1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tàn dư đáng sợ của chiến tranh

(Dân trí) - Cách đây hơn 40 năm, xóm Lớn, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) nằm trong vùng dã chiến, là nơi cứu tế lương thực và tập trung nhiều bệnh viện. Chiến tranh chấm dứt, các bệnh viện cũng dời đi nơi khác, để lại xóm Lớn nhiều tàn dư của những kho hoá chất độc hại, trút nỗi đau lên người dân xóm Lớn bây giờ.

Dân xóm Lớn bảo: Thuốc bảo vệ thực vật nhiều vô kể, vứt ngổn ngang nhưng chẳng ai nghĩ nó lại hại đến con người. Dân cho thuốc lên xe bò chất chúng thành từng cồn, từng đống, dọn chỗ để sinh sống. Qua thời gian, những cồn hóa chất gặp mưa, nước đẫm hoá chất ngấm vào lòng đất, chảy đi khắp xóm. Nay thì hóa chất đã lan tỏa gây ô nhiễm cho hơn 100 ngàn m2 đất. Xóm Lớn tính đến bây giờ đã có hàng chục người chết vì ung thư; rất nhiều mầm sống tật nguyền từ trong bụng mẹ…

 

Làng thời chiến...

 

Chúng tôi tìm về xóm Lớn, đầu xóm, gặp bà cụ gày nhỏ thó, đứng cạnh đứa cháu đen thui, bé tin hin đang thủng thẳng dắt trâu, bà chủ động: “Tui là Nguyễn Thị Lài, năm ni hơn 80 tuổi. Trước tui ở Diễn Châu, sau dời lên đây. Hiện gia đình con trai, con rể tui đều bị bệnh, chẳng làm chi được. Cả cái làng ni ai cũng mắc bệnh khớp cả rồi. Thì làng ô nhiễm chứ răng. Thuốc hóa chất đầy dưới đất nạ”.

 

Khoảng năm 1962 đến năm 1980, xóm Lớn (gồm xóm 1 và xóm 2) có 5 kho lưu chứa thuốc bảo vệ thực vật. Đây cũng là nơi đứng chân của 3 bệnh viện: Bệnh viện lao, Bệnh viện dã chiến (nay là Bệnh viện giao thông) và Bệnh viện Hữu nghị Nghĩa Đàn.

 

Thuốc bảo vệ thực vật bệnh viện được cấp trung bình từ 3 - 4 đợt/năm, mỗi đợt khoảng 300-500 kg. Không ai nhớ tên thuốc, chỉ biết thuốc được chứa trong các thùng và bao bì có trọng lượng 50kg nên thường bị đổ vỡ. Ngoài ra, xóm còn một khu xử lý rác thải và nhà xác của bệnh viện lao (dân trong vùng gọi là hố Đờm) với diện tích gần 4.500 m2. Từ năm 1973, các bệnh viện dần chuyển khỏi xóm, để lại cho vùng đất này bao nhiêu tàn dư “chết chóc”.

 

Bà Lài kể: “Khi các bệnh viện chuyển đi cũng là thời điểm các kho dự trữ sập, thuốc bảo vệ thực vật tồn kho vẫn còn khá lớn. Một số hộ mót đem về giữ trong vườn để sử dụng. Số còn lại được đem chôn vào bờ bụi. Hiện rải rác một số khu vực xung quanh các địa điểm kho và nhà dân có thể phát hiện được thuốc vón cục hoặc trộn lẫn trong đất có màu trắng.

 

Các cơ quan chuyển đi rồi, người dân di cư đến sinh sống rất đông tạo thành xóm Lớn. Dân ở lẫn với những kho thuốc ngày xưa, trời mưa, nước lẫn với hoá chất tràn đầy các con mương, ngõ xóm. Nhưng lúc đó cả làng có biết chi mô. Mà cũng có ai bảo là nó có hại cho sức khỏe nên bọn tui cứ sinh hoạt bình thường”.

 

Xóm Lớn giờ có hơn 200 hộ và gần 1 ngàn dân sinh sống. Trong đó có gần 130 hộ là thuộc 88 vùng trọng điểm của những kho thuốc bảo vệ thực vật.

 

Kết luận giật mình

 

Ở xóm Lớn, khó tìm được khoảnh đất nào không trộn lẫn hoá chất. Mẫu thuốc độc nằm lộ thiên, vương vãi đầy dưới nền đất. Bà Lài chua xót: “Ở cái làng này đâu đâu cũng ô nhiễm, đâu đâu cũng thuốc độc. Trâu bò rụng cả hàm, lở móng chết toi huống chi người. Từ đất, nước, không khí đều chứa hóa chất cả... Không biết bọn tui sẽ sống sao đây”.

 

Người dân trong xóm cho biết đã có hàng chục đoàn cán bộ về đây gặp nhân chứng, lấy mẫu để kiểm tra nhưng họ cứ đến rồi đi, chẳng thấy động tĩnh gì.

 

Báo cáo kết quả thực hiện đề tài mới đây nhất về điều tra mức độ ô nhiễm ở xóm Mới của Chi cục bảo vệ thực vật Nghệ An kết luận: Quanh khu vực các kho thuốc, đất đai đều chứa thuốc DDT (thuốc phun trừ muỗi chống sốt rét). Trong 27 mẫu đất lấy phân tích thì 25 mẫu có hàm lượng DDT vượt quá ngưỡng cho phép, có mẫu vượt ngưỡng gần… 21.000 lần. Mẫu bùn, mẫu nước giếng ăn cũng cho kết quả tương tự. Các nhà khoa học cho biết, chỉ cần một hàm lượng nhỏ DDT cũng ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng người dân.

 

Đề tài kết luận: “Hóa chất trong môi trường đất và môi trường bùn vượt quá ngưỡng cho phép ở mức độ rất cao và có thể phát hiện được trong môi trường nước. Chứng tỏ hóa chất bảo vệ thực vật đã lan tỏa gây ô nhiễm với diện tích hơn 1.000 m2”.

Đặng Nguyên Nghĩa

Kỳ 2: Những câu chuyện buồn ở vùng “đất chết”