Tài xế "quên" đổi bằng lái xe có thể bị phạt tới 12 triệu đồng

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Mức phạt tăng nặng này được Bộ GTVT đề xuất trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vừa trình Chính phủ.

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Quốc hội đã thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nhiều nội dung mới. Để đồng bộ với luật này, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Phạt nặng gấp đôi vi phạm về bằng lái xe

Tại dự thảo, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung, tăng nặng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm, trong đó có nội dung quy định về giấy phép lái xe (GTVT) hết hạn nhưng không kịp thời đổi.

Bộ GTVT cho biết, việc tăng mức xử phạt trên nhằm ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình GPLX để chấp nhận nộp phạt thay vì bị tước GPLX. Theo quy định của pháp luật, GPLX quá hạn không có giá trị và không được phép sử dụng, người có GPLX để quá hạn là do lâu ngày không điều khiển phương tiện, không đảm bảo sức khỏe, các điều kiện an toàn, nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) cao.

Tài xế quên đổi bằng lái xe có thể bị phạt tới 12 triệu đồng - 1

Giấy phép lái xe hết hạn không có giá trị sử dụng (Ảnh minh họa).

Hiện nay, mức xử phạt hành vi người có giấy phép lái xe (GPLX) ô tô để quá hạn 6 tháng theo quy định hiện nay đang áp dụng mức phạt từ 4-6 triệu đồng. Tuy nhiên, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 100 lần này, hành vi này được Bộ GTVT chia nhỏ thành 2 mức: GPLX quá hạn dưới 3 tháng và quá hạn trên 3 tháng với các mức xử phạt khác nhau.

Cụ thể, dự thảo nêu rõ: Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm có GPLX nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng dưới 3 tháng.

Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm có GPLX nhưng đã hết hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên; không có GPLX hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định cũng đề xuất tăng mức xử phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô không có GPLX hoặc sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa; tăng mức phạt từ 3-4 triệu đồng lên 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh trên 175 cm3, không có GPLX hoặc sử dụng giấy phép hết hạn.

Đua xe trái phép phạt 25 triệu đồng

Tại dự thảo, Bộ GTVT cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với người đua xe lên 10-15 triệu đồng, quy định hiện hành là 7-8 triệu đồng. Nếu trường hợp đua ô tô, mức xử phạt cũng tăng lên 20-25 triệu đồng, tăng cao so quy định hiện hành là từ 8-10 triệu đồng.

Việc tăng mức xử phạt xuất phát từ việc thời gian qua tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra tình trạng sử dụng ô tô, xe máy để đua xe trái phép gây mất trật tự ATGT, an ninh trật tự. Vì vậy, cần phải tăng mức xử phạt để răn đe, phòng ngừa.

Bộ GTVT còn đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi điều khiển ô tô che biển số xe từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng lên 4-6 triệu đồng. Theo Bộ GTVT, gần đây có nhiều trường hợp cố tình che biển số xe để gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính thông qua camera.

Một nội dung khác cũng được đề tới liên quan tới làn thu phí tự động không dừng. Nghị định 100 hiện nay quy định xử phạt 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô không đủ điều kiện đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với quy định này, lực lượng chức năng khó xử phạt vì chưa quy định rõ các điều kiện cụ thể. Chính vì vậy, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 100 lần này, dù mức phạt vẫn giữ nguyên so với mức phạt hiện nay, nhưng Bộ GTVT quy định rõ các trường hợp không đủ điều kiện để thu phí tự động không dừng.

Cụ thể, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng nhưng lại đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí.

Bộ GTVT cho biết, việc sửa đổi, bổ sung các vi phạm liên quan đến thu phí theo hình thức tự động không dừng để mô tả lại các hành vi vi phạm cho rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch trong quá trình áp dụng xử phạt vi phạm hành chính.