1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tâm sự "nhà quê" bên dòng Nhiêu Lộc

Nhìn những đoạn “cong mình” của con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè in dáng nhà, dáng người Sài Gòn trên mặt nước mà không tin đó là hình ảnh thật.

Cuối năm, tôi hẹn 2 bạn đồng hương Kiên Giang cà phê sáng bên dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Rảnh rỗi, đi sớm, chạy một vòng, tôi nhìn những đoạn “cong mình” của con kênh in dáng nhà, dáng người Sài Gòn trên mặt nước mà không tin đó là hình ảnh thật.

Ghé điểm hẹn - cặp hông siêu thị Co.op mart (thuộc địa bàn quận 3, TP HCM - đoạn Nhiêu Lộc) - cũng rảnh nên ngó qua đường, tôi bất giác thấy những giọt sương long lanh còn đọng trên thảm cỏ xanh, mới hay Xuân về lúc nào!

Hai con đường Trường Sa, Hoàng Sa có thể nói là đẹp nhất Sài Gòn nhờ chạy quanh con kênh uốn lượn. Đẹp hơn nữa, trong buổi sáng Xuân này được chứng kiến cảnh dập dìu thể dục của người lớn, tung tăng vui nhảy của trẻ con. Rồi, tiếng còi tàu hú vang đưa người xa nhà về quê ăn Tết, đưa những đứa con Sài Gòn bận bịu tứ xứ về lại nhà đã làm không gian bên dòng Nhiêu Lộc ngập tràn sắc Xuân. Ừ, mình may nên mới được thấy cảnh này.

Nhìn những đoạn “cong mình” của con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè in dáng nhà, dáng người Sài Gòn trên mặt nước mà không tin đó là hình ảnh thật.
Nhìn những đoạn “cong mình” của con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè in dáng nhà, dáng người Sài Gòn trên mặt nước mà không tin đó là hình ảnh thật.

Đang "tự sướng", bạn đến hỏi cắt cớ: "Ông vốn là dân sông nước, đố mấy ông dòng Nhiêu Lộc – Thị Nghè này đang thiếu cái gì để trở thành con kênh đúng với cái nghĩa đen vốn có của nó?".

Đúng là chỉ có những người từng gắn bó tuổi thơ với những con kênh mới thấy được cái thiếu của con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Không phải nghĩ ngợi, cả 3 cùng nhìn mông lung và bảo: Sóng!

Chuyện này không riêng 3 người con Kiên Giang chúng tôi lên Sài Gòn lập nghiệp mới thấy. Hồi Tết năm rồi, không bạn, tôi ngồi với chú Trương Văn Sung - một người dân sống gần trọn đời người bên dòng Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nay đã gần 80 tuổi. Chú đã chia sẻ như vầy: “Kênh là phải có sóng, có thuyền. Chớ kênh chỉ thấy cá mà không thấy thuyền, không thấy sóng là chưa ổn”.

Có lẽ đồng suy nghĩ với chúng tôi và chú Sung nên trong năm 2015, chính quyền TP HCM đã cho phép một doanh nghiệp khai thác thuyền du lịch trên kênh. Tới nay, đã gần nửa năm nhưng xem ra mong mỏi tạo sóng, tạo thuyền nhằm tái hiện cảnh trên bến dưới thuyền của chính quyền khó thành hiện thực. Bởi sự nghèo nàn của tua tuyến, bởi sự gượng ép của người, bởi sự thiếu “đồng thuận” từ chủ thể - tức con kênh.

“Con kênh xưa thuyền ghe chạy ào ào. Giờ chỉ lèo tèo vài chiếc thuyền chèo tay lấy đâu ra sóng, ra hồn? Cứ cái đà này thì muôn đời con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dù có hoàn thành thêm giai đoạn 2, giai đoạn 3 (hai giai đoạn này đang trong quá trình triển khai thực hiện – NV) đi nữa cũng chỉ là con kênh có sắc mà không thần” - chú Sung tiếc rẻ.

Cũng theo chú Sung, Tết xưa, chỉ cần nhìn dòng kênh tấp nập ghe thuyền đưa hàng theo con nước là đã thấy Xuân tràn ngập kênh, ngập nhà. Giờ, Xuân cũng đang về nhưng vẫn thấy thiếu cái ký ức của một dòng kênh, của một dòng đời.

Nhận xét của chú Sung thực tế cũng là trăn trở của không ít nhà đầu tư muốn khai thác du lịch trên con kênh được xem là đẹp nhất nội đô Sài Gòn này. Không ít nhà đầu tư muốn hốt bạc từ khai thác du lịch dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè lúc đầu hăm hở bao nhiêu thì nhìn vào các cây cầu dày đặc bắc qua sau khi giai đoạn 1 cải tạo con kênh này hoàn thành đều ngao ngán.

Đầu tiên là dự án buýt đường sông bỏ chạy. Kế đến là các tua, tuyến du lịch dự kiến đưa khách tham quan bằng thuyền cao tốc trên suốt tuyến kênh cũng đành chào thua. Kênh Nhiêu Lộc rộng chừng 60 m cũng rất thích hợp cho thuyền cao tốc đưa khách tham quan nhưng do một số cây cầu bắc qua thấp, chỉ đáp ứng cho tàu, thuyền cao không quá 1 m khi thủy triều lên, nên cũng đành chào thua.

Không ít nhà đầu tư đặt vấn đề: Sao không dẹp bớt những cây cầu có độ tĩnh không (tức chiều cao từ mặt nước lúc thủy triều lên cao nhất đến dạ cầu – NV) quá thấp? Sao không đào lại những đoạn đã làm cống hộp của con kênh Nhiêu Lộc để nó nối thẳng với kênh Tân Hóa - Lò Gốm như ngày xưa đã từng? “Làm được như vậy thì Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ trở thành con gà đẻ trứng vàng của TP HCM. Và Nhiêu Lộc – Thị Nghè mới trở lại đúng tên và vai trò của một con kênh chạy xuyên nội đô Sài thành” - nhiều nhà đầu tư du lịch đường thủy ao ước.

“Nếu ai nói đập bỏ bớt cầu là dại, bỏ cống hộp đào lại kênh hở cho dòng Nhiêu Lộc là tốn kém... là thiển cận. Nghĩ như vậy liệu có thiển cận? Bằng chứng là sau khi lấp đi cả chục năm, nay con kênh Hàng Bàng đã được đào ngược trở lại. Trái ngược với suy luận trước đó, việc đào lại con kênh Hàng Bàng được không ít người ủng hộ” - ông Thái Hoãn - một người chuyên viết du lịch khám phá thế giới, đã chu du hàng chục nước - từng nhận xét.

Liên quan đến chuyện này, TS Hồ Long Phi (một chuyên gia trong lĩnh vực chống ngập) cũng từng nhấn mạnh kênh hở là tối ưu trong chống ngập, giao thương.

Ngồi im nghe "giảng" đâm ngứa miệng, anh bạn đồng hương Kiên Giang nhưng ở tận miệt Vĩnh Thuận đã thẳng thắn nhận xét: “Vẻ đẹp rồng bay, phượng múa của kênh Nhiêu Lộc đã bị các cây cầu và cống hộp phá hỏng một phần. Người sành, người hiểu “tâm sự” của một con kênh sẽ nhìn thấy sự khiếm khuyết hiển hiện trước mắt này”.

***

Khi xem bài này, hẳn nhiều bạn đọc sẽ cho rằng đây là suy nghĩ "không giống ai" của người viết và bạn mình nên mới đưa ra giải thích của chuyên gia này, người dân nọ nhằm lấp liếm. Xin thưa, cũng có thể ban đầu, cái mà người viết thấy thiếu (tức thuyền và sóng, sự kết nối - cái vốn có của một con kênh) là từ nỗi vọng quê xưa mà ra. Kiểu mấy ông chủ nhà hàng ở Sài Gòn cố tình đốt vài nắm rơm tượng trưng khi thui bê, để chiêu dụ khách vốn xuất thân từ đồng ruộng, nhớ mùi đốt đồng mà tìm đến. Thế nhưng, qua hỏi thăm, tìm hiểu, tham khảo các ý kiến (như đã nêu trên và còn nhiều nữa không thể đề cập hết) thì đó là cái thiếu có thật.

Theo Đỗ Thông
Người lao động