1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Tan hoang vườn đào tiền tỉ

(Dân trí) - Vườn đào rộng khoảng 6 ha tại xã Liên Mạc (huyện Từ Liêm) với hàng nghìn gốc đào cổ thụ bỗng nhiên bị lật tung gốc, bị “bức tử” gây thiệt hại hàng tỉ đồng.

Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc vườn đào cổ thụ tại bãi đất ven sông Hồng thuộc thôn Đại Cát, xã Liên Mạc bị một số đối tượng xông vào đào gốc, chặt rễ, đẩy đổ.

Sáng 18/8, có mặt tại hiện trường PV Dân trí vẫn thấy hàng trăm gốc đào bật gốc nằm ngổn ngang trong vườn. Một số cây khác thì bị đào bới chặt cụt rễ, đang héo úa dần dưới cái nắng như đổ lửa cuối hè.

Bên ngoài vườn đào, hàng trăm người dân vẫn tụ tập vây kín cổng ra vào khiến lực lượng cảnh sát và dân phòng địa phương khá vất vả trong việc giữ gìn trật tự.
 
Tan hoang vườn đào tiền tỉ - 1
Những cây đào lâu năm bị lật gốc, chặt rễ (ảnh: H. Ngân).

Trao đổi với Dân trí, một số hộ dân cho biết, khu đất này được UBND xã Liên Mạc liên doanh, liên kết với 1 doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm để trồng đào. Đến nay thời hạn hợp đồng đã hết nhưng doanh nghiệp lại không bàn giao mặt bằng đất để trả lại cho người dân sản xuất. Sau nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết thỏa đáng, một số người quá khích đã vào vườn lật tung các gốc đào cho “hả giận” và để chính quyền phải vào cuộc.

Theo tìm hiểu của Dân trí, năm 2004, UBND xã Liên Mạc ký hợp đồng cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đại Cát (HTX Đại Cát) thuê đất trong vòng 5 năm (2004 - 2009) nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Sau đó, HTX Đại Cát lại ký hợp đồng liên doanh, liên kết với đơn vị khác để sản xuất trên diện tích đất này khiến hợp đồng thuê đất với xã Liên Mạc sau khi hết hạn vẫn chưa thể thanh lý, bàn giao đất cho địa phương.

Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Huy Tưởng khẳng định: “Hợp đồng của UBND xã Liên Mạc cho HTX Đại Cát thuê đất là hoàn toàn hợp pháp. Còn HTX kí hợp đồng liên doanh, liên kết với đơn vị khác thì chúng tôi  không biết” (?!).

“Mặc dù đã hết hạn hợp đồng nhưng quan điểm của UBND xã là trong thời gian doanh nghiệp chưa chuyển đào đi được và vẫn đang sử dụng đất thì phải hỗ trợ cho người dân với mức 600 - 650 nghìn đồng/sào/năm” - ông Tưởng cho biết thêm.

Được biết, một số hộ dân đòi lại đất để cho thuê lại với giá cao từ 2 - 2,5 triệu/sào/năm và chờ được đền bù đất vì nghe nói có dự án, chính vì thế đã xảy ra sự việc bức tử vườn đào như đã nêu.

Theo ông Tưởng việc hơn 300 gốc đào cổ thụ bị “bức tử” khiến doanh nghiệp thiệt hại khoảng hơn 1 tỉ đồng, hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan.
 
Hồng Ngân