1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Suy thoái” kinh tế cũng là cơ hội

(Dân trí) - Ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính thế giới, tình hình kinh tế cả nước nói chung và TPHCM nói riêng năm 2009 dự báo sẽ đi xuống và thực tế quý 1/2009 đã cho thấy điều đó. Tuy nhiên, các nhà kinh tế Việt Nam vẫn rất lạc quan.

 
“Suy thoái” kinh tế cũng là cơ hội - 1
Suy thoái kinh tế sẽ là cơ hội phát triển nếu biết nhanh nhạy nắm bắt.

Cơ hội phát triển trong khủng hoảng

Tại hội thảo “Kinh tế, tài chính năm 2009 - những thách thức và giải pháp phát triển đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức ngày 24/4, cả trăm đại biểu và 12 diễn giả đều đồng ý: tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam.

Trong quý 1/2009, nhiều doanh nghiệp đã thông báo cắt giảm hàng nghìn lao động, thậm chí cả những doanh nghiệp lớn, tiềm lực mạnh như Sony Việt Nam, Castrol Bp Petco… cũng thực hiệc việc cắt giảm này.

TS. Đinh Xuân Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, liệt kê hàng loạt khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang gặp phải như: thất nghiệp có xu hướng tăng, đầu tư trực tiếp giảm, xuất khẩu giảm sẽ tác động tiêu cực đến nhiều mặt, xu hướng bất bình đẳng về thu nhập và phân hóa giàu nghèo trong xã hội sẽ có khả năng tăng…

Tuy nhiên, TS. Hùng cũng cho rằng: “Cuộc khủng hoảng của kinh tế thế giới lại tạo ra những điều kiện, áp lực và những cơ hội mà nếu Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt, vận dụng thì vẫn có thể đẩy nhanh được sự phát triển”.

Ông ví dụ: “Do an ninh, chính trị xã hội ổn định, môi trường đầu tư đã cải thiện… nên nếu chúng ta xúc tiến đầu tư tốt và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa vẫn có thể thu hút, gia tăng đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước”.

Ngoài ra, ông cho rằng: “Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy nhanh việc chọn lọc nhập khẩu những công nghệ hiện đại từ nước ngoài, do một số doanh nghiệp ở nước ngoài vì khó khăn do tác động của khủng hoảng mà bán đi”.

Một yếu tố quan trọng nữa là “chính cuộc khủng hoảng sẽ tạo áp lực buộc các doanh nghiệp phải tự tái cấu trúc lại; đổi mới và nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu quả hoạt động để thích ứng trước những biến đổi”… Chính những yếu tố đó kích thích kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, chỉ cần chúng ta nắm bắt được cơ hội.

TPHCM có cơ hội phục hồi nhanh nhất

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM thì: “TPHCM là trung tâm kinh tế của cả nước với GDP chiếm 24 - 25%, kim ngạch xuất khẩu chiếm 36 - 38% so với cả nước…

Những điều này cho thấy khi nền kinh tế Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới thì mức độ tác động của khủng hoảng đối với TPHCM sẽ sâu sắc hơn so với các tỉnh thành khác”.

Điều đó dễ dàng nhận thấy khi tốc độ tăng trưởng gdp quý 1/2009 của TPHCM chỉ là 4%, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tất cả các chỉ tiêu kinh tế của thành phố hầu như đều giảm, từ kim ngạch xuất khẩu cho đến dự án đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Hạnh cũng cho rằng: “Đứng trên bình diện so sánh lợi thế vùng miền thì TPHCM vẫn có nhiều cơ hội để hạn chế và ứng phó khủng hoảng”.

Và ông đề xuất bên cạnh các chính sách, giải pháp của chính phủ, TPHCM có thể phát huy một số giải pháp dựa vào ưu thế địa phương như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú ý phát triển dịch vụ và các ngành có hàm lượng chất xám cao; tăng cường xúc tiến du lịch đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao vai trò quản lý của nhà nước…

Còn TS Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Cán bộ TPHCM thì kiến nghị chính quyền thành phố tìm giải pháp giữ vững thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ các dự án, tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp trên địa bàn để hoạt động hiệu quả hơn.

Ngoài ra, bà Hiền còn đề xuất ưu tiên sử dụng vốn kích cầu cho chương trình di dời các trường đại học ra ngoại thành. Vì nó đạt được nhiều mục tiêu: vừa phát triển hạ tầng xã hội, vừa giảm ùn tắc, vừa sử dụng vốn kích cầu hiệu quả…

Tùng Nguyên