1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tại sao CSGT "thích" thu giữ phương tiện vi phạm?

Đề xuất tăng phí trông giữ xe vi phạm Luật Giao thông đã được áp dụng 3 năm nay. Vậy số tiền trông giữ phương tiện vi phạm lên đến cả chục tỷ đồng mỗi năm “chui” vào túi ai?

Từ việc thu gần 8 triệu đồng không hóa đơn GTGT...

 

Một lái xe taxi đã không dưới 5 lần than vãn việc anh ta thường bị CSGT hỏi thăm. Tất nhiên là xe anh ta có vi phạm, “mỗi lần như vậy, tôi sợ nhất là bị giữ xe”. Đơn giản là vì chi phí quá cao. Nếu lỗi nhỏ giữ 15 ngày thì riêng tiền lưu bãi cũng lên đến 900 ngàn đồng.

 

Công ty (chủ xe) yêu cầu nộp 200-300 ngàn đồng/ ngày, đó là chưa kể tiền phạt vì mắc lỗi giao thông. Nhẩm tính cũng thấy lái xe đã mất khoảng 5 triệu đồng. Bởi vậy, nhiều lái xe đã chọn phương án chi tiền cho CSGT chứ không để xe bị “nhốt”!

 

Nhưng không phải khi nào các lái xe cũng tránh được “nạn” này. Trường hợp của anh L. lái xe cho Cty D (một Cty kinh doanh vận tải đóng trên địa bàn Hà Nội) là một ví dụ. Chiếc xe  mang biển số 29T-8... (loại xe trên 7 chỗ ngồi) đã bị nhốt gần 100 ngày tại điểm trông xe của Cty TNHH Ngọc Linh (ngoài đê sông Hồng).

 

Ngày 16/11/2006, khi anh L. đến nhận xe đã phải tái mặt khi cô nhân viên thu phí của Cty này viết phiếu thu với số tiền lên đến gần 7,9 triệu đồng. Số tiền thu lớn như vậy nhưng lại được viết trên một tờ phiếu thu mà mấy bà đồng nát có thể mua được cả mớ. Nhân viên nọ giải thích: “Cty thu theo giá Nhà nước quy định là 84.000 đồng/ngày đêm”.

 

Nhưng khi hỏi hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), cô nhân viên chối phắt: Làm gì có. Gặng hỏi thêm, cô ta thừa nhận: “Cty chỉ thu hộ các chú CSGT thôi. Có gì hỏi giám đốc Cty hoặc hỏi các chú CSGT ấy” (!?).

 

Bà chủ Cty Ngọc Linh miễn cưỡng gặp anh L. Tất nhiên, bà phân bua rằng Cty bà làm theo luật, theo quy định của thành phố, và rằng việc anh L. đòi hóa đơn GTGT là vô lý, không hiểu gì. Anh L so sánh: Xe của doanh nghiệp bị giữ ở điểm đỗ khác khi trả tiền lưu bãi đều có hóa đơn GTGT thì bà giám đốc kiên quyết: Từ ngày chúng tôi trông xe vi phạm chưa bao giờ phải xuất hóa đơn GTGT.

 

Anh L. tiếp tục nài nỉ thì bà chủ nổi nóng bật máy di dộng điện thoại cho “chú em” là đội trưởng một đội CSGT xin ý kiến. Trong cuộc điện thoại, người đội trưởng CSGT đã chấp nhận “ngoại lệ” viết hóa đơn GTGT. Anh L. được hẹn ngày khác đến lấy hóa đơn.

 

Lạ thay, một doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng sao lại không hề viết hóa đơn GTGT cho khách hàng khi khách yêu cầu?! Hơn thế, vì sao bà Giám đốc Cty TNHH Ngọc Linh lại phải xin ý kiến CSGT khi quyết định một vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

 

Khi hỏi có phải đội CSGT nọ “thuê” điểm đỗ xe này như lời nhân viên Cty Ngọc Linh đã khẳng định thì bà GĐ Cty Ngọc Linh lại loanh quanh. Số tiền rất lớn được thu một cách tùy tiện từ việc trông giữ xe vi phạm đã “chui” vào túi ai?

 

Ông Giám đốc Cty D. khẳng định, chỉ tính từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã có 24 xe bị tạm giữ. Số tiền lưu bãi lên đến gần 30 triệu đồng. Tất cả các xe vi phạm đều được CSGT đưa về trông giữ tại các bãi đỗ tư nhân, hợp tác xã (không thuộc Cty Khai thác điểm đỗ xe). Hầu hết việc nộp tiền lưu bãi đều không có hóa đơn GTGT.

 

Ông Nguyễn Đinh H., Giám đốc doanh nghiệp vận tải T, bức xúc không kém. Từ tháng 2 đến tháng 9/2006, doanh nghiệp của ông H. đã phải nộp tiền lưu bãi số tiền gần 7 triệu đồng cho các điểm đỗ xe tư nhân.

 

Đến chiếc xe không vi phạm mà có 6 quyết định tạm giữ!

 

 

Tại sao CSGT "thích" thu giữ phương tiện vi phạm? - 1
 

Danh sách những xe bị thu giữ của Xí nghiệp

D và phiếu thu của Công ty Ngọc Linh

 

 

Đây là trường hợp của chiếc xe mang BKS 29U-0... của xí nghiệp X. (thuộc Tổng Cty Vận tải Hà Nội). Ngày 9/9/2006, do nghi ngờ chiếc xe này liên quan đến một vụ tai nạn giao thông (TNGT) nên  đội CSGT số 8 - CATP Hà Nội đã tạm giữ xe. Chiếc xe chính thức bị ra quyết định tạm giữ vào ngày 12/9/2006 với thời hạn tạm giữ là 15 ngày để phục vụ công tác điều tra.

 

Trong thời gian 15 ngày, CA quận Hoàng Mai, Phòng CSGT - CATP Hà Nội vẫn chưa thể tìm được sự liên quan của chiếc xe đến vụ TNGT. Cho dù lái xe đã giải thích nhiều lần và khẳng định rằng chiếc xe này không liên quan đến vụ TNGT, nhưng đến ngày 28/9/2006, Đội trưởng đội CSGT số 8 Vũ Xuân Bích tiếp tục ra quyết định tạm giữ chiếc xe với thời hạn 7 ngày.

 

Hết thời gian tạm giữ, ngày 5/10/2006 lái xe đến nhận xe đã lại thêm một lần ngạc nhiên khi ông Đội trưởng đội CSGT 8 ban hành quyết định tạm giữ phương tiện lần thứ 3, giữ xe thêm 7 ngày.

 

Sau quyết định tạm giữ lần thứ 3, lái xe đinh ninh sẽ được trả xe. Nhưng, đội CSGT số 8 ra thêm quyết định tạm giữ lần thứ 4: chiếc xe bị giữ thêm 7 ngày (từ ngày 12 đến ngày 19/10/2006). Sau đó, chủ nhân chiếc xe “xấu số” này đã phải lãnh thêm 2 quyết định tạm giữ tiếp theo (trong đó có một quyết định tạm giữ 7 ngày và quyết định cuối cùng tạm giữ thêm 14 ngày).

 

Ngày 10/11/2006, xí nghiệp X. nhận được thông báo đến CA quận Hoàng Mai nhận xe. Tại buổi nhận lại phương tiện, chủ nhân của chiếc xe đã phải rớt nước mắt khi nhận được lời giải thích cụt lủn: Chiếc xe không liên quan đến vụ TNGT xảy ra vào ngày 9/9/2006. Song, đại diện xí nghiệp X. còn đau xót hơn khi bị yêu cầu trả tiền lưu giữ xe.

 

Tròn 60 ngày, theo giá quy định, doanh nghiệp phải trả gần 5 triệu đồng cho cơ quan CA. Đến nước này thì không thể chấp nhận được. Cuối cùng phía cơ quan CA “hoãn binh” và ghi vào phía sau tờ biên bản giao xe: “Đề nghị khi trả xe, chi phí lưu kho CA quận Hoàng Mai + đội CSGT số 8 - PC26 - CATP thống nhất thu sau”.

 

Thiệt hại do việc CSGT “nhốt” xe nhầm của doanh nghiệp lên đến hàng chục triệu đồng vậy mà doanh nghiệp không hề nhận được sự xin lỗi, trái lại còn phải nộp tiền cho công an.

 

Phải chăng CSGT thích giữ xe bao lâu và thu tiền trông xe thế nào cũng được? Số tiền này rút cục làm lợi cho ai? Những câu hỏi này rất cần được lãnh đạo Công an TP Hà Nội trả lời.

 

Theo Tiền Phong