1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hội thảo khoa học "Đại thắng mùa xuân 1975":

“Ta đi trong ánh lửa từ trái tim mình...”

(Dân trí) - “Ngày đó, những bài hát như “Bước chân trên dải Trường Sơn” chính là tiếng lòng của thế hệ thanh niên, thôi thúc chúng tôi hừng hực khí thế ra trận. Ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình trở thành mục tiêu mà chúng tôi vươn tới”.

Đó là những tâm sự của GS. TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương khi nói về Đại thắng mùa Xuân 1975.

“Ta đi trong ánh lửa từ trái tim mình...”

GS.TS Đinh Xuân Dũng không giấu được cảm xúc khi kể về thời trai trẻ “hừng hực khí thế Cách mạng” của mình. Ông vốn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khóa của ông tốt nghiệp năm 1965, nhưng trước đó lớp của ông đã chia làm 3 nhóm, trong đó có một nhóm tình nguyện ra mặt trận và trở thành những phóng viên chiến trường. Trong số đó, 8 người đã anh dũng hy sinh.

“Mấy năm sau, tôi cũng lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi non sông. Ngày đó, những bài hát như “Bước chân trên dải Trường Sơn” chính là tiếng lòng của thế hệ thanh niên, thôi thúc chúng tôi hừng hực khí thế ra mặt trận”, ông Dũng nói.

GS.TS

GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, văn hóa nghệ thuật đã góp phần không nhỏ trong việc bồi đắp ý chí, lòng yêu nước và giáo dục truyền thống cách mạng của ông cha cho các thế hệ

Với ông, những năm tháng ấy, khí thế sục sôi, hào hùng, bất diệt và khí phách quật cường của dân tộc hun đúc trong trái tim thế hệ trẻ, trở thành ngọn lửa thiêng giục giã thanh niên xả thân vì sự nghiệp cách mạng.

Ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình trở thành mục tiêu mà thế hệ ông vươn tới. Thế hệ của ông, những người đã từng chứng kiến nỗi đau mất nước, chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh càng cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của hòa bình, của độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc.

GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, văn hóa nghệ thuật đã góp phần không nhỏ bồi đắp ý chí, lòng yêu nước và giáo dục truyền thống cách mạng của ông cha cho các thế hệ. Chính “ánh lửa từ trái tim mình” như một ngọn lửa thực sự khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người, tạo thành sức mạnh nội sinh của cả dân tộc Việt Nam. Muôn triệu trái tim hòa cùng nhịp đập, cùng đi theo ánh lửa trái tim, đi theo ánh sáng soi đường của Đảng để nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước, giành thắng lợi cuối cùng.

Kế thừa, phát huy “mưu, kế, thế, thời”

Thượng tướng, PGS.TS Võ Tiến Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng: Chiến dịch Tây Nguyên đánh dấu đỉnh cao, hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành nghệ thuật chiến dịch tiến công của quân đội Việt Nam làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Trong nghệ thuật quân sự Việt Nam từ xưa đến nay đã từng có những khái quát về vấn đề mưu, kế, thế thời, đó là: Mưu càng cao, kế càng sâu thì thế vững sẽ tạo ra thời cơ có lợi.

Thượng tướng Võ Tiến Trung phân tích: Mưu cao là mưu lừa địch, kế sâu hiểm là kế điều địch, nghi binh lừa địch là dùng mưu dụ địch; thế vững phải là thế từ mưu kế mà sinh ra, tạo nên thế chia cắt địch, ép chúng vào thế bị bao vây, chia cắt; ta có thế tấn, thế giữ một cách hiểm hóc, có khả năng cơ động nhanh buộc địch phải đối phó theo cách của ta. Còn thời cơ là hành động kịp thời vào lúc có lợi nhất. Nắm tốt thời cơ sẽ là lực lượng bởi nghi binh là để giành lấy bất ngờ; bất ngờ đạt được bằng đánh lừa địch giành quyền chủ động và hành động thần tốc. Khi nói đến mưu kế trong tác chiến, ta cũng thường tập trung vào các nội dung tạo bất ngờ về thời gian và địa điểm đánh địch, lập thế ta, phá thế địch.

GS.TS

Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng cần kế thừa, phát huy nghệ thuật quân sự
“mưu, kế, thế, thời”

Thượng tướng Võ Tiến Trung dẫn dụ về thế - thời trong tác chiến mà Nguyễn Trãi đã viết: “Được thời, có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời, không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay mà thôi”. Khoa học nghệ thuật của “mưu, kế, thế, thời” mà các thủ đoạn của nó dường như “dương đông kích tây”, “hư trương thanh thế”, “điệu hổ ly sơn”, “khêu ngòi đả viện”… cần được làm sáng tỏ với đầy đủ ý nghĩa học thuật của nó.

“Những bài học từ Đại thắng mùa Xuân 1975 nói chung, vấn đề “mưu, kế, thế, thời” trong Chiến dịch Tây Nguyên nói riêng vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự bởi sự âm vang và lan tỏa của nó, cần tiếp tục nghiên cứu, suy ngẫm để kế thừa, phát triển và vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo vào hoàn cảnh mới của đất nước và cả soi xét nó trong thế giới có sự đan xen “đối tượng, đối tác”, “đơn phương, đa phương” ngày nay”, Thượng tướng Võ Tiến Trung cho biết.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, cần phải vận dụng những bài học quý giá từ Đại thắng mùa Xuân 1975 vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kế thừa bài học kinh nghiệm trong kháng chiến mà trực tiếp là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, TPHCM đã và đang không ngừng đổi mới, phát triển theo hướng “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. 40 năm qua, TPHCM đã vận dụng những bài học quý báu trong tổ chức, triển khai các phong trào cách mạng vận dụng vào quản lý, điều hành, củng cố hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển của thành phố trong thời kỳ mới.

Những giá trị của Đại thắng mùa Xuân 1975 được các thế hệ nhân dân tiếp nối và phát huy. TPHCM đã “cùng cả nước”, không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để ổn định và phát triển. Và, “vì cả nước”, TPHCM đã nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm, vận dụng mô hình cơ chế quản lý mới của Đảng; đồng thời, đóng vai trò tích cực đối với cả nước bằng việc tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách và giải quyết các vấn đề xã hội.

“Kế thừa và phát huy những bài học quý của Đại thắng mùa Xuân 1975, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM nguyện chung sức, đồng lòng, đem hết sức lực, trí tuệ và trách nhiệm của mình để hoàn thành xuất sắc trọng trách nặng nề nhưng vô cùng vinh quang mà Đảng và nhân dân giao phó”, ông Lê Hoàng Quân nói.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm