Tác động từ vụ Vạn Thịnh Phát, FLC và bước đi "cứu" thị trường trái phiếu

Hoài Thu

(Dân trí) - Khẳng định tác động của việc xử lý vụ Vạn Thịnh Phát, FLC là có trong ngắn hạn, song chuyên gia cho rằng khi Chính phủ tháo gỡ, doanh nghiệp quay trở lại, về dài hạn thị trường sẽ minh bạch hơn.

Rất nhiều vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp được chuyên gia và các nhà quản lý chỉ rõ, phân tích trong tọa đàm "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường tài chính, bảo đảm hài hòa, cân đối cơ cấu thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vốn quá lớn vào kênh tín dụng ngân hàng…

Chính sách chưa từng có tiền lệ "cứu" thị trường trái phiếu

Khái quát bức tranh thực tế, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết từ sau các vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị tác động nặng nề.

"Nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh", ông Dương nói.

Tác động từ vụ Vạn Thịnh Phát, FLC và bước đi cứu thị trường trái phiếu - 1

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương (Ảnh: Đoàn Bắc).

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu như bất động sản, tín dụng, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ của Nhà nước.

"Chính phủ đã rất khẩn trương ban hành Nghị định 08, trong đó cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên", ông Dương đánh giá cao động thái này.

Theo ông, sau khi Nghị định 08 được ban hành, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, doanh nghiệp đã quay lại phát hành được trái phiếu, quý I hầu như không có đợt phát hành nào, từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.

Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Cấn Văn Lực ghi nhận Nghị định 08 là quyết sách chưa từng có trong tiền lệ, cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi tiền hàng, tức là cho phép hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm là bất động sản hoặc thứ khác. "Điều này chưa từng có, là tháo gỡ rất quan trọng cho thị trường bất động sản", theo ông Lực.

Lưu ý tính liên thông giữa thị trường tài chính và bất động sản, ông Lực cho rằng song song với Nghị định 08, phải tháo gỡ cả kênh tín dụng, cả kênh thị trường bất động sản. Với hai thị trường này, vị chuyên gia ghi nhận tác động tích cực từ việc Thủ tướng đã ban hành nhiều công điện, nhiều chỉ thị, nhiều quyết sách trong thời gian vừa qua.

Xử nghiêm vụ Vạn Thịnh Phát, FLC để có thị trường trái phiếu lành mạnh

Đề cập việc một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm ăn phi pháp, thậm chí bị xử lý hình sự, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế) thừa nhận thực tế là có ảnh hưởng, thậm chí có giai đoạn ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin thị trường, đến việc phát hành, thanh khoản.

Tác động từ vụ Vạn Thịnh Phát, FLC và bước đi cứu thị trường trái phiếu - 2

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Vi phạm phải xử lý nghiêm và xử lý nhanh, kịp thời, đó là điều là quan trọng nhất", ông Hiếu nhấn mạnh.

Nhìn nhận sự việc ở chiều tích cực hơn, vị đại biểu cho rằng chính một số trường hợp vi phạm như vừa qua cộng với một số hạn chế đã cho thấy rất nhiều bài học quý giá, cả cho người làm chính sách và cả người đầu tư mua trái phiếu.

Đối với người làm chính sách, những vi phạm vừa qua cho thấy nguyên nhân do thực thi pháp luật. "Nếu do khâu thực thi, phải tập trung cải thiện việc thực thi, giám sát chính sách, chứ không phải sửa đổi chính sách", ông Hiếu nói.

Cũng từ thực tế vừa qua, ông cho rằng có thể xuất hiện nhu cầu hoàn thiện pháp luật, ví dụ cần rõ ràng hơn về quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư, của người phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu bị vi phạm.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng bản thân nhà đầu tư cũng cần tự rút ra bài học, thậm chí phải ra quyết định đầu tư nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn của mình.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI, cho rằng những doanh nghiệp vi phạm là số ít nếu so với toàn bộ quy mô thị trường. Bà cũng ghi nhận việc xử lý vi phạm là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước.

Phân tích rõ hơn, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI chỉ ra những trường hợp vi phạm chủ yếu rơi vào tổ chức cố tình thực hiện các hoạt động phát hành không đúng mục đích, không đúng đối tượng. Bên cạnh đó, một số tổ chức tài chính trung gian có thể vô tình hoặc cố tình, cũng có những sai phạm nhất định trong quá trình làm hồ sơ và phân phối trái phiếu đến tay những người chưa đủ tiêu chuẩn mua trái phiếu.

Tác động từ vụ Vạn Thịnh Phát, FLC và bước đi cứu thị trường trái phiếu - 3

Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI Nguyễn Ngọc Anh (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Tất cả những cái này là cơ sở, nền tảng để các bên cùng ngồi lại và chuẩn hóa lại khuôn khổ pháp lý. Cái sai này là một cú va vấp có thể xảy ra ở tất cả các thị trường trong quá trình phát triển, và sau cú vấp ấy, chúng ta đã rút ra kinh nghiệm và tránh được tối đa va vấp ở quy mô lớn hơn", theo bà Ngọc Anh.

Nhìn nhận về những vụ án lớn liên quan tới hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân đã được phanh phui như vụ Vạn Thịnh Phát, FLC…, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính Nguyễn Hoàng Dương khẳng định việc xử lý vi phạm là cần thiết.

"Nếu không xử lý vi phạm, chúng ta sẽ không thể có thị trường phát triển minh bạch và hiệu quả", ông Dương nói.

Nâng cấp hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường

Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Hoàng Dương cho rằng tác động của những vụ này trong ngắn hạn chắc có, điển hình như việc thị trường suy yếu, không có đợt phát hành nào vào quý I/2023. Tuy nhiên, sau khi được Chính phủ tháo gỡ, doanh nghiệp quay trở lại, về dài hạn sẽ củng cố tính minh bạch của thị trường. Đó là điều quan trọng, là nền tảng để phát triển thị trường này thời gian tới.

Bên cạnh đó, ông Dương cũng cho rằng bản thân các doanh nghiệp sau vụ việc này cần rút kinh nghiệm và phải biết là Nhà nước rất kiên quyết xử lý sai phạm.

Ủng hộ quan điểm này, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI Nguyễn Thị Ngọc Anh nhìn nhận các nhà đầu tư bị thiệt hại là nạn nhân, nhưng đâu đó chính họ "tự đẩy mình thành nạn nhân".

Theo bà, cần khuôn khổ pháp lý mới, để nâng cao hiểu biết, nâng cao yêu cầu, quy định trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đặc biệt, cần có sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức tài chính mua trái phiếu thay vì quá tập trung vào đầu tư cá nhân như hiện nay.

Tác động từ vụ Vạn Thịnh Phát, FLC và bước đi cứu thị trường trái phiếu - 4

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (Ảnh: Đoàn Bắc).

Đưa ra giải pháp để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực góp ý cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách.

Đi kèm với đó là đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Một giải pháp khác được vị chuyên gia góp ý là nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu. Ông Lực ví đây là hồn cốt vô cùng quan trọng để phát triển thị trường trái phiếu.

Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa quy trình thủ tục phát hành ra công chúng.

"Hiện nay rõ ràng là còn phức tạp, thời gian phê duyệt hơi lâu nên nhà phát hành còn ngại khi xin làm hồ sơ để phát hành ra công chúng", chuyên gia nêu thực tế. Cuối cùng, ông nhấn mạnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.