1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tai nạn lao động nghiêm trọng: 70% lỗi do người sử dụng lao động

(Dân trí) - Các vụ tai nạn lao động lớn từ đầu năm 2015 tới nay đã làm chết 17 người và hàng chục người bị thương, gây hậu quả lớn về vật chất và dư luận xã hội. Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, trong các vụ TNLĐ nghiêm trọng, phía cơ quan quản lý nhà nước chiếm tới 75% lỗi,

Đây là nội dung cuộc họp chiều 21/5 tại Hà Nội do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì với nhiều ban, bộ ngành, bàn giải pháp quản lý và tăng cường, phối hợp với các cơ quan quản lý trong việc thanh, kiểm tra các công trình xây dựng và xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan.

Dồn dập tai nạn lao động

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, trong những tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015, nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ), sự cố công trình, thiết bị thi công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điển hình như vụ sập giàn giáo tại cảng Sơn Dương vào hồi 20 giờ ngày 25/3( Hà Tĩnh) làm 13 người chết và 29 người bị thương, vụ cần cẩu bị đứt cáp đã khiến 3 người đi đường tử vong tại chỗ ngày 5/5 tại tỉnh Đồng Tháp, các vụ tai nạn trên công trường thi công tuyến đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông khiến 1 người đi đường chết tại chỗ, nhiều người bị thương.

Vụ sập giàn giàn giáo tại Công trường Formosa
Vụ sập giàn giàn giáo tại Công trường Formosa

Gần đây nhất, vụ tai nạn tại công trình thi công đường sắt trên cao tại Hà Nội chiều ngày 12/5 làm bị thương 2 người, trong đó có một phụ nữ mang thai. Ngoài ra, nhiều vụ tai nạn và sự cố nghiêm trọng tại TP HCM, Hà Nội, Lâm Đồng, Hà Tĩnh và các địa phương khác.

Cũng theo các thống kê, ngành xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng nhất trong những năm qua là ngành xây dựng, xây lắp công trình dân dụng và công nghiệp, chiếm khoảng 30% số vụ gây chết người.

Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐ-TB&XH) thống kê 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tai nạn lao động gia tăng là: Sự tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng, chất lượng khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng công trình, vi phạm các quy định về an toàn lao động

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: “Hằng năm Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) đã có báo cáo về công tác an toàn vệ sinh lao động thường chỉ ra hai nguyên nhân là do người sử dụng lao động (chiếm 75%), do người lao động (15%) và do sự cố bất khả kháng (15%) mà chưa chỉ ra được đâu là nguyên nhân trọng tâm, trọng điểm. Do vậy tại cuộc họp liên ngành, cần chỉ ra nguyên nhân cụ thể để tổng hợp báo cáo Chính phủ để có hướng giải quyết trong thời gian tới”.

Khoảng trống giữa quy định và thực tế

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến của đại diện các bộ, ngành đã thẳng thắn phân tích nguyên nhân, giải pháp.

Theo ông Nguyễn Văn Dần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), các sự cố sập giàn giáo tại công trường Formosa, tại đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh vừa qua có nguyên nhân chủ yếu là nhà thầu giám sát, thi công thiếu kiểm tra, không huấn luyện an toàn, không có đủ trang bị đủ phương tiện an toàn, thi công chồng chéo.

Ông Nguyễn Văn Dần yêu cầu kiên quyết xử phạt nhà thầu vi phạm an toàn xây dựng, có thể tạm dừng hoặc đình chỉ thi công, cấm tham gia xây dựng và đấu thầu các công trình trong vài năm tới.

Nhiều ý kiến thẳng thắn phân tích nguyên nhân của TNLĐ
Nhiều ý kiến thẳng thắn phân tích nguyên nhân của TNLĐ

Nêu ra những tồn tại, đại diện Bộ GTVT cho rằng, nhà thầu chưa thực sự coi trọng quản lý chất lượng an toàn và bố trí nhân sự phụ trách. Nhiều dự án chưa phân công trách nhiệm cụ thể với từng cá nhân. Việc tổ chức công trình thiếu gọn gàng, thiếu trang thiết bị đảm bảo an toàn cá nhân. “Thiết bị đảm bảo an toàn còn hình thức, đặc biệt nhà thầu phụ, xử lý vi phạm còn nhẹ và chưa cương quyết”.

Đồng thời, Bộ GTVT kiến nghị cơ chế trong xây dựng công tình chủ đầu tư. Khắc phục tình trạng thiếu chi phí cho công tác an toàn lao động, chưa cấu thành hạng mục riêng trong dự toán, bổ sung chính sách phụ cấp riêng với người phụ trách an toàn lao động.

Theo ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), các Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải cần đánh giá lại biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công. Qua kiểm tra vụ sập giàn giáo, trước khi đưa vào sử dụng có thử tải ko, đưa thiết bị vào có kiểm định ko, như Cát Linh - Hà Đông, có thiết bị nâng 200-300 tấn nhưng ai kiểm định, trong khi đơn vị tư nhân không thể kiểm định được.

Nhiều công trình lớn, trọng điểm công nhân xây dựng vận hành máy móc cỡ đại nhưng để người điều khiển vừa tốt nghiệp bậc THPT, qua lớp học nghề 3 tháng và tập huấn an toàn lao động trong 3 ngày để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Ông Bạch Quốc Việt trăn trở: “Đó là chưa kể trình độ giảng viên các lớp an toàn lao động ngày càng đi xuống theo chiều thẳng đứng, có lần tôi hỏi giảng viên lớp an toàn lao động cẩu tháp đi cáp 4 hay cáp đôi, giảng viên không trả lời được, vậy an toàn ở đâu ?”.


Cần nghiêm túc đánh giá lại công tác ATVSLĐ

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, các Bộ, ngành cần thiết phải phối hợp để đánh giá lại năng lực của các chủ thể tham gia xây dựng, việc đào tạo người lao động tham gia vận hành thiết bị, công tác huấn luyện ATLĐ, kiểm định an toàn.

Đồng thời, việc thực hiện quy chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, an toàn lao động ở địa phương với Ban quản lý các KCN, KCX, Khu kinh tế trong quản lý các chủ đầu tư, nhà thầu trong các khu này cũng cần nghiêm túc đánh giá lại.

Bộ LĐ-TB&XH sẽ phân tích kỹ, cặn kẽ về các tai nạn lao động, sự cố trong xây dựng, tìm rõ nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về đơn vị và cá nhân nào để từ đó có phân công, phân cấp giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý chuyên ngành trong quá trình triển khi tiếp thu và quy định chi tiết nội dung Luật ATVSLĐ sau khi Quốc hội thông qua.









Hoàng Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm