Tài nguyên nước của Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức
(Dân trí) - Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế, xã hội, công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tài nguyên nước của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó có thể giải quyết được trong một sớm một chiều mà trái lại, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, nguồn lực cùng với sự nỗ lực tham gia của toàn xã hội.
Theo thông tin từ Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam có 3450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ và nguồn nước dưới đất.
Để đáp ứng các yêu cầu trữ lượng, điều tiết dòng chảy phục vụ cấp nước trong mùa khô và phòng, chống và giảm lũ, lụt trong mùa mưa, Việt Nam đã, đang và tiếp tục phát triển hệ thống các hồ chứa nước.
Theo kết quả thống kê, rà soát sơ bộ, cả nước có trên 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng với tổng dung tích trên 65 tỷ m3. Trong đó, khoảng 2.100 hồ đang vận hành, tổng dung tích hơn 34 tỷ m3 khoảng 240 hồ đang xây dựng, tổng dung tích hơn 28 tỷ m3, trên 510 hồ đã có quy hoạch, tổng dung tích gần 4 tỷ m3.
Trong số các hồ nêu trên, có khoảng 800 hồ thủy điện, tổng dung tích trên 56 tỷ m3, gồm 59 hồ đang vận hành, 231 hồ đang xây dựng và hơn 500 hồ đã có quy hoạch xây dựng và hơn 2.100 hồ chứa thủy lợi, tổng dung tích hơn 9 tỷ m3, phần lớn là hồ chứa nhỏ, đã xây dựng xong, đang vận hành. Các lưu vực sông có số lượng hồ chứa và tổng dung tích các hồ chứa lớn gồm: sông Hồng, gẩn 30 tỷ m3; sông Đồng Nai, trên 10 tỷ m3, sông Sê San, gần 3,5 tỷ m3; sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vũ Gia – Thu Bồn và sông Srêpok có tổng dung tích hồ chứa từ gần 2 tỷ m3 đến 3 tỷ m3. Có 19 tỉnh có tổng dung tích hồ chứa từ trên 1 tỷ m3 trở lên.
Về nước dưới đất, tiềm năng nguồn nước dưới đất của Việt Nam là tương đối lớn, ước tính khoảng 63 tỷ m3/năm, tập trung chủ yếu ở các khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của nước trong sự tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng nuôi trông thủy sản trong những năm gần đây khi với mức tăng trưởng bình quân trên 12%/năm, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo được nhiều cơ hội về việc làm cho người lao động. Tương tự, nước cũng đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế, xã hội, công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tài nguyên nước của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó có thể giải quyết được trong một sớm một chiều mà trái lại, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, nguồn lực cùng với sự nỗ lực tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là ý chí chính trị và quyết tâm của Đảng và Nhà nước.
Có thể kể ra một số thách chính như sau:
- Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả.
- Tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn tiếp tục gia tăng trong khi cơ chế kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, các hoạt động chặt phá rừng chưa hiệu quả cộng với tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước đang ngày càng rõ rệt hơn. Thiên tai bão, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng,... đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng.
- Tăng trưởng kinh tế không ngừng dẫn đến nhu cầu nước của các ngành kinh tế-xã hội tăng lên trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến cộng với nguồn nước tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt và cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước lạc hậu.
- Sức ép về dân số và chất lượng cuộc sống tiếp tục gia tăng trong một vài thập kỷ tới. Dự báo năm 2020 dân số Việt Nam tăng lên khoảng 98 triệu người và sẽ ổn định ở mức 120 triệu người trong vòng 2-3 thập kỷ sau nữa. Sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ cần nhiều nước hơn cho phát triển sản xuất và dân sinh là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia…
Chính vì thế, để hướng tới thực hiện thành công, hiệu quả quản lý phương thức tổng hợp tài nguyên nước, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên cho những nhiệm vụ như: Tập trung triển khai thực hiện Luật tài nguyên nước năm 2012; tập trung hoàn thiện “Kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước’’ để triển khai thực hiện.
Tập trung xây dựng các Quy trình vận hành liên hồ trên các lưu vực sông; giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước, nhất là các nguồn nước liên quốc gia; xác định dòng chảy tối thiểu trên một số lưu vực sông lớn, quan trọng.
Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ công tác thẩm định hồ sơ cấp phép, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định của giấy phép. Đồng thời tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, triển khai xây dựng các trạm quan trắc tài nguyên nước, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác quy hoạch, trước hết là triển khai quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Đẩy mạnh và tăng cường hợp tác với các nước có chung nguồn nước với Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước…
PV