Sức hút nơi cực Tây Tổ quốc
9 năm trước, tôi từng đi bộ 15 ngày vào khu rừng thiêng Thập Tầng Đại Sơn; đầu năm 2011 này, lại ngạc nhiên trước cảnh bà con ta đã có thể ngồi ôtô vào đến tận cái barie bước một bước là sang nước bạn Trung Hoa.
Cái giá của sự hoang sơ 9 năm về trước
Từ Hà Nội vượt gần 800km lên cực tây tổ quốc, nơi một tiếng gà gáy cũng tự hào mang trong mình ba quốc tịch ấy, đường núi có khá khẩm lên từng ngày. Tuy nhiên, kể từ đầu thế kỷ 20, khi viên công sứ Sanh Pu Lốp dùng roi và báng súng cưỡng chế phu phen người Việt mở đường lên Tây Bắc (rồi con đường có thời mang tên Sanh Pu Lốp) đến giờ, nay ta gọi là quốc lộ số 6, chưa bao giờ thôi đèo dốc và rình rập tai ương.
Mường Nhé chiếm nhiều kỷ lục vui và buồn. Vừa tách ra khỏi Mường Tè, huyện nghèo này lại liên tục phải tách đôi, tách ba các xã của mình bởi nạn di dân tự do phá vỡ mọi thứ mô hình dân cư, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục. Bây giờ, trở lại miền cương thổ Mường Nhé, thấy đường ôtô được mở đến tận cái chợ biên ải lèo tèo mà công dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc ngày nào cũng chung tay nhóm họp kia, lại thêm sóng điện thoại di động ò í e réo tưng bừng trên tay bà con Hà Nhì chưa nói sõi tiếng Kinh kia nữa, đúng là tôi phải ngẩn ngơ mất nửa ngày.
Sau này, nhiều nhà báo, nhiều bạn trẻ coi ngã ba biên giới là một điểm chinh phục hoang sơ, kỳ thú, đi đâu họ cũng nghe người Hà Nhì hỏi thăm về một gã nhà báo thật lùn, hay uống rượu và cứ say rượu là đòi ngủ dưới bếp. Mỗi lần nghe kể “xấu” về mình như vậy, tôi lại xôn xao nhớ những bản làng hoang sơ tột độ. Bấy giờ, suối sâu, vắt nhảy tanh tách, trời rét cắt da cắt thịt, tôi hay uống rượu và thích rúc vào các khu bếp muôn đời đỏ lửa của bà con để say, sưởi ấm và hơ quần áo ướt. Mỗi bản làng, tôi trú chân một đêm, tiếp lương thực, nhờ người dẫn đường, thay một công an xã (mang theo súng) và thay một biên phòng cắm bản... rồi cả ba lại lếch thếch lên đường.
Lâng lâng với tết Cô Nhẹ Chà
Các trầm tích văn hoá, tấm tình của người Hà Nhì, người Mông... vùng ngã ba biên giới đã hút hồn tôi và nhiều người. Có lẽ vì thế mà ngày gặp lại cố nhân A Pa Chải của tôi năm nay thổn thức quá, lại đúng vào dịp tết của người Hà Nhì, gọi là tết Cô Nhẹ Chà nữa chứ. Bà con làm Cô Nhẹ Chà to như Tết Nguyên đán của người dưới xuôi vậy. Sương mơ bảng lảng, gió lạnh như kim châm, suối Mo Phí ào ào nước chảy qua kẽ đá ngầm, đêm hội xòe chập chờn ánh lửa. Những quả tú cầu trên mũ, trên khăn, ở tay cầm đèn pin chơi đêm của các a nhí (em gái) Hà Nhì cứ lung linh như say rượu.
Tôi không biết có cộng đồng nhỏ bé, xa xôi, cam khó nào mà dịp tết cổ truyền của họ, họ lại “phải” (được) đón nhiều vị khách Hà Nội, Sài Gòn không mời mà đến nhiều như người Hà Nhì ở ngã ba biên giới này không? Chỉ có ba - bốn bản làng, mà điểm mặt đủ các nhà báo, nhà văn, nhà nhiếp ảnh, sinh viên, dân “xê dịch” tứ chiếng tụ về. Các điệu hồn vi tế đó, không ai bảo ai, không vì cái gì ngoài những xúc cảm thương mến với cộng đồng người Hà Nhì hoa ở biên ải Mường Nhé, họ cứ đến và hát, mở rộng vòng xòe, chia thêm chén mắt trâu để nhâm nhi rượu men lá.
Quê hương thứ hai
Tôi đang kể câu chuyện mình chinh phục ngã ba biên giới A Pa Chải vào thời điểm năm 2002. Như thế đủ thấy, hơn 40 năm trước, vào năm 1959, khi anh Trần Văn Thọ - cán bộ vận động quần chúng Đồn biên phòng Leng Su Sìn - lên với bà con Hà Nhì thì sự hoang vu còn đến mức nào. Anh Thọ mang lưỡi cày lên dạy dân cày ruộng nước, cai nghiện ma túy cho bà con, đưa người Hà Nhì đầu tiên đến trường, vất vả đến mức vài năm sau, sốt rét ác tính của rừng già đã mang anh đi vĩnh viễn. Người Hà Nhì biết ơn, đặt tên ngọn núi ở Leng Su Sìn là núi Ông Thọ, con dốc có phần mộ anh gọi là dốc Ông Thọ.
Tương tự như vậy, ở vùng ngã ba biên giới còn gắn liền với sự cống hiến vĩ đại của một con người khả kính khác là thầy giáo Nguyễn Văn Bôn. Xung phong đi bộ nửa tháng trời từ Mường Lay vào xã Mù Cả, tự đẵn tre, dựng trường, gọi học sinh đến mở lớp học đầu tiên cho người Hà Nhì, thầy giáo Bôn còn dạy phụ nữ Hà Nhì cách mặc xuchiêng, báo cáo tổ chức vận động thanh - thiếu niên bỏ tục quần hôn, dùng tiền lương của mình mua chăn ấm cho học sinh đắp khi băng giá... Trường xã vùng ngã ba biên giới trở thành nơi đầu tiên của rẻo cao Việt Nam được xoá mù và phổ cập tiểu học và Nguyễn Văn Bôn trở thành anh hùng giáo dục đầu tiên của Việt Nam.
Bao văn nghệ sĩ, bao trí thức và nhiều bạn trẻ đã gắn bó, đã coi Mù Cả, Sín Thầu, ngã ba biên giới A Pa Chải là mái nhà thương yêu, là quê hương thứ hai của mình. Như bữa cơm đón tết Cô Nhẹ Chà trong mưa bay, trong bịt bùng mây núi, trong tiếng hát lý lơi ôm vòng xòe mờ ảo kia, người của bao miền đất, không ai bảo ai đều thượng sơn để tham dự. Chúng tôi ăn, trò chuyện rồi ngủ lại ở bất kỳ ngôi nhà Hà Nhì nào, không toan tính, không tị hiềm, không lo toan, người nào cũng là bạn, ngôi nhà nào dường như cũng là ngôi nhà của mình vậy.
Hôm nay cả bản vui lắm, bởi sau bữa tiệc là những cuộc leo núi tìm cột mốc ba cạnh của khách phương xa.