Tắc đường - “đặc sản” Tết Hà Nội

(Dân trí) - Suốt trong nhiều nhiều ngày giáp Tết, tắc đường đã trở thành một "đặc sản" của Hà Nội. Giao thông trong những ngày này dường như đang thử thách những người lạc quan và kiên nhẫn nhất.

Sáng, trưa, chiều, tối… bất kì thời điểm nào trong những ngày giáp tết ở Thủ đô cũng luôn kín đặc người và xe. Ai cũng hối hả cố hoàn thành nốt những công việc cuối cùng trước khi hết năm.

Và thế là tất cả đều đổ ra đường để đi làm việc, đi mua sắm, đi tặng quà,...Cả một cộng đồng gần nhiều triệu con người đều đổ ra đường để đi – đi và đi.

Nói về giao thông Hà Nội những ngày áp tết, anh Phạm Văn Thủy, một lái xe taxi dùng một câu duy nhất: “Quá kinh khủng !!!”

Ảnh chụp lúc 11h đêm tại Xã Đàn.
Ảnh chụp lúc 11h đêm tại Xã Đàn.

Có mặt vào giữa trưa trên phố Hàng Bông, đoạn giao với Đường Thành, Phủ Doãn, “quá kinh khủng” có lẽ chưa đủ để miêu tả tình trạng giao thông vào lúc này. Tôi thấy một biển người kẹt cứng. Hàng trăm con người với đủ loại phương tiện bị chôn chân tại chỗ.

Có khoảng 5 người gồm cả công an phường lẫn lực lượng trật tự phường đều ra sức cố gắng điều chỉnh giao thông ở ngã tư này. Những tiếng còi điều phối cất lên đầy tuyệt vọng. Có lẽ chỉ có đám khách du lịch hiếu kì là thấy vui vẻ. Một vài khách du lịch thậm chí còn trèo lên cây để có góc quan sát tốt hơn và tranh thủ ghi lại hình ảnh chắc chắn là khó quên trong đời.

Xe cấp cứu – một loại xe luôn được ưu tiên trong đa số các tình huống khi tham gia giao thông nhưng khi đến đây thì không có ngoại lệ. Hy vọng một bệnh nhân nào đó đủ kiên nhẫn để đợi xe, vì phải sau khoảng 30 phút, sự hỗn loạn này mới kết thúc.


Cảnh sát cũng không thể đi nhanh hơn

Cảnh sát cũng không thể đi nhanh hơn

Dường như trong những ngày này, giao thông Hà Nội đang thử thách những người lạc quan và kiên nhẫn nhất.

Tôi ghé thăm trung tâm điều hành của Kênh VOV Giao thông Quốc gia ở 58, Quán Sứ. Hàng chục màn hình sáng và khi được xem những camera tại Hà Nội thì thật khó để tìm được một ngã tư vắng vẻ.

Anh Phạm Linh, một phóng viên lưu động của Kênh VOV Giao thông Quốc gia nói: “Ví dụ, bình thường, di chuyển từ Minh Khai lên Bờ Hồ mất khoảng 10 phút, nhưng vào những ngày này thậm chí có thể mất tới 30, 40 phút”.

Và như một quy luật của tự nhiên, “cùng tắc biến – biến tắc thông”, người ta vận dụng đủ mọi khả năng nhằm tự “cứu” mình, tự đưa mình ra khỏi trạng thái “kẹt cứng”, kể cả vi phạm luật. Vỉa hè và những ngõ nhỏ luôn là một phương án B hoàn hảo.

Phá luật: Đi ngược chiều là một mẹo né tắc đường.
Phá luật: Đi ngược chiều là một "mẹo" né tắc đường.

Mặc dù căng thẳng vậy nhưng có một điều khá thú vị mà tôi thấy ở Hà Nội những ngày này. Đó là dường như tất cả mọi người đều khá hòa nhã trong mọi tình huống va chạm giao thông. Tất cả đều nhanh chóng được xử lý, được dàn hòa một cách mềm dẻo. Có thể vì tất cả mọi người đều muốn tự thoát ra khỏi cảnh trớ trêu, hoặc cũng có thể cả hai bên va chạm đều hiểu rằng: Đừng để rắc rối của mình làm phiền đến sự di chuyển của hàng trăm con người khác.

Sự hỗn độn ấy gây ra một cảm giác tất cả đều như sắp vỡ tung ra. Nhưng, cuối cùng thì Hà Nội vẫn tìm được một sự cân bằng cho chính mình, sau khi một lượng lớn người dân đổ về quê ăn Tết, Hà Nội sẽ lại có được vài ngày Tết yên ả, vắng bóng "đặc sản" tắc đường.

Hải Đông