Nghệ An:
Sông Lam "khát" hến
(Dân trí) - Ngày trước hến ở sông Lam người dân bắt hoài không hết, nhưng nay những người làm nghề này cứ phải "đỏ mắt" tìm hến. Những con hến đã đi đâu?
Đỏ mắt tìm… hến
Cách đây vài năm, khi chạy dọc theo đường đê sông Lam địa phận huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An mọi người rất dễ bắt gặp hình ảnh “chồng nhủi vợ nhặt” trong ghe đầy ắp hến. Dân nhủi hến khi ấy được mùa bội thu. Nhưng đó là chuyện của trước đây, còn bây giờ người nhủi hến chỉ còn biết đỏ mắt tìm vì “khát hến”. Nhiều người làm nghề này lâu năm nay cũng phải tìm nghề khác mưu sinh.
Bên chợ nhỏ nằm sát đường đê của xã Hùng Tiến xưa nay người ta vẫn gọi là “xóm hến” bởi hơn 100 hộ dân thì có tới 70 hộ sống nhờ nghề nhủi hến. Nhưng nay khi con hến cạn dần chỉ còn lại 5-7 hộ còn sống chết với nghề. Gia đình chị Thảo có 6 người, trước cũng có đến 4 người làm nghề nhủi hến, nhưng giờ chỉ còn lại một mình chị trung thành với nghề này. Hến chẳng còn là nguồn thu nhập chính của gia đình, nay họ đành chuyển qua nghề mới may ra mới đủ tiền nuôi con ăn học.
Giữa cái nắng như đổ lửa của một ngày đầu tháng 7, dưới chân cầu bara thị trấn Nam Đàn, những tay nhủi đang cặm cụi cần mẫn nhặt từng con hến vào xô. Chị Hoàng Thị Yến chia sẻ: “Chị em tôi đi từ 6 giờ sáng tới 3 giờ chiều mà chỉ được chừng này thôi. Hến giờ cạn lắm rồi. Hôm nay thế là nhiều còn có hôm 2 người cũng chỉ bắt được chừng vài ba ký. Chỉ mới năm ngoái thôi ngày nào chị em tôi cũng thu về dăm bảy yến hến. Thấy mà buồn.
Sông Lam xưa nay vẫn nổi tiếng là dòng sông của hến, bởi hến ở sông nhiều vô kể. Chúng tôi sinh ra bên bờ sông, từ nhỏ đã theo cha ra đồng nhủi hến, ngày nắng ngày mưa đều nếm trải đủ, chẳng dễ dàng gì khi từ bỏ nó đâu. Nhưng giờ hến cạn rồi, cứ cố bám vào nghề này chắc chẳng sống nổi”.
Bác Lê Hoàn - người nhiều năm trong nghề cào hến - lắc đầu: “Nói tới hến chỉ thêm xót lòng thôi. Nhủi hến vất vả đã đành lại gặp thêm nhiều hôm mưa to gió lớn nữa, trước hến nhiều người dân đổ xô đi bắt, vui chi lạ. Lúc nhủi được nhiều còn mừng, có hôm cả ngày chỉ được vài ký tính ra chưa được 10 ngàn đồng, lại sinh ra chán nản”.
Con hến - loài thủy sản đặc biệt của dòng sông Lam trước đây đã nuôi biết bao người con nơi đây ăn học thành tài. Nay hến cạn dần khiến cuộc sống của người dân xóm hến càng khó khăn...
Hến đi đâu?
Không phải tự nhiên mà sông Lam cạn hến, nhiều người vẫn thắc mắc về điều đó. Khi được hỏi về nguyên nhân khiến hến trên dòng Lam ngày càng ít đi, nhiều người dân cho rằng xưa nay cứ thấy hến là bắt chẳng phân biệt to nhỏ dẫn đến chúng không sinh sản kịp.
Ông Nguyễn Văn Nam nói: “Con cứ ra chợ Gành đó thì biết, hến to hến nhỏ đủ loại. Hến chưa kịp lớn người ta đã bắt hết rồi thì hỏi sao nó không cạn được. Hến trên dòng Lam rồi chẳng mấy chốc mà cạn”.
Đó chỉ là một trong số vô vàn các nguyên nhân khiến “vựa” hến trên dòng sông Lam ngày đang cạn dần. Dọc theo sông Lam, hằng ngày người ta đặt hai cái máy hút cát sạn to sụ, có lẽ đây mới là nguyên nhân chính khiến hến “chết dần”.
“Hến sống nhờ lớp bùn non dưới lòng sông, trước đây khi chưa đặt máy hút cát sạn hến còn có chỗ mà sống chứ giờ đây nó biết sống đâu. Hến cứ thế mất dần là phải. Người ta chỉ quan tâm tới cát chứ mấy ai quan tâm tới hến, tới những người nhờ nghề nhủi hến mà sống. Rồi chẳng mấy chốc sông Lam lặng hến, lặng cả những người nhủi hến. Nghĩ tới mà buồn”, ông Nam chia sẻ.
Không chỉ có thế, những chiếc máy hút cát trong quá trình vận hành tạo ra những chỗ lồi lõm, những hố sâu dưới lòng sông đã khiến sinh mạng những người nhủi hến như “đèn treo trước gió”. “Chẳng nói đâu xa hôm trước ở xóm hến vừa có người chết khi đang nhủi hến vì bị máy hút vào. Ngày trước những đứa trẻ vẫn thường theo mẹ cha ra sông mỗi khi rảnh rỗi, vậy mà nay chúng chỉ biết đứng trên bờ đê nhìn xuống”, ông Nam nói thêm.
Chiều chiều bên bờ sông Lam vẫn bắt gặp hình ảnh người dân lặng lẽ nhìn theo những xe ô tô chở cát và chở luôn những con hến của họ đi xa nằm lẫn lộn trong đó. Người dân chỉ còn biết lắc đầu khi nhớ về mùa hến những năm trước. “Hến cạn rồi, phải tìm nghề khác mà sống thôi. Cát sạn lấy hết hến mất rồi. Hôm nay còn may mắn kiếm được dăm, bảy ký chứ mai kia muốn tìm một bữa ăn từ hến sông Lam cũng khó rồi”.
Hồng Thắm