1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tận mục” hiện trường vụ cháy tòa tháp đôi EVN

(Dân trí) - Ngày 16/12, các cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ cháy. Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng có những nhận định về nguyên nhân gây cháy.

“Tận mục” hiện trường vụ cháy tòa tháp đôi EVN - 1
Hiện trường vụ cháy được phong tỏa.
 
Tại buổi khám nghiệm, Thượng tá Trần Quang Cường - Phó phòng hướng dẫn về PCCC (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho biết, đoàn khám nghiệm tiến hành khám nghiệm trực tiếp hiện trường, thu thập chứng cứ, lấy lời khai các nhân chứng để xác định nguyên nhân ban đầu của vụ cháy.
 
“Tận mục” hiện trường vụ cháy tòa tháp đôi EVN - 2
Lực lượng chức năng tiến hành công tác khám nghiệm.

Anh Nguyễn Xuân Viễn - chỉ huy trưởng tổ sơn bả tại công trường tòa tháp, cho hay, đám cháy xuất phát tại hầm 1 của khối tháp 33 tầng, nơi tổ sơn bả và tổ cứu hỏa của công trường đang thi công. Theo anh Viễn, khả năng thợ hàn thi công đã khiến xốp cách âm ở trần, vách tường của tầng hầm phát lửa gây cháy. Điểm phát cháy cách cửa hầm khoảng 15m.

Anh Viễn kể lại, lúc xảy ra cháy, tại hiện trường có rất nhiều công nhân của các tổ làm đá, thang máy, nhôm kính, sơn bả… đang làm việc. Khi đám cháy bùng, lên nhiều công nhân tìm xuống lối hầm 1 (hầm thang bộ) nhưng bị vướng đám cháy. Cửa hầm 2 và 3 cũng bị khóa chặt trước đó nên tất cả tìm mọi cách theo thang bộ chạy lên trên các tầng cao, dùng đèn pin, điện thoại làm tín hiệu kêu cứu.
 
“Tận mục” hiện trường vụ cháy tòa tháp đôi EVN - 3
Ngổn ngang trong tầng hầm.

Sáng nay, 16/12, tại hiện trường vụ cháy, nhiều đồ đạc còn ngổn ngang. Hai bên vách và phía trên trần tầng hầm bộ ám dày đặc, nhiều mảng đá ốp tường nham nhở.

Khu vực được đặc biệt chú ý là tầng hầm của tòa tháp cao 33 tầng, nơi được cho là điểm gây cháy đầu tiên. Tại đây, tất cả đều ám khói đen sì: từ tường cho đến trần hầm, cột trụ bê tông, hệ thống hộp kỹ thuật đứt võng xuống sàn nhà…

Trao đổi với báo chí, Đại tá Nguyễn Đức Nghi - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội - cho biết, Sở CS PCCC Hà Nội đã phải huy động gần 300 chiến sỹ, 18 xe bồn, xe thang cuốn tới hiện trường. Ngoài ra, để hỗ trợ lực lượng cứu hỏa, Bộ Tư lệnh Thủ đô còn điều động thêm gần 100 chiến sỹ Đặc công tới giải cứu các nạn nhân còn mắc kẹt lại; hơn 200 chiến sỹ CSGT, công an quận, phường, CSCĐ, kiểm soát quân sự… tới đảm bảo an ninh khu vực xung quanh.
 
“Tận mục” hiện trường vụ cháy tòa tháp đôi EVN - 4
Những cuộn dây cháy dở.

Về nguyên nhân gây cháy, Đại tá Nghi nghiêng về khả năng ngọn lửa được bắt lên từ các tàn lửa do công nhân hàn xì bắn vào những vật liệu dễ cháy như xốp, ống nhựa, dây điện.

“Tôi nghiêng về khả năng do hàn xì, vì khi tiếp xúc với một số công nhân, họ cho biết, lúc đó khu vực bắt nguồn đám cháy ở khu vực các công nhân vẫn đang hàn xì, xung quanh lại tập kết rất nhiều vật dễ bắt lửa như xốp, ống nhưa, dây điện... Những vật liệu đó khi cháy đã tạo ra khói nghi ngút bao trùm cả tòa nhà. Theo quy định, khi hàn xì, đơn vị thi công phải di chuyển những vật liệu này ra khỏi khu vực đó.” - Đại tá Nghi nói.

Cũng Đại tá Nghi, khi đám cháy xảy ra hệ thống cứu hóa của tòa nhà vẫn chưa hoạt động, hệ thống nước không có, chỉ có một số ít bình xịt được trang bị đã được công nhân đưa ra chữa cháy nhưng không thể khống chế được mồi lửa.
 
“Tận mục” hiện trường vụ cháy tòa tháp đôi EVN - 5
Hệ thống hộp kỹ thuật bị đứt võng, rơi xuống nền.

Ông Nghi cho biết: “Lực lượng làm nhiệm vụ có một số khó khăn nhất định bởi đây là tòa nhà đang thi công, gần như tất cả các hệ thống đảm bảo công tác an toàn trong tòa nhà đều chưa vận hành. Hơn nữa, bể chứa trên tòa nhà cũng chưa có nước. Rất may ở đó có một số họng nước cứu hỏa, lại gần khu vực nhà máy nước, nên có thể bắt vòi được.”

Đánh giá về khó khăn trong quá trình chữa cháy, Đại tá Tô Xuân Thiều - Phó Giám đốc Sở CS PCCC Hà Nội - cho rằng, ngoài khó khăn vì tắc đường do vụ cháy xảy ra vào giờ cao điểm, việc nhà thầu và đơn vị thi công thiếu phương án, thiết bị phòng ngừa hỏa hoạn gây nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy cũng như cứu hộ.
 
“Tận mục” hiện trường vụ cháy tòa tháp đôi EVN - 6
Trần bị thiêu đen sì.

“Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thi công, các cầu thang thoát hiểm không đảm bảo an toàn, không có các cửa nên khi xảy ra cháy ở dưới tầng hầm, khói theo đường thoát hiểm và cầu thang bay lên bao trùm cả tòa nhà đã gây khó khăn lớn cho lực lượng PCCC trong việc tiếp cận hiện trường và cứu nạn nhân từ trên cao xuống. Đặc biệt, các thiết bị chữa cháy cần thiết như bình bọt và nguồn nước chữa cháy… đều không có” - Đại tá Thiều nói thêm.

Tiến Nguyên