1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sửa giày, gom rác kiếm nhiều tiền hơn nghệ sỹ

Chuyện thật như đùa có thể bắt gặp không hiếm ở TPHCM: Ông thợ giày thu nhập cao hơn ca sĩ Thanh Thảo, bà gom rác vụn kiếm nhiều tiền hơn danh hài Minh “béo”, bác mài dao kéo kiếm sống dễ dàng hơn đứt nhiều trai tráng...

Sửa giày, kiếm “sơ” 80 triệu đồng/năm 

Lẽ ra bây giờ ông thợ giày Vũ Thành Nam (58 tuổi, sửa giày góc Lê Thánh Tôn- Phan Bội Châu, Q.1, TPHCM) đã là Việt kiều nếu 32 năm trước ông không rời trực thăng di tản ở lại quê hương vì mẹ già. 

Từ đó đến nay, hàng giày chưa đầy 2m2 kê tạm trên vỉa hè đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành là kế mưu sinh của viên cựu phi công này.

 

Trước những năm 90, dép còn khó lành lặn mà đi thì ông Nam sống khá chật vật, nhưng từ khi ông xe ôm cũng muốn đi giày thì thu nhập của ông còn cao hơn nhiều nhân viên văn phòng quần là áo lượt.

 

Do chữ tín làm đầu, sửa khá đẹp, tiền công vừa phải và tư vấn kiểu, cách giữ giày... nên ông Nam làm không hết việc dù luôn có một, hai chú thợ học việc, phụ giúp. Không kể dịp Tết, vừa sửa, đánh giày đủ kiểu hàng ngày ông Nam kiếm không dưới 200.000 đồng, vào những ngày đông khách, nhất là cận Tết có ngày ông thu về gần triệu bạc.

 

Nếu không gặp mưa gió, bị dẹp do lấn chiếm lòng lề đường thì hàng tháng ông Nam kiếm ít nhất 6 triệu đồng, một năm cũng “sơ sơ 70-80 triệu” và đủ để  nuôi mẹ, vợ và hai con ăn học đàng hoàng. So với thu nhập của ca sĩ Thanh Thảo kê khai năm 2006 vừa qua chỉ có hơn 66 triệu đồng thì thu nhập của ông thợ giày vỉa hè trên hơn hẳn.

 

Nhưng không riêng gì ông Nam mà nhiều đồng nghiệp quanh khu hàng sửa giày Lê Thánh Tôn ( Q.1), ai cũng “ sống khỏe” với mức thu nhập mà nhiều công ty lớn mới đủ sức trả cho nhân viên.

 

Mài dao rong thu 6-7 triệu đồng/tháng

 

Không ai nghĩ ông già mài dao Đặng Thành Nguyên tha thẩn quanh khu Thị Nghè (Bình Thạnh, TPHCM) hàng ngày đã bước sang tuổi 75. Chỉ với chiếc xe đạp cũ kỹ, chiếc máy mài hơn chục tuổi và bộ đồ nghề “bác sắm cái mới nhất từ năm 1996”, ông Nguyên không chỉ nuôi thân mà còn kiếm sống cho đứa con gái 36 tuổi mắc bệnh tâm thần.

 

Nhỏ bé, gầy guộc và chỉ đủ sức đi từ 7h sáng đến 12h trưa hàng ngày, cứ ra Giêng là ông nghỉ hẳn vì “họ mài trước Tết cả rồi” nhưng tháng “mưa gió tôi cũng kiếm được 3-4 triệu, tháng gần Tết có dư 6-7 triệu đồng”.

 

Tiền công chỉ 3.000-5000 đồng/con dao, kéo nhưng mài kỹ, cẩn thận và vui tính, hay chuyện nên hầu như nhà nào cũng đợi ông già đến mài dao, kéo. Ông tâm sự “Tôi không được phước nhờ con nên trời thương chẳng tháng nào cho dưới 3 triệu, đủ sống và nuôi con, để chút dưỡng già”.

 

Ngày “tôi sẽ bán căn nhà bên quận 4 rồi vào trại dưỡng lão khi không còn lê nổi chiếc xe đi mài dao” đang đến gần, tuy nhiên mài từng cái dao kiếm bạc lẻ mà thu về 3-5 triệu đồng hàng tháng thì đáng để cho nhiều thanh niên sức dài vai rộng suy gẫm và nhìn lại mình.

 

Ông Nguyên bảo “Chẳng cậu trẻ nào chịu theo nghề này đâu vì họ chê là mạt hạng, nhưng không có những nghề như tôi đang làm thì nhiều bạn chưa chắc có tiền ăn học thành tài”.

 

Nhặt rác, “dư” 20-30 triệu đồng/tháng

 

Sửa giày, gom rác kiếm nhiều tiền hơn nghệ sỹ  - 1

Bà Hoa thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng từ công việc gom rác.

 

Nếu nhìn cảnh bà Nguyễn Thị Hoa lam lũ và các con hàng ngày đi gom rác xung quanh khu cao ốc Saigon Trade Center (quận 1, TPHCM) thì ít ai dám tin hàng tháng gia đình bà thu về 20-30 triệu đồng tiền lãi từ rác.

 

Mười năm trước bà cũng chỉ là gánh đồng nát bình thường, nhưng từ khi cao ốc trên rồi hàng loạt toà nhà văn phòng, khách sạn Sofitel... đi vào hoạt động, bà Hoa nhận thầu rác từ các nơi này và dần dà ăn nên làm ra từ những đồ bỏ đi.

 

Chén bát đắt tiền chỉ một vết xước, thùng cạc- tông bỏ đi, hàng hoá dùng rồi... chẳng còn mấy tác dụng và xem như đồ bỏ đi với các nơi sang trọng trên nhưng “mua rẻ bán đắt”, bà Hoa trở nên giàu có nhờ rác thải loại này.

 

Lấy rác từ các cao ốc, khách sạn này phải trả vài chục triệu, thậm chí 40-50 triệu đồng như khách sạn Sofitel nhưng vẫn phải cạnh tranh với nhiều đầu nậu khác để “trúng thầu” mới biết thu nhập từ rác ở đây hấp dẫn cỡ nào.

 

Chiều chiều, rác “cao cấp” từ nguồn trên tụ tập về góc đường Chu Mạnh Trinh - Nguyễn Du (Q.1) rồi được phân loại, bán buôn tại chỗ và bà Hoa phải thuê thêm bốn, năm người giúp việc mới làm xuể.

 

Giờ đây không phải gánh nặng gom ve chai, đồng nát và ngồi một chỗ chỉ đạo “công ty rác” nhưng số tiền thu về hàng tháng bà Hoa có được không thua bất kỳ trưởng, phó phòng các công ty nước ngoài trong các cao ốc bà thu  nhặt, thầu rác.

 

Cẩn thận, giữ uy tín, ăn lời vừa phải, biết người biết ta... là những bí quyết giúp bà từ chỗ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trở thành người “làm chơi ăn thật” và thu nhập còn cao hơn nhiều nghệ sĩ nằm trong TOP 20 người kê khai thu nhập nhiều nhất.

 

Theo Hà Phan
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm