1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển ĐBSCL

(Dân trí) - Đề cập về việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, cần thay đổi ứng xử với nguồn tài nguyên này, phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm.

Sáng nay (27/9), tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã có báo cáo tổng thể chuyên đề về tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL.

Theo Bộ trưởng, tính độc đáo của ĐBSCL là vùng đất nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm khó khăn, nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức. Qua đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất những giải pháp căn cơ, đột phá cho vùng đất này.

“Cần thay đổi nhận thức về ĐBSCL. Sự phát triển của ĐBSCL phải được nhìn ở một thể thống nhất có mối liên kết với các vùng kinh tế như TPHCM” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Cũng theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, trong bối cảnh ĐBSCL đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình trạng sụt lún đang diễn ra thì cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức vùng ĐBSCL như một thể thống nhất.


Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Hội nghị sáng 27/9.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Hội nghị sáng 27/9.

“Tài nguyên nước đã làm nên đồng bằng và đồng bằng cũng cần thay đổi ứng xử với nguồn tài nguyên này. Phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng.

Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực và theo lưu vực. Coi nước lợ và nước mặn là nguồn tài nguyên, bên cạnh nguồn tài nguyên nước ngọt.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, cần cơ chế đột phá, thu hút khối kinh tế tư nhân để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển khu công nghiệp.

“Quá trình chuyển đổi mô hình phát triển phải được xem xét trong tổng thể chung của ĐBSCL, trong mối liên kết chặt chẽ với vùng TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong Tiểu vùng sông Mê Công. Chuyển đổi mô hình phải dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên; phải kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa” - ông Hà cho hay.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường lưu ý thêm, quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Chuyển đổi mô hình phải đảm bảo tính ổn định, sinh kế của người dân, người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt.

Cũng tại Hội nghị, ông Phạm Tuấn Phan - Giám đốc điều hành Ủy hội sông Mê Kông - nhấn mạnh, các giải pháp sử dụng hiệu quả lâu dài tài nguyên nước; kiên trì trong thực hiện Hiệp định sông Mê Kông; phân phối, chia sẻ nguồn nước...; cần có tầm nhìn chung phát triển khu vực; điều chỉnh phát triển ĐBSCL phù hợp với sự phát triển của lưu vực; sử dụng hiệu quả các sáng kiến của Ủy hội về phát triển bền vững sông Mê Kông;...

Trong khi đó, ông Vũ Quang Minh - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - nhấn mạnh về tầm quan trọng của hợp tác giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông trong giải quyết các thách thức, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Qua đó, Bộ Ngoại giao kiến nghị thực hiện tốt các cam kết quốc tế đã ký kết; phối hợp với các nước trong vùng thực hiện tốt Hiệp định sông Mê Kông; gắn hợp tác trong khu vực với hợp tác liên khu vực, toàn cầu; gắn kết các ưu tiên phát triển của vùng với khu vực; tăng cường quan tâm, cung cấp nguồn lực cho phát triển; có cơ chế huy động đầu tư, kinh doanh vào vùng...

Châu Như Quỳnh