1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tài nguyên Việt Nam khó đáp ứng nhu cầu năng lượng

(Dân trí) - Theo TS. Lê Văn Hồng, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nguy cơ thiếu điện ít nhất là từ nay cho đến năm 2015 đang rất trầm trọng. Khả năng Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng trở thành nước nhập khẩu năng lượng trong tương lai gần là hoàn toàn có thể.

Nguy cơ thiếu điện ngày càng rõ

 

Bản quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2006-2015 cho thấy, nhu cầu phát triển phụ tải giai đoạn 2006-2010 sẽ rơi vào khoảng 17,1%/năm và mức tăng nhu cầu điện sản xuất là 16,9%/năm. Trong các năm 2010-2015, tốc độ tăng trưởng phụ tải vào khoảng 11%/năm và còn 9%/năm trong giai đoạn đến 2020.

 

Theo số liệu từ Viện Năng lượng (Bộ Công nghiệp), nếu không có đột biến lớn về khả năng khai thác từ sau năm 2010 thì nguồn tài nguyên trong nước sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu năng lượng. Dự tính năm 2015 lượng thiếu hụt nhiên liệu cho sản xuất điện khoảng 9 tỉ kWh (ở phương án cao), tương tự năm 2020 thiếu hụt nhiên liệu cho sản xuất điện khoảng 35-64 tỉ kWh ở phương án cơ sở và phương án cao. Và vào năm 2030 thiếu hụt nhiên liệu cho sản xuất điện lên tới 59-192 tỉ kWh.

 

Các nhà hoạch định chính sách còn cho biết, vào các năm sau đó, khả năng thiếu hụt điện năng còn nhiều hơn; các giải pháp nhập khẩu điện, than, khí để sản xuất có thể không đáp ứng được lượng thiếu hụt.

 

Do vậy, một trong những giải pháp Việt Nam cần chú trọng là chuẩn bị tích cực cho phát triển điện hạt nhân.

 

Sẽ xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận

 

Theo các nhà hoạch định chính sách, điện hạt nhân (ĐHN) đem lại nhiều lợi ích như: Đáp ứng cân đối nhu cầu điện năng cho đất nước khi khả năng khai thác tài nguyên đã hạn chế; Tăng cường tính an ninh cung cấp năng lượng, giảm phụ thuộc vào các cuộc khủng hoảng dầu mỏ vốn đã hoành hành; Giảm phát thải khí ô nhiễm môi trường từ các nhiên liệu hóa thạch; Tăng cường tiềm lực khoa học kỹ thuật và công nghệ; Phát triển cơ sở hạ tầng không chỉ trong ngành năng lượng hạt nhân, ngành điện mà còn thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp và kinh tế khác.

 

PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng cho biết, việc phát triển nguồn điện hạt nhân là giải pháp tối ưu để cung cấp năng lượng một cách an toàn, tin cậy và với chi phí hợp lý là một yêu cầu chính trị, kinh tế và xã hội thiết yếu…

 

Dự tính, Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam sẽ được xây dựng tại Ninh Thuận, ở địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải. Trong đó, Việt Nam lựa chọn chu trình công nghệ sử dụng một lần, nghĩa là nhiên liệu sau khi đã sử dụng trong lò sẽ được cất giữ, không tiến hành tái xử lý để chế tách urani và plutoni.

 

Ngoài ra, để an toàn cho môi trường, các nhà khoa học cũng đang tính toán đến một khu vực chôn cất thải quốc gia; trước mắt là cho các loại chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình, ngoài ra chuẩn bị trước địa điểm cho khu vực cất giữ chất thải hoạt độ cao và nhiên liệu hạt nhân đã cháy, mặc dù nhu cầu này sẽ chỉ xuất hiện sau năm 2050.

 

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm