1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Sống mòn trong khu “ổ chuột” giữa lòng thành phố

(Dân trí) - Tọa lạc ngay giữa lòng thành phố, thế nhưng hàng chục năm qua, người dân ở khu phố Tiền Phong, phường Nam Ngạn - TP. Thanh Hóa, phải sống trong cảnh nhà cửa dột nát, chật hẹp, thiếu thốn trăm bề…

Khu phố Tiền Phong hàng chục năm nay sống sát bờ đê sông Mã. Họ đa phần là người dân làng vạn chài thuộc các hợp tác xã vận tải đường sông chuyên vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến.

Từ năm 1959, trên bước đường vận tải, họ về đây cắm lều tạm, dần dần xây dựng nhà cửa, định cư lâu dài. Những ngôi nhà được xây dựng từ hàng chục năm đã xuống cấp nhưng không thể cơi nới, làm mới do nằm trong diện di dời tái định cư.  

Nơm nớp lo sợ

Mẹ liệt sỹ Trần Thị Minh, năm nay đã ngoài 90 tuổi, gia đình cụ là một trong những hộ đến nơi này đầu tiên. Hàng chục năm qua, cụ Minh không còn nhớ đã bao nhiêu lần gia đình phải sơ tán, chạy lụt mỗi khi mùa mưa lũ về. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, cụ chỉ ước mình được nhắm mắt trong ngôi nhà kiên cố, các con, cháu, chắt không còn cảnh quanh năm chạy lũ.

4 (1).jpg

Con đường nhỏ hẹp đi vào khu phố Tiền Phong.

Nhà cụ Minh nằm ở cuối tổ dân cư Tiền Phong. Phía sau bức tường hậu ngôi nhà là sông Mã. Dòng sông đã ngoạm sát chân tường, những trận gió Bắc đầu mùa gió thổi vào ớn lạnh.

 “Năm nào cũng như năm nào, nước vào ngập hết các gian nhà. Các con của cụ phải làm gác lửng để chuyển đồ lên trên. Có những đêm 3 - 4 giờ sáng cả nhà phải dậy chuyển đồ. Cảm giác như nước lũ cuốn cả căn nhà đi luôn. Hết lũ, nước rút, bùn đất đến gần 1m” – Cụ Minh tâm sự.

Căn nhà cụ Minh chừng 50-60m2, nhưng có tới 5 gia đình với 16 nhân khẩu cùng sinh sống. Cả con trai, con gái của cụ chia nhau mỗi hộ một gian phòng chừng 10 - 12m2. Cụ Minh có 10 người con thì một người hy sinh trong chiến trường, 3 người đã chết. Những người con còn lại đều không được học hành đến nơi đến chốn, mưu sinh bằng nghề bán bánh mỳ, vé số, phụ hồ…

 Do không đủ diện tích, các con của cụ chung nhau nhà bếp, nhà vệ sinh; nếu nhà này nấu thì nhà kia phải chờ hoặc sử dụng bình ga mini nấu nướng; nước sinh hoạt thì đều đặn vào những khu dân cư có nước máy để mua hoặc xin.

Năm nay đã 74 tuổi, nhưng ông Đoàn Văn Phúc vẫn có cảm giác như mình chưa bao giờ được sống trong ngôi nhà của chính mình. Ông mua lại ngôi nhà này vốn là nhà kho HTX từ năm 1991. Kể từ đó đến nay ông chỉ một lần tôn nền cao lên thêm 40cm. Nền tôn cao, mái giữ nguyên khiến ngôi nhà chẳng khác gì một tổ chim, người đi trong nhà như muốn va vào mái ngói.

Trong khi đó, đê ven sông Mã đã bao lần nâng cấp khiến mái ngói ngôi nhà của vợ chồng ông giờ đây ngang với mái đê. Do nằm sát ngoài mái đê sông Mã, năm nào nước lũ cũng ngập gần hết ngôi nhà. Thế mà căn nhà có tổng diện tích chưa đến 80m2 ấy lại là nơi trú ngụ của 7 gia đình với gần 22 nhân khẩu.

3.jpg

Những căn nhà lụp xụp như thế này là nơi trú ngụ của nhiều gia đình với hơn chục nhân khẩu.

Nhà ở phía sau đã khổ thì những ngôi nhà ở mặt mặt đê cũng chẳng khá hơn là bao nhiêu.Sau bao nhiêu lần đê ven sông Mã nâng cấp khiến mái đê giờ đây ngang với mái nhà của hàng chục gia đình.Những con đường xuống nhà dân giờ đây phải xây thêm hàng chục bậc thang lớn nhỏ chẳng khác nào đường xuống mê cung.

 “Không biết chúng tôi đã bao lần chạy lũ nữa. Mỗi năm vài lần cả gia đình lên đê cắm bạt sống chờ nước rút mới về nhà. Nếu nhà nước quan tâm thì cho chúng tôi xây dựng, cơi nới còn không thì tái định cư cho chúng tôi đến một nơi ở mới để nhân dân chúng tôi yên tâm làm ăn, sản xuất” - Bà Phạm Thị Thanh, khu phố Tiền Phong bức xúc cho biết.

Tính đến nay, toàn khu phố Tiền Phong có khoảng hơn 200 hộ sống trong những ngôi nhà tạm bợ, lụp xụp. Nhiều ngôi nhà đã hư hỏng nặng, con cái lấy vợ, gả chồng muốn tách hộ để xây dựng nhà mới cũng không được vì nằm trong vùng dự án cần phải di dời, tái định cư. Nhiều hộ dân muốn bỏ bán nhà hoặc mua đất ở nơi khác là điều không thể vì có bán cũng chẳng ai mua, mà muốn mua đất ở nơi ở khác cũng không có tiền.

resize_images5490101_Screenshot_6.jpg

Dù nhà cửa xuống cấp cả chục năm, người dân vẫn không được tu sửa.

Không những thiếu thốn, khổ sở về nhà ở mà hàng trăm hộ dân khu phố Tiền Phong ở đây cũng chung cảnh chưa có nước sạch để sinh hoạt, mà chủ yếu người dân dùng nước giếng khoan và nước sông, điện lưới cũng không đủ nhu cầu sử dụng của người dân.

Chưa thấy tỉnh có hồi âm!

Được biết, từ năm 2008 đến nay, cấp có thẩm quyền đã phê duyệt 3 dự án liên quan đến khu phố Tiền Phong gồm: dự án di dân để phòng tránh thiên tai, dự án tiêu úng Đông Sơn và dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu Sông Mã TP. Thanh Hóa. Tuy nhiên, cho đến nay, các hộ dân thuộc diện di rời vẫn chưa được bố trí tái định cư để ổn định đời sống và sản xuất.

Liên quan đến việc này, mới đây UBND TP.Thanh Hóa đã tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp với các hộ dân phố Tiền Phong. Tại hội nghị, các hộ dân đã phản ánh thực tế cuộc sống với nhiều khó khăn, vất vả. Lãnh đạo thành phố đã ghi nhận ý kiến của người dân và cam kết: sẽ sớm hoàn chỉnh phương án di dời người dân đến mặt bằng tái định cư. Tuy nhiên, vẫn chưa có một phương án cụ thể, rõ ràng nào được đưa ra.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch UBND phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa xác nhận sự việc trên và cho biết: “Khu phố Tiền Phong nằm ở ngoại đê cấp I, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề tự do và sông nước. Nhà cửa của nhân dân chủ yếu là nhà cấp 4, không kiên cố, không có nước sạch để sinh hoạt, đường giao thông, cơ sở hạ tầng kém, mỗi khi mưa gió, lũ lụt gặp rất nhiều khó khăn.

Do phố Tiền Phong nằm trong vùng quy hoạch, địa phương và UBND TP Thanh Hóa đã nhiều lần báo cáo lên UBND tỉnh Thanh Hóa xin được di chuyển hơn 200 hộ dân này đến nơi ở mới, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Quỹ đất tái định cư ở địa phương đã có, nhưng nguồn vốn để thực hiện dự án thì phải chờ vào Nhà nước…”.

Bình Minh