Sống ở nơi đốt nước giếng cũng… cháy
(Dân trí) - Mùa nắng hạn, chỉ cần đào khoảng 3m ở những nơi nhiễm xăng dầu nặng là có thể thấy xăng dầu chảy loang dày; bật lửa đốt là những nơi ấy lập tức bốc cháy. Có nhà, nước giếng múc lên cũng có thể đốt cháy được…
Hơn bốn mươi năm trước, kho xăng dầu quân đội đặt tại Thu Thừ Kim Nại (An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) bị bom Mỹ đánh phá và bốc cháy; một lượng xăng dầu lớn tràn ra ngoài, ngấm sâu vào lòng đất, “hành hạ” người dân cho đến tận bây giờ.
Hậu quả chiến tranh từ hơn 40 năm trước
Vào các năm 1968, 1969, 1971, kho xăng K6 của binh trạm 16 thuộc Binh đoàn 559 đóng tại khu vực đồi Phúc Tây, Trọt Muồng (nằm trong địa phận hai thôn Thù Thừ và Kim Nại) liên tục bị máy bay Mỹ đánh bom bốc cháy. Hàng chục téc xăng, dầu phát nổ; nhiều đường ống dẫn bị trúng bom; hàng trăm ngàn lít xăng dầu chảy tràn ra ngoài, thấm sâu vào đất, “ăn” vào các mạch nước ngầm tại đây.
Người dân Thù Thừ, Kim Nại vẫn còn nhắc mãi những trận cháy nổ kinh hoàng đó, khói nghi ngút khét lẹt khắp làng. Sau đó không lâu, nước trong các giếng đào của nhiều nhà vốn trong vắt bắt đầu nổi váng xăng dầu, mỗi ngày một đậm đặc hơn.
“Mùa nắng hạn, đất ở những nơi bị nhiễm xăng dầu nặng, chỉ cần đào sâu xuống khoảng 3 mét là có thể thấy xăng dầu chảy loang dày. Bật lửa đốt là những nơi ấy lập tức bốc cháy. Có nhà, nước giếng múc lên cũng có thể đốt cháy được” - ông Nguyễn Công Thường (75 tuổi), cựu trưởng thôn Thu Thừ, kể.
Biết nguồn nước bị nhiễm xăng nhưng người dân vẫn phải dùng để sinh hoạt, ăn uống từ đó đến nay. Nhà bà Hồ Thị Diến đào gần chục cái giếng nhưng cứ đào lên rồi phải lấp xuống bởi nước bị nhiễm xăng rất nặng, không thể dùng được. Trong mỗi nhà của người dân ở Thu Thừ, Kim Nại, nhà nào cũng phải xây một hệ thống bể lọc cẩn thận. Nước bơm lên được lọc qua nhiều lớp như cát, sỏi, than đá… song vẫn nổi váng.
Mấy chục năm chịu không thấu, các gia đình đành chia nhau đi sang các vùng lân cận xin nước. Mỗi lần đạp xe chở được vài can, không đủ dùng, thế nên nguồn nước chính vẫn là thứ nước nhiễm xăng, dầu này.
Cuộc sống bị “đốt cháy”
Nước giếng cũng có thể bốc cháy, cuộc sống của người dân nơi đây cũng bị “đốt” theo. Xăng dầu còn tồn tại trong nước đã thấm nhiễm vào áo quần, ngấm vào da thịt của rất nhiều người dân nơi đây. Mùa nắng hạn, mùi xăng dầu xộc thẳng lên mũi, bủa vây khắp mọi nẻo đường ngõ xóm. Người dân cũng lo sợ cho nguy cơ cháy nổ. Song mối lo nhất chính là bệnh tật.
Mấy chục năm qua, ở Thu Thừ và Kim Nại, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tăng cao hơn bất kỳ làng quê nào quanh đó. Mỗi năm có hàng chục người bị mắc bệnh ung thư qua đời. Không chỉ vậy, các loại bệnh như thận, gan, mật, bệnh tâm thần... cũng nhiều bất thường.
Nhiều thế hệ trẻ con sinh ra và lớn lên ở đây, hít thở không khí xăng dầu, ăn uống bằng nước xăng dầu, nên cũng mang nhiều bệnh hơn trẻ ở vùng khác. Nhiều người có điều kiện đã chuyển đi nơi khác sinh sống.
Ông Hồ Công Phù đã 70 tuổi nhưng ngày nào cũng phải đi sang vùng khác chở nước về ăn uống
Có lẽ không có nơi nào, người dân thèm một thứ nước không mùi như ở Thu Thừ, Kim Nại. Nói về vấn đề này, ông Hồ Miến, Chủ tịch xã An Ninh, thở dài: “Làng nhiễm xăng, mùi xăng bốc lên khắp làng mấy chục năm rồi. Biết vậy nhưng chúng tôi cũng đành bất lực thôi. Tổ chức di cư cho dân, làm đơn lên cấp trên xin nước sạch nhưng các biện pháp ấy đều không hiệu quả. Chỉ hy vọng dự án cấp nước sạch cho 5 xã vùng Nam Quảng Ninh sẽ nhanh chóng triển khai cho dân bớt khổ”.
Văn Được