1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Vụ rút ruột các công trình trọng điểm tỉnh Phú Yên:

"Tảng băng chìm" bắt đầu... nổi

Sau khi báo chí lên tiếng báo động về chất lượng nhiều công trình trọng điểm tỉnh Phú Yên, các ngành chức năng địa phương tiếp tục vào cuộc, phát hiện thêm nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu, bước đầu phanh phui đường dây chạy thầu...

Riêng vụ án "rút ruột trên công trường thi công hệ thống chống ngập lụt TP Tuy Hoà", đến thời điểm này đã khởi tố 10 bị can về các hành vi tham ô, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Sai số... 100 lần!

 

Gói thầu xây lắp kè và đê chống ngập (viết tắt GT số 4) thuộc dự án chống ngập lụt TP Tuy Hoà do Sở NN-PTNT Phú Yên làm chủ đầu tư. Đây là hạng mục quan trọng nhất, quyết định toàn bộ chất lượng của hệ thống công trình (chiếm gần 50% tổng giá trị đầu tư).

 

Căn cứ tờ trình ngày 15/3/2002 của Sở KHĐT Phú Yên, Tổng Công ty Cơ khí xây dựng thuộc Bộ Xây dựng (COMA) đã vượt qua 4 "tổng" khác với giá trúng thầu gần 21 tỉ đồng; thời gian thi công trong hai năm; loại hợp đồng trọn gói, thanh toán theo khối lượng nghiệm thu và theo kế hoạch cấp vốn của ngân sách tỉnh.

 

So với dự toán giá trị xây lắp do Công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ của Trường ĐH Thuỷ lợi Hà Nội lập, đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt ngày 17/2/2001, giá trúng thầu thấp hơn gần 407 triệu đồng.

 

Sẽ không có gì để nói nếu như sau hơn 3 năm triển khai, qua 2 lần gia hạn hợp đồng (hạn cuối ngày 30/7/2005 phải hoàn thành, đưa vào sử dụng), đến thời điểm này công trình vẫn còn dang dở. Nghiêm trọng hơn, suốt một thời gian dài nhà thầu đã ngừng thi công, bỏ hẳn công trường mà không thông báo bất cứ lý do gì.

 

Nhưng, điều bất thường này đã được dàn dựng từ trong hồ sơ dự thầu. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại hạng mục 22 (đổ đá hộc dưới chân đê mặt ngoài chống nước chảy xói mòn), Tổng Công ty Cơ khí xây dựng đã cố tình làm sai lệch 100 lần so với dự toán thiết kế (!?).

 

Dự toán thiết kế ghi rõ "đá hộc đổ 211,25 X 100m3", nhưng hồ sơ dự thầu chỉ có "211,25m3". Chênh lệch này kéo theo việc thất thoát gần 1,4 tỉ đồng.

 

Rõ ràng, nếu chi tiết này được phát hiện trong quá trình xét duyệt thì hồ sơ dự thầu của Tổng Công ty Cơ khí xây dựng đã bị loại ngay từ đầu. Dư luận cho rằng, phát hiện trên là một chi tiết thú vị, hé lộ đường dây chạy thầu tại Phú Yên.

 

Ai chạy? Chạy ai?

 

Hồ sơ thẩm định kết quả đấu thầu GT số 4 được văn thư Sở KHĐT Phú Yên tiếp nhận ngày 7/3/2002, trong phiếu luân chuyển công văn có đầy đủ chữ ký của các ông Lương Ngọc Ái - GĐ Sở KHĐT và Lê Trọng Tân - Phó GĐ Sở KHĐT. Kết quả phối hợp thẩm định không hề phát hiện bất cứ thiếu sót nào. Ngày 3/4/2002, UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định phê duyệt.

 

Ông Nguyễn Thiện Kim, Trưởng phòng Tổng hợp - Quy hoạch thuộc Sở KHĐT Phú Yên, tường trình: "Trong quá trình phân tích, đánh giá, so sánh, xếp hạng các hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia đã không phát hiện ra lỗi sai lệch về sử dụng đơn vị tính đối với đá hộc".

 

Rõ ràng sai lệch này đã được lờ đi một cách trót lọt. Bởi một công trình xây đê, kè trị giá hàng chục tỉ đồng không thể chỉ đổ 211,25m3 đá hộc. Thực tế trên công trường cho thấy, nhà thầu đã không hề "vô ý" hạ thấp vật tư xuống 100 lần.

 

Báo cáo của Cơ quan điều tra - CA Phú Yên khẳng định: "Hiện tại, công trình chỉ thi công 211,25m3 đá hộc đúng như hồ sơ đấu thầu, chứ không phải hơn 21.125m3 như hồ sơ thiết kế".

 

Điều đó hoàn toàn trùng khớp với diễn biến của vụ án. Cuối tháng 3/2006, CA Phú Yên đã bắt tạm giam Trần Yên Khánh (SN 1996, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), là cán bộ của Công ty xây dựng 7 thuộc COMA, về hành vi "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi".

 

Trần Yên Khánh đã tham gia đường dây "chạy thầu" dự án xây dựng hệ thống chống ngập lụt TP Tuy Hoà bằng cách trực tiếp liên hệ với 5 đơn vị xây dựng ở các tỉnh phía Bắc để nhận 5 bộ hồ sơ xin dự thầu, rồi vào Phú Yên "nộp" và "chạy" để COMA trúng gói thầu số 4.

 

Cơ quan CA xác định, từ ngày 18/10/2001 đến 22/4/2003, Trần Yên Khánh đã hơn 10 lần viết vào sổ tay của Lê Thanh Sơn (GĐ Xí nghiệp xây lắp điện nước 3 thuộc COMA, cũng đã bị bắt tạm giam) để nhận 2 tỉ đồng "đầu tư" vào Phú Yên.

 

Bước đầu, Khánh khai nhận rằng đã "chạy" ít nhất 5 cán bộ phụ trách khâu xét duyệt và thẩm định hồ sơ đấu thầu, mỗi người hàng trăm triệu đồng.

 

Trung tuần tháng 4, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã "mời" lãnh đạo COMA vào chứng kiến hiện trường. Tuy nhiên, việc khắc phục "sự cố" vẫn còn nằm trên lời hứa.

 

Vốn ngân sách là tiền đóng thuế của dân, dư luận đòi hỏi lãnh đạo tỉnh Phú Yên cần phải giải quyết sòng phẳng và công khai trước dân chúng.

 

Theo Tổ P.V miền Trung

Lao Động