1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tăng 25% biên chế trong 10 năm qua là quá nhiều”

(Dân trí) - “Chúng ta đang mong muốn giảm biên chế hành chính xuống nhằm tăng lương lên mà chúng ta không giảm được, trong khi tiền chi cho giảm biên chế vẫn phải chi”, đại biểu Nguyễn Đình Xuân trao đổi với phóng viên Dân trí.

Trong văn bản trả lời câu hỏi chất vấn của ông, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, trong 10 năm qua, biên chế công chức trong bộ máy hành chính đã tăng thêm 52.000 người - tức hơn 25%, đồng thời tại một số bộ đang có rất nhiều Thứ trưởng, thậm chí có bộ lên tới 10 Thứ trưởng. Những con số này nói lên điều gì, thưa ông?

Việc tăng biên chế ở một số chỗ cũng là cần thiết, bởi khi chúng ta sinh ra cơ quan mới, luật mới chúng ta vẫn phải tăng. Tuy nhiên, con số tăng tới 25% tôi cho là quá nhiều, nhất là trong khi chúng ta đang có chính sách giảm biên chế ở một số cơ quan.

Còn về số lượng Thứ trưởng, Chính phủ thống nhất mỗi bộ chỉ có 3 - 4 Thứ trưởng và vì thế, khi mới sáp nhập các bộ lại có thể nhiều Thứ trưởng, nhưng phải có lộ trình giảm xuống.

Và thực sự mà nói, điều tôi quan tâm hơn là làm sao ông Bộ trưởng lại có thể làm việc với 10 Thứ trưởng cùng một lúc. Việc lãnh đạo bộ thì họ thực hiện theo cơ chế nào hay mỗi ông Thứ trưởng là một mảng độc lập và như vậy, trách nhiệm người đứng đầu ở đâu.

Chúng ta đang có vấn đề trong tổ chức bộ máy ở các cơ quan, chứ không phải tôi muốn nói đến số lượng.

Dường như sau mỗi lần sáp nhập các cơ quan, chúng ta không làm gọn hơn được bộ máy mà chỉ bớt được một trong hai người đứng đầu?

Đúng vậy! Khi sáp nhập các cơ quan chúng ta muốn bộ máy tinh gọn hơn, nhưng thật ra lại không tinh gọn gì cả. Chẳng hạn, 2 bộ sáp nhập lại, mỗi bộ có 1 Bộ trưởng và 5 Thứ trưởng, Bộ mới sẽ có 10 Thứ trưởng, trong khi chỉ 1 ông Bộ trưởng nghỉ hưu chẳng hạn. Các phòng ban, vụ, cục, cộng số học lại với nhau.
 
“Tăng 25% biên chế trong 10 năm qua là quá nhiều” - 1
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: "Số tăng lương sau khi trừ tăng giá còn rất nhỏ nhoi" (Ảnh: Việt Hưng)

Vậy thì bản chất của sáp nhập này có giải quyết được vấn đề chúng ta mong muốn hay không? Tại sao không để cả hai bộ? Đó là những vấn đề chúng ta phải suy nghĩ và đánh giá.

Ai cũng nhìn nhận chúng ta đang có quá nhiều các Thứ trưởng ở một số bộ, nhưng trong thực tế việc giảm bớt lại rất khó, thưa ông?

Ở đây người ta có nói về một cơ chế rất là Việt Nam - cán bộ thường thăng chức, chứ ít khi mất chức, kể cả khi nhà nước không cần nữa. Chúng ta phải xem lại cơ chế đó.

Tôi đang cần một người ở vị trí này, bây giờ sáp nhập bộ, không cần người ở vị trí đó nữa thì xin mời anh đến chỗ khác và có thể nhận một chức vụ thấp hơn. Đây không phải kỷ luật mà rõ ràng là vì không có chỗ. Có thể tôi bảo toàn cho anh cả hệ số lương vì anh không làm gì sai, nhưng chức vụ anh không đảm nhận nữa.

Tôi tự nhủ, nếu một công ty tư nhân, một người có đóng góp đến đâu chăng nữa, nhưng đến lúc họ không cần, họ vẫn buộc phải sa thải hoặc chuyển đổi công tác.

Nếu ai cũng không muốn mình mất chức và chúng ta chấp nhận như vậy sẽ hình thành cơ chế chỉ có lên không có xuống. Chính vì những người chỉ có lên không có xuống nên biên chế không giảm được, chức vụ không giảm được và quan trọng hơn không có chỗ cho những người mới và bộ máy càng ngày càng già đi, không trẻ hóa được đội ngũ.

Trở lại việc tăng biên chế nói chung, con số tăng 25% không thể chỉ từ các cơ quan mới thành lập, thưa ông?

Theo trả lời của Bộ Nội vụ, tăng biên chế do có thêm cơ quan mới, huyện mới, phòng ban mới rồi chuyển một số biên chế... Nói chung tôi có câu trả lời tương đối chi tiết về vấn đề này.

Tất nhiên tăng thì phải có chỗ để tăng, nhưng chúng ta đang mong muốn giảm biên chế hành chính xuống nhằm tăng lương lên mà chúng ta không giảm được, trong khi tiền chi cho giảm biên chế vẫn phải chi. Tôi thấy, chúng ta có nghị định quy định về việc mỗi công chức do không đủ sức khỏe, hạn chế năng lực về trước tuổi được mấy trăm triệu, nhưng bản chất việc đó để làm gì khi ta lại tuyển vào một người khác.

Chúng ta vẫn chi tiền để giảm biên chế, nhưng chúng ta lại không giảm được biên chế, như vậy chúng ta có nên chi nữa không.

Dù ta chưa thực hiện được giảm biên chế phục vụ cho tăng lương, nhưng dù sao những năm qua tăng lương vẫn nhanh hơn tăng giá như trả lời báo chí của Bộ trưởng Nội vụ?

Việc tăng lương cũng có giai đoạn tôi thấy nhiều hơn tăng giá, nhưng số tăng lương sau khi trừ đi tăng giá còn lại rất nhỏ nhoi, ví như mấy năm qua tăng giá khoảng 8 - 9%, tăng lương có thể là 10 - 11%

Nếu chúng ta đòi hỏi tăng lương nhiều hơn, buộc phải chi ngân sách nhiều hơn thì sẽ phải cắt chi cho những việc khác. Chỉ có một cách tốt nhất để tăng lương là quỹ lương không tăng quá nhanh so với tăng chi ngân sách, chiếm tỷ lệ cố định và chúng ta giảm người xuống, để mỗi người được nhiều hơn và xã hội dễ chấp nhận hơn. Lúc đó, rõ ràng tôi được lương cao vì tôi làm việc tốt hơn.

Xin cảm ông ông!

Cấn Cường (thực hiện)