1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Tân Bộ trưởng GTVT đối mặt những thách thức gì khi ngồi ghế “nóng”?

(Dân trí) - Nhiều dự án trọng điểm quốc gia “vỡ” tiến độ, nhiều người dân “phẫn nộ” vì BOT, tìm nguồn vốn cho cao tốc Bắc - Nam, hiện thực hóa Cảng Hàng không quốc tế Long Thành… Đó là những bức xúc, thách thức lớn đang chờ ông Nguyễn Văn Thể trên ghế “nóng” Bộ trưởng GTVT nếu ông được Quốc hội phê chuẩn trong ngày hôm nay, 26/10.


Ông Nguyễn Văn Thể - Ứng viên Bộ trưởng Giao thông vận tải (ảnh: Báo Giao thông)

Ông Nguyễn Văn Thể - Ứng viên Bộ trưởng Giao thông vận tải (ảnh: Báo Giao thông)

Ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư tỉnh Sóc Trăng nhiều khả năng sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Thể được đào tạo chuyên sâu về ngành GTVT, từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ GTVT từ năm 2013 - 2015 và nhiều người kỳ vọng ông Thể sẽ làm cho ghế Bộ trưởng GTVT luôn “nóng”.

“Ầm ĩ” các dự án BOT

Trong thời gian qua, Bộ GTVT luôn phải đối mặt với nhiều áp lực do người dân tập trung chặn xe, dùng tiền lẻ trả phí đường bộ, gây ùn tắc giao thông để phản đối các trạm thu phí ở các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Việc triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện có theo hình thức BOT phải đặt trạm thu phí dẫn đến người dân không còn sự lựa chọn là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh các bức xúc.

Trong câu chuyện BOT, phí và trạm thu phí là điều khiến người sử dụng đường bộ quan tâm lớn nhất. Nhiều trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách trên cùng tuyến đường hoặc vị trí đặt trạm chưa hợp lí. Bằng chứng là quy định 70km từ trạm tới trạm, nhưng trong tổng số 70/88 trạm đang thu phí trên các tuyến quốc lộ thì có 10 trạm khoảng cách 60 - 70 km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.


Trạm BOT Cai Lậy tỉnh Tiền Giang từng trở thành cơn sốt khi người dân phản ứng mức phí và vị trí đặt trạm thu phí

Trạm BOT Cai Lậy tỉnh Tiền Giang từng trở thành "cơn sốt" khi người dân phản ứng mức phí và vị trí đặt trạm thu phí

Mặc dù Bộ GTVT đã có những giải pháp tích cực để “gỡ” rối vấn đề BOT như miễn giảm phí cho các phương tiện, tuy nhiên sự “phẫn nộ” của nhiều người dân chưa phải đã kết thúc, và có thể sẽ còn những BOT Cai Lậy, BOT Bến Thủy, BOT Quán Hàu… đang chờ tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

“Vỡ” tiến độ các dự án trọng điểm

Mới đây, Bộ GTVT đã phải lên tiếng thừa nhận Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) không đạt được mốc tiến độ quan trọng trong tháng 10/2017, điều này đồng nghĩa với việc dự án chính thức bị “phá sản” mục tiêu chạy thử nghiệm liên động toàn hệ thống.

Theo dự kiến ban đầu, tuyến đường sắt trên cao đầu tiên ở Việt Nam sẽ được đưa vào khai thác thương mại từ ngày 31/12/2017, tuy nhiên đến thời điểm này dự án vẫn tiếp tục “điệp khúc” thiếu vốn, vì thế “bài ca” lỡ hẹn lại khiến người dân Thủ đô ngao ngán.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục lỡ hẹn
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục "lỡ hẹn"

Cần phải nói thêm rằng, ngoài dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tại Hà Nội có 3 dự án đường sắt khác cũng đang “lụt” trường kỳ. Trong đó, Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được khởi công đầu tiên ở Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa thể công bố thời hạn hoàn thành cuối cùng.

Dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt từ năm 2008, theo kế hoạch sẽ khai thác năm 2017, nhưng đến nay dự án vẫn chưa khởi công. Dự án đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên dự kiến hoàn thành năm 2017, tuy nhiên do vụ hối lộ 80 triệu Yên của nhà thầu Nhật đối với quan chức ngành đường sắt năm 2014 đã khiến toàn bộ dự án bị tạm dừng, hiện nay đang được khởi động lại.

Tại TPHCM, cả 2 dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương hiện vẫn đang trong quá trình lắp đặt thiết bị và chậm nhiều năm so với kế hoạch tiến độ ban đầu.

Tiền đâu đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam?

Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương giai đoạn 2017 - 2020, tập trung ưu tiên đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đối diện với nhiều thách thức lớn về nguồn vốn huy động để đầu tư
Dự án cao tốc Bắc - Nam đối diện với nhiều thách thức lớn về nguồn vốn huy động để đầu tư

Trong kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ trình “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020”. Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến dự án sẽ khởi công vào năm 2019 và hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn tài chính hiện nay, việc huy động được nguồn vốn tư nhân khổng lồ tham gia làm dự án này là thách thức vô cùng lớn đối với tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.

Hiện thực hóa Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Diện tích đất của Dự án là 5.000 ha. Quy mô của Dự án, đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Thiết kế hoa sen được lựa chọn làm kiến trúc nhà ga hành khách của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Thiết kế hoa sen được lựa chọn làm kiến trúc nhà ga hành khách của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

Đây là sân bay quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Hiện tiến độ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã bị chậm khoảng 8 tháng. Dự kiến, từ nay đến tháng 3/2018, chủ đầu tư sẽ lựa chọn nhà thầu thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Mục tiêu của Bộ GTVT là khởi công xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vào năm 2019 và đến đầu năm 2023 sẽ đưa vào khai thác. Để hiện thực hóa mục tiêu này có vai trò rất lớn của người đứng đầu ngành GTVT.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm