mỗi tháng, tiền thuốc phải mất hơn 100.000đ. Mới đầu tháng 3 đi mua thuốc chỉ hết có 120.000đ, đến đầu tháng 4 ra hiệu thuốc đã thấy tăng lên 150.000đ.
Cô bán thuốc giải thích, bác uống thuốc ngoại thì phải chấp nhận đắt thôi, bác chuyển sang uống thuốc nội cho rẻ. Tôi liền đến khám bác sĩ, xin đổi sang thuốc nội thì bác sĩ nói thuốc nội không tốt, mà đang uống hợp thuốc đó thì không nên đổi. Không còn cách nào khác, cứ phải chạy theo giá thuốc tăng. Như thế này thì những người sống bằng lương hưu khổ quá.
Chị Liên Hương (Hà Nội): Nhắm mắt mà mua
Tôi rất sợ mua phải thuốc giả nên thường mua thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện, nhưng giá thường đắt hơn ở nhà thuốc tư nhân. Một lần, tôi thấy trên hộp thuốc có hai tem giá dán đè lên, tôi thắc mắc hỏi cô bán hàng thì được biết, giá thuốc tăng nên phải dán đè giá mới lên giá cũ.
Người tiêu dùng khi mua hàng thường biết giá hoặc có thể trả giá, nhưng với thuốc chữa bệnh thì mù tịt, cứ phải nhắm mắt mà mua. Như hiện nay, giá thuốc mua buôn là bao nhiêu và bán lẻ cho người bệnh được ăn lãi bao nhiêu là tuỳ thuộc vào người bán. Đến lúc này cơ quan chức năng vẫn không có cách nào quản lý, thì người dân phải chịu cảnh mua thuốc với giá cao đến bao giờ. |
Theo Phương Ngọc
Lao Động