1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Tăng cường biện pháp phòng cháy chữa cháy trong mùa khô

(Dân trí) - Thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM xảy ra những vụ cháy nổ lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện trạng này đã báo động về công tác phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là khi mùa khô 2006 đang đến gần.

Thực hiện phương châm "4 tại chỗ"

 

Năm 2005, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 352 vụ cháy (giảm 40 vụ so với năm 2004), thiệt hại tài sản ước tính khoảng hơn 67,1 tỉ đồng, làm chết 11 người, bị thương 64 người. Tình hình cháy và thiệt hại do cháy gây ra tuy có giảm song hậu quả còn rất lớn.

 

Đáng quan tâm là nguy cơ tiềm ẩn những vụ cháy lớn trong mùa khô sắp tới của năm 2006, trong đó nguyên nhân chính là do bất cẩn trong sử dụng điện.

 

Nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), chủ động hạn chế  số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trong thời gian mùa hanh khô sắp đến, UBND các quận - huyện, thủ trường các sở - ngành thành phố, ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp PCCC.

 

Theo đó, từng địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức và từng khu dân cư phải vận dụng nhuần nhuyễn có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" trong công tác PCCC mùa khô là “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ” theo tinh thần chỉ đạo của UBND TPHCM để xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra. 

 

Phải chuyển hoá 900 khu dân cư có nguy cơ cháy lớn

 

Trước đây, UBND TPHCM đã giao cho Công an TPHCM việc xây dựng chương trình công tác năm 2006. Công an TPHCM phải tham mưu cho UBND thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Luật PCCC với các trọng tâm nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, xây dựng các lực lượng PCCC đủ về số lượng và mạnh về chất lượng.

 

Công an thành phố tập trung kiểm tra các địa bàn khu dân cư, nhất là khu dân cư dễ cháy, các khu chế xuất - khu công nghiệp. Trong đó, UBND các quận - huyện phải khẩn trương tổ chức khảo sát để xây dựng chương trình kế hoạch, với lộ trình, giải pháp PCCC cụ thể. Công tác quan trọng và thiết thực nhất đó là vận động người dân thực hiện tốt công tác PCCC  nhằm sớm chuyển hoá trên 900 khu dân cư có nguy cơ cháy lớn thành những khu dân cư an toàn.

 

Về vấn đề chuyển hoá này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh: “Quyết tâm giải quyết dứt điểm trong năm 2006, đồng thời đề ra biện pháp tích cực ngăn chặn việc tái hình thành những khu dân cư có nguy cơ cháy lớn trên địa bàn thành phố”.

 

Bên cạnh các khu dân cư, thì các toà nhà cao tầng, chợ búa, khu thương mại, bệnh viện, trường học... cũng cần phải thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC, phải làm rõ trách nhiệm và xác định được trách nhiệm của người đứng đầu. 

 

Bằng Phúc