1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tăng giá điện không ảnh hưởng đến gói kích cầu

(Dân trí) - Chính phủ đã “suy nghĩ rất kỹ” nên việc tăng giá điện lần này sẽ không ảnh hưởng đến chương trình và hiệu quả của gói kích cầu của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo công bố Quyết định 21/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 - 2012 thực hiện theo cơ chế thị trường.
 
Tăng giá điện không ảnh hưởng đến gói kích cầu - 1
Giá điện cho sản xuất sẽ tăng khoảng 6 - 7,5%.
 
Tăng giá điện không ảnh hưởng đến đời sống người dân!
 
Tại cuộc họp, Bộ Công Thương cho biết, giá bán điện được đề xuất tăng 8,92% năm 2009 sẽ trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,25 - 0,3%.
 
Trong năm 2009, ước tính các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.300 tỷ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,35 giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp năm 2009.
 
Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện cao (chiếm 40 - 50% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân… giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 3 - 4%; các ngành cán thép, xi măng giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,35 - 0,4%, ước tính là từ 5.000 - 7.000 đồng/tấn sản phẩm.
 
Về ảnh hưởng chi tiêu của nhà nước, dự kiến giá bán điện cho khối hành chính sự nghiệp năm 2009 tăng khoảng 10%, tổng chi phí tiền điện tăng thêm do tăng giá điện của các cơ quan hành chính sự nghiệp trong năm 2009 khoảng 300 tỷ đồng, bằng khoảng 0,3% tiêu dùng cuối cùng của nhà nước.
 
Giá điện bình quân cho sinh hoạt dự kiến tăng khoảng 13% sẽ làm tăng tiêu dùng của cá nhân năm 2009 khoảng 0,3% - 0,35%, tăng chi tiêu của các hộ gia đình thêm khoảng 3%.
 
Do giá điện cho 50 kWh đầu tiên vẫn được giữ ở giá thấp để thực hiện chính sách bù giá nên tất cả hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp có mức sử dụng điện dưới 50kWh/tháng chỉ phải trả thêm tối đa 2.500 đồng/tháng.
 
Các hộ sử dụng dưới 100 kWh phải trả thêm tối đa 18.000 đồng/tháng. Tương tự, các hộ phải trả thêm tối đa 22.000 đồng/tháng nếu sử dụng dưới 200 kWh; 28.000 đồng/tháng nếu dưới 300 kWh và 32.000 đồng/tháng nếu dưới 400 kWh.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào khẳng định: tác động của việc tăng giá điện lần này đến toàn bộ nền kinh tế là nhỏ, không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt và đời sống người dân.
 
Đối với các hàng hoá thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu… chiếm tỷ trọng chi phí tiền điện rất nhỏ thì việc tăng giá các mặt hàng này hầu như không đáng kể.
 
Tuy nhiên, kinh nghiệm những đợt điều chỉnh giá trước kia cho thấy, nhiều cơ sở buôn bán thường lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các mặt hàng thiết yếu nhằm thu lợi nhuận rõ ràng sẽ là nỗi lo của người dân. Bên cạnh đó, việc tăng giá trong thời điểm chính phủ đang thực hiện gói giải pháp kích cầu đang trở thành vấn đề nóng trong xã hội.
 
Tăng giá điện không ảnh hưởng đến gói kích cầu - 2
Phó Thủ tướng và đại diện các bộ, ngành tại cuộc họp báo (ảnh: TTXVN)
 
Tăng giá có nên mở rộng gói kích cầu?
 
Khi được hỏi: “Việc tăng giá điện lần này, theo nhiều chuyên gia kinh tế, có thể làm vô hiệu hoá gói kích cầu mà Chính phủ đang thực hiện?”. Đại diện Bộ Tài Chính cho biết: Phương án điều chỉnh tăng giá điện đã được các bộ ngành cân nhắc rất kỹ và việc điều chỉnh giá điện là không thể dừng được nữa.
 
Mặt khác, các biện pháp kích cầu đang triển khai rất tích cực và phát huy hiệu quả trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và điện chỉ là một yếu tố, một nhóm ngành hàng.
 
Về thời điểm tăng giá điện, Chính phủ cũng đã tính toán rất kỹ bởi vì song song với tình trạng thiểu phát, chúng ta đang kích thích sản xuất, các doanh nghiệp cũng phải tăng năng suất lao động, tiết kiệm.
 
"Một ví dụ thực tế là vào thời điểm lạm phát cao, chúng ta quyết định tăng giá dầu. Lúc đó có ý kiến cho rằng sẽ làm cho chỉ số CPI tăng thêm. Nhưng ngay sau khi tăng giá, lập tức lượng tiêu thụ dầu đã tiết kiệm trên 20% so với năm trước đó” - Thứ trưởng Hào giải thích.
 
Theo tính toán của Bộ Công Thương, toàn bộ số tiền thu được từ tăng giá điện năm 2009 chỉ khoảng 6.400 tỷ đồng, sẽ không tác động lớn tới toàn bộ nền kinh tế. Do đó, gói kích cầu của Chính phủ vẫn có giá trị.
 
Tuy nhiên để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng “thuyền lên, nước lên”, lấy việc tăng giá điện để trục lợi, cả Bộ Tài chính và Công Thương cho biết sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra quản lý thị trường.
 
Với việc tăng giá điện lần này, Chính phủ có chủ trương tăng liều lượng gói kích cầu để giúp DN giảm bớt khó khăn? Theo đại diện Bộ Tài Chính, chúng ta đang tiến hành đồng bộ, tích cực và phát huy hiệu quả tốt các giải pháp kích cầu trên tất cả các lĩnh vực từ thuế, tài chính, tín dụng, vật tư… để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
 
Việc mở rộng hay điều chỉnh cũng cần phải hết sức linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế.
 
Lan Hương