1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tái diễn nạn trấn lột người đi đường tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

(Dân trí) - Với thủ đoạn tinh vi hơn, thấy người đi xe máy chạy vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, một số đối tượng đuổi theo chặn đầu lôi CSGT ra dọa nạt để vòi tiền.

Tái diễn nạn trấn lột người đi đường tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

"Em ơi, đi đâu đấy?"

Vào vai một người tham gia giao thông từ xa đến, phóng viên thử "đi nhầm” vào làn đường dành cho ô tô trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Chỉ vừa đi được khoảng 1km, một người đàn ông lao khỏi dải phân cách, gọi với theo tôi với giọng điệu rất quan tâm: “Em ơi, đi đâu đấy?”. Khi biết tôi muốn tìm đường đến Thường Tín, người đàn ông này nhanh chóng ngăn cản: "Đi nhầm đường rồi, công an phạt đấy, phải đi đường dân cư bên kia dải phân cách”.

Tái diễn nạn trấn lột người đi đường tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - 1

Người đàn ông nhấn mạnh: “Em thấy có xe máy nào không, chỉ có xe ô tô đi vào đây thôi. Đi chút nữa là đến chốt công an đấy. Đi thế này thì chết, phạt 2-3 triệu ngay”. Một phụ nữ từ bên đường dân sinh cũng vội vã chạy sang, vào hùa theo người đàn ông: “Đi thế này công an phạt mấy triệu đấy em, nhầm đường rồi”.

Cả hai người này đều tỏ ra lo lắng, quan tâm đến "người đi nhầm đường". Họ cũng không quên "khéo léo’ nhắc đi nhắc lại việc: tại đây có rất nhiều chốt công an và đi sai làn thì phạt tiền triệu. Khi thấy phóng viên có phần mất bình tĩnh, nhóm người này ngay lập tức chỉ "kế" thoát thân.

“Bây giờ đi tiếp không được đâu. Chỉ còn cách bê xe sang bên kia giải phân cách. Đi đường đó chỉ 3 – 4km là đến Thường Tín. Bọn anh sẽ giúp chứ đi tiếp mất 2-3 triệu thì chết”, một người đàn ông tận tình mách.

Tái diễn nạn trấn lột người đi đường tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - 2

Trong khi phóng viên đang đắn đo, hai người này liên tục thúc giục. Một người trong nhóm cất lời: “Bọn anh làm giúp, em cho mỗi người ba, bốn chục uống nước là được”. Người phụ nữ bên cạnh ngọt nhạt: “Thôi cái xe nặng cần 4 người khiêng, chú đưa 100 ngàn cũng được”.

Thấy phóng viên không sẵn sàng chi trả số tiền này, vẫn muốn quay đầu xe để đi ngược ra khỏi cao tốc, nhóm người tiếp tục "dọa": “Ở đó cũng có công an, phạt 2 triệu đấy”. Mất thời gian thuyết phục mà tôi chưa chịu "nhờ" bê xe, người phụ nữ nhanh chóng "đổi giọng": “Không chịu thì các anh kệ nó. Thích thì cho mất 2 triệu”.

Tái diễn nạn trấn lột người đi đường tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - 3

Thấy phóng viên còn ngập ngừng vì... "tiếc của", thêm 2 người đàn ông đi tới, cả 4 nhanh chóng dắt xe vào sát mép dải phân cách bê xe sang bên kia. Dù chiếc xe ga khá nặng nhưng nhóm người bê rất thuần thục. Vừa đưa chiếc xe qua, người đàn ông vội vã giục phóng viên đưa tiền "uống nước" theo đúng mức giá đã giao kèo là 100.000 đồng.

Tái diễn nạn trấn lột người đi đường tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - 4

Đây không phải điểm duy nhất tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có những người kiếm tiền nhờ bê xe công khai như trên. Các nhóm kì kèo đòi tiền cảm ơn từ 100.000 - 200.000 đồng. Nếu người tham gia giao thông không đưa tiền thì dùng nhiều thủ đoạn, kiên quyết không cho "con mồi" đi.

Tái diễn nạn trấn lột người đi đường tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - 5

Trong một hoàn cảnh khác, phóng viên tiếp tục vào vai người "đi nhầm đường" thì bất ngờ bị một người đàn ông đi xe máy chặn lại. Người đàn ông này cũng cảnh báo sẽ bị phạt mấy triệu và nói sẽ giúp.

Người này dẫn phóng viên đi ngược chiều, vòng vèo ra một vị trí kín đáo, nằm cách địa điểm cũ khoảng 500m. Khi phóng viên rối rít cảm ơn, người này không chịu và nhất quyết đòi tiền. Khi nạn nhân nói "20 nghìn hay 50 nghìn đồng vậy" thì người đàn ông quát lớn, giọng thách thức: “Người ta đưa một hai trăm cảm ơn chứ không phải mấy chục của mày đâu”. Thái độ bặm trợn, giọng điệu thách thức kèm theo việc tay người đàn ông này cầm điếu cày khiến tôi lập tức nghe lời.

Đây chính là cách những nhóm người này giả danh lòng tốt để kiếm tiền từ hàng chục người mỗi ngày tại khu vực làn đường từ Pháp Vân dẫn vào cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Tái diễn với phương thức tinh vi hơn

Đây không phải lần đầu tiên báo chí phản ánh tình trạng các nhóm đối tượng kiếm tiền từ người đi xe máy đi nhầm vào đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Cuối năm 2007, tình trạng này đã được phanh phui trên báo chí. Khi đó các đối tượng hoạt động với phương thức: Đuổi theo chặn đầu xe, đưa người vi phạm về phía đầu đường dẫn lên cao tốc. Đối tượng này sau đó yêu cầu nạn nhân nộp 200.000đ để được dẫn ra, nếu không sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt.

Tái diễn nạn trấn lột người đi đường tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - 6

Sau khi báo chí phản ánh, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) đã mật phục, bắt quả tang hành vi của nhóm người trên. Nhóm này gồm 13 người, họ thừa nhận hành vi lợi dụng người tham gia giao thông đi nhầm đường để đe dọa, lấy tiền.

Sau hai năm, tình trạng này tái diễn và hoành hành trên chính địa điểm cũ. Tuy nhiên, cách thức thực hiện thì tinh vi hơn khi những người này có kế hoạch dẫn người tham gia giao thông đến chỗ kín đáo trước khi vòi tiền hoặc dàn dựng vở kịch lòng tốt để đưa "con mồi" vào bẫy.

Tái diễn nạn trấn lột người đi đường tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - 7

Nhóm đối tượng hoạt động cũng khá tinh vi, khi một nhóm tiếp cận người tham gia giao thông thì luôn có một đối tượng khác đứng từ xa để quan sát xem có quay phim, chụp ảnh hay không. Khi thấy phóng viên cầm điện thoại trên tay, đối tượng ngay lập tức chỉ thẳng quát: “Quay gì đấy?”. Chỉ khi phóng viên nói đang liên lạc với người nhà, người này mới bỏ qua.

Trao đổi với phóng viên Dân trí vào sáng 9/8, Phòng CSHS Công an TP Hà Nội cho biết đang kết hợp cùng Công an quận Hoàng Mai tiến hành điều tra, làm rõ thủ đoạn của nhóm đối tượng này. 

Ngày 8/8, Công an quận Hoàng Mai bắt giữ 6 đối tượng để làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Nguyễn Hồng Hạnh (SN 1967, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội), Nguyễn Thị Thúy (SN 1974, trú tại Hoàng Liệt, Hoàng Mai), Đặng Anh Khôi (SN 1971, quê Văn Giang, Hưng Yên), Đỗ Trọng Lực (SN 1979, ở Thường Tín, Hà Nội) và Tạ Đức Hạnh (SN 1976, ở Thanh Trì, Hà Nội).

Theo cơ quan công an, thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng một số người dân điều khiển xe máy đi nhầm vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ  sẽ đuổi theo, dọa đã đi vào đường cấm, phía trên có CSGT làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt rất nặng. Nhiều người dân nghe các đối tượng nói vậy đã sợ hãi không dám đi tiếp.

Nhóm PV