1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Tạc phù điêu “khủng” vào vách núi: Không làm theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”

(Dân trí) - Phù điêu “khủng” có tổng chiều dài 81,5m, cao 35m được khắc vào vách núi với chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”. Thường trực Tỉnh ủy Bình Định vừa gặp mặt các cựu lãnh đạo tỉnh để lắng nghe ý kiến về việc xây dựng công trình này.

Dấu ấn đặc biệt

Thường trực Tỉnh ủy Bình Định vừa gặp mặt các cựu lãnh đạo tỉnh này để lắng nghe ý kiến về việc chuẩn bị xây dựng công trình phù điêu tạc vào vách núi chủ đề “Lạc Long Quân - Âu Cơ” tại đường Võ Nguyên Giáp (TP Quy Nhơn).

Tạc phù điêu “khủng” vào vách núi: Không làm theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ” - 1
Phối cảnh tạc phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ khổng lồ vào vách núi ở cửa ngõ thành phố du lịch Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Theo UBND tỉnh Bình Định, việc tạc phù điêu vào vách núi đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Tỉnh ủy Bình Định có chủ trương và đồng thuận. Nội dung phác thảo bức phù điêu, đơn vị tư vấn đã tiếp thu và hoàn chỉnh theo ý kiến góp ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo đó, bức phù điêu được khắc họa 3 lớp nhân vật. Lớp thứ nhất nằm chính giữa, chiếm 1/2 chiều cao của bức phù điêu là hình tượng cha Rồng - mẹ Tiên, cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Sau lưng, dưới chân là những lớp mây gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi Rồng Tiên của cư dân Lạc Việt.

Lớp thứ 2, hai bên cha Rồng mẹ Tiên thể hiện 18 nhân vật nam, tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương. Các vua Hùng với dáng đứng uy nghi, hai tay chắp ngang ngực, cung kính lắng nghe lời căn dặn của cha mẹ.

Lớp thứ 3, thể hiện các nhân vật, đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc khắc họa 1 người nam và một người nữ cùng với trang phục truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, nắm chặt tay nhau thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát thực địa và lên phương án xây dựng, cắt sâu vào vách núi mặt phẳng đứng để tạc phù điêu trực tiếp vào vách núi. Phần mặt phẳng nằm tạo thành sân quảng trường với diện tích dự kiến 2.500m2. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng, sân chơi để người dân, du khách chiêm ngưỡng bức phù điêu.

Theo thiết kế, công trình phù điêu cách ranh giới quy hoạch nút giao thông ngã 5 Đống Đa là 6m. Từ ranh giới chân núi cắt bạt theo hình cánh cung, vị trí sâu nhất là 25m, vị trí gần nhất là 10-20m. Phía trên đỉnh, dọc theo mô hình phù điêu và đồi núi, xây dựng mương thu nước không cho nước chảy về phía mặt phù điêu. Tổng chiều dài hình cong phù điêu 80m, vị trí cao nhất của phù điêu là 36m.

Tạc phù điêu “khủng” vào vách núi: Không làm theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ” - 2
Đơn vị thi công đang khảo sát vị trí tạc phù điêu ở vách núi Bà Hỏa.

Theo UBND tỉnh Bình Định, thời gian thực hiện công trình từ năm 2020-2022 và dự kiến tổng mức đầu tư hơn 86 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách do tỉnh quản lý để triển khai phần hạ tầng cắt bạt núi, di dời, hạ ngầm đường điện… là hơn 34 tỷ và kêu gọi tài trợ xã hội hóa, các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai công trình hơn 51 tỷ đồng.

Cần lấy ý kiến rộng rãi của dân

Theo cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà, công trình phù điêu tạc vào vách núi “Lạc Long Quân - Âu Cơ” dự kiến xây dựng ở cửa ngõ ra vào TP Quy Nhơn sẽ tạo dấu ấn đặc biệt, song còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn bạc trước khi quyết định chính thức.

Tạc phù điêu “khủng” vào vách núi: Không làm theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ” - 3
Khu vực núi Bà Hòa, dự kiến sẽ tạc bức phù điêu "khủng".

“Muốn đặt phù điêu ở vị trí hiện nay, cần ưu tiên quy hoạch cơ sở hạ tầng, giao thông tại khu vực ngã 6 với tầm nhìn đường Trần Hưng Đạo phải mở rộng 40m (thay vì 20m hiện nay), xây dựng cầu vượt, vòng xuyến giao thông. Khu quảng trường diện tích đủ rộng để người dân vui chơi an toàn, không đặt sát đường vì rất dễ gây tai nạn. Phải có quy hoạch giao thông trước thì mới xác định vị trí đặt phù điêu thích hợp, đảm bảo không che khuất tầm nhìn”, ông Hà nói.

Cựu Bí thư Bình Định cũng đặc biệt lưu ý, công trình phù điêu tạc vào vách núi cần lấy ý kiến rộng rãi từ người dân chứ không làm theo kiểu tư duy nhiệm kỳ.

“Cần thiết triển lãm các phương án để người dân xem, khi đã được nhân dân đồng thuận thì thực hiện. Tôi nghĩ rằng, lãnh đạo tỉnh đã quyết làm thì phải làm chất lượng, đặc sắc, chứ không phải làm theo kiểu cho có tư duy nhiệm kỳ. Bởi, nếu chất lượng không tốt thì biết ăn nói sao với người dân. Đặc biệt, công trình này dựa vào vách núi, cần nghiên cứu loại đá ở đây có đủ tiêu chuẩn không, cắt sâu thì có bền vững muôn đời hay chỉ 1, 2 nhiệm kỳ lãnh đạo sẽ sạt lở, hư hỏng? Việc này, cần mời chuyên gia khoáng sản kết luận, có biện pháp kỹ thuật thực hiện”, ông Hà nhấn mạnh.

Ông Hà cũng cho rằng, tỉnh Bình Định phải hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn ngân sách để xây dựng công trình, lãnh đạo tỉnh nên đi tận nơi kêu gọi đóng góp xã hội hóa. Trong đó, nguồn từ xã hội hóa cần phải đưa vào ngân sách quản lý, chứ không bỏ ra quỹ riêng biệt để tự do chi.

Còn chia sẻ về tính thẩm mỹ nội dung phác thảo bức phù điêu, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định thẳng thắn nhìn nhận rằng, bức phù điêu còn nhiều chi tiết “rối” cần phải xem xét lại.

“Lớp thứ 3 thể hiện hình ảnh hơn 100 người được sắp xếp, như vậy chẳng khác nào đứng chụp hình thì không đẹp. Theo tôi cái này cần cách điệu để khi nhìn vào dễ dàng biết rằng Việt Nam có 54 dân tộc anh em”, ông Hà chia sẻ.

Ngoài ra, ông Hà cũng cho rằng, cần phải thẳng thắn đặt vấn đề, ý tưởng tạc phù điêu chủ đề Lạc Long Quân - Âu Cơ có nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Vậy nên giữ ý tưởng này hay làm chủ đề khác?  Theo ông Hà, trước khi thực hiện cần có sự thống nhất và lắng nghe ý kiến của các nhà sử học, Bộ Văn hóa…

Doãn Công