1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sự cố uy hiếp an toàn hàng không do con người gia tăng

(Dân trí) - Trong 6 sự cố uy hiếp an toàn bay mức cao (mức C) của ngành hàng không xảy ra trong 8 tháng đầu năm 2016, phần lớn nguyên nhân được xác định là do yếu tố con người.

Lỗi “giăng” trên trời

Sự cố mức C liên quan đến giảm áp suất buồng kín máy bay xảy ra với chuyến bay VN227, mang số hiệu VN-A887 của Vietnam Airlines, khi đang hành trình trên chặng Hà Nội - Hồ Chí Minh ngày 5/2/2016.

Nguyên nhân được điều tra cho thấy do tổ lái chuyến bay khi tiếp nhận máy bay đã không đánh giá đúng tình trạng hỏng hóc hiện tại của máy bay, vì vậy tổ lái đã thực hiện chuyến bay với hệ thống điều áp không hoạt động, dẫn đến cảnh báo giảm áp suất buồng kín.

Trưa 29/4, sự cố vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu xảy ra giữa 2 chuyến bay VJ 529 của Vietjet và VN 7177 của Vietnam Airlines, tại phân khu 3 Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài Hà Nội (ACC Hà Nội).

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập tổ điều tra xác định nguyên nhân. Theo đó, xác định do tổ lái chuyến bay VJ 529 đã canh nghe huấn lệnh kiểm soát không lưu không tốt nên đã thực hiện theo huấn lệnh được cấp cho chuyến bay VN7177, đồng thời kiểm soát không lưu điều hành không phát hiện sự nhầm lẫn của tổ lái VJ529.

Trước đó 1 ngày, sự cố mức C tương tự liên quan đến vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu giữa 2 chuyến bay VN227 và VJ345 tại Tân Sơn Nhất ngày 28/4. Cục Hàng không xác định nguyên nhân do kiểm soát không lưu trực tiếp điều hành đã hoạch định phương án điều hành bay không phù hợp, dẫn dắt chuyến bay VN227 làm mất phân cách ngang, khi phân cách cao giữa 2 máy bay không được đảm bảo.

Cũng liên quan đến vi phạm phân cách tối thiểu, sự cố xảy ra với 2 chuyến bay VJ505 của Vietjet và VN478 của Vietnam Airlines ngày 9/7 tại phân khu 3 ACC Hà Nội.

Tổ điều tra của Cục Hàng không Việt Nam đã làm việc với các bên liên quan đến sự cố, xác định nguyên nhân do tổ lái chuyến bay VJ505 nhận nhầm huấn lệnh giảm độ cao được cấp cho chuyến bay VJ515, đồng thời kiểm soát viên không lưu không phát hiện ra sự nhầm lẫn và khả năng phát hiện tình huống, kỹ năng xử lý chậm.

Sau sự cố này, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Vietjet và Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam huấn luyện lại đối với tổ lái và kíp trực không lưu, giảng bình phổ biến sự cố đến toàn thể nhân viên.

Liên tục va chạm dưới mặt đất!

Sự cố dưới mặt đất liên quan đến quá trình phục vụ chuyến bay VN257 của Vietnam Airlines, tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài ngày 4/7 uy hiếp an toàn bay ở mức C.

Cụ thể, trong khi đẩy máy bay ra khai thác, cửa số 1 bên trái đã va chạm với ống lồng gây hỏng hóc phần cửa hành khách và cấu trúc xung quanh. Máy bay đã phải dừng hoạt động cho đến ngày 22/7 để Vietnam Airlines và VAECO phối hợp với chuyên gia từ nhà sản xuất Boeing thực hiện đánh giá và khắc phục hỏng hóc.

Trong qúa trình phục vụ mặt đất gần đây xảy ra sự cố xe hàng đâm vào máy bay của Vietnam Airlines
Trong qúa trình phục vụ mặt đất gần đây xảy ra sự cố xe hàng đâm vào máy bay của Vietnam Airlines

Ngày 8/7, Cảng vụ Hàng không miền Bắc cùng với các bên liên quan đã họp bình giảng, rút kinh nghiệm, đề ra các phương án ngăn chặn các vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Tiếp đó, hôm 23/8, máy bay Airbus 321 của Vietnam Airlines từ TPHCM đi Vinh cũng bị va vào cột đèn ở sân bay Tân Sơn Nhất trước khi khởi hành, khiến thanh ngang ở phần đuôi của máy bay bị rách. Tới khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Vinh thì sự cố này mới được phát hiện.

Chỉ 2 ngày sau đó, cuyến bay 0V8803 của Vasco được khai thác bằng máy bay ATR72 đang đỗ tại sân bay Sơn Tân Nhất (TPHCM) để chuẩn bị khởi hành đi Phú Quốc thì bất ngờ bị xe chở hàng va quệt làm móp cửa trước và xước sơn.

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - nhấn mạnh: Trong 8 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 54 sự cố, tuy giảm so với năm trước nhưng yêu cầu của hàng không thì “xảy ra 1 tai nạn đã là quá nhiều”, một sự cố có thể chưa gây ra tai nạn nhưng có thể uy hiếp an toàn hàng không.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, các sự cố xảy ra do sai lỗi của con người có chiều hướng tăng, đây là nguy cơ tiềm ẩn lớn. Trong 8 tháng qua không xảy ra sự cố nghiêm trọng, sự cố mức cao giảm nhưng toàn bộ 6 sự cố uy hiếp an toàn mức cao đều do lỗi của con người. Từ phi công, kiểm soát viên không lưu,thợ bảo dưỡng đều mắc lỗi.

“Hỏng cửa máy bay là do con người và hoạt động tổ chức kéo dắt... Phạt thì vẫn phạt nhưng lỗi hệ thống tổ chức công việc, quy trình công việc là nghiêm trọng. Như vụ máy bay bị rách thanh ngang ở phần đuôi, nếu phát hiện ngay thì máy bay không được phép cất cánh, nhưng ở đây lại không ai phát hiện ra sự cố nên vẫn cho cất cánh, rất may mắn là máy bay vẫn hạ cánh an toàn” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay.

Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cũng cho biết, trong tháng 9 này, Cục sẽ làm việc với Vietjet vì phi công của hãng này có nhiều vi phạm. Cùng đó, Cục Hàng không sẽ làm việc với Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam về những vấn đề liên quan đến kiểm soát viên không lưu.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm