Thừa Thiên - Huế:
Sôi động hội đua thuyền trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á
(Dân trí) - Cứ đến dịp Lễ Quốc khánh 2/9, nhân dân xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, TT-Huế) lại tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống rất sôi nổi trên Phá Tam Giang - Cầu Hai như một nét văn hoá độc đáo từ bao đời nay của con người sống trên vùng sông nước.
Xã Vinh Hiền nằm trên khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thông với biển qua cửa biển Tư Dung (hay có tên khác là Tư Hiền), nơi có sự tích Công chúa Huyền Trân, con vua Trần Nhân Tông trước khi xuất giá sang làm vợ vua Chiêm Thành đã ghé lên đây bái vọng tổ tiên, cáo biệt Tổ quốc. Từ đó, cửa có tên Tư Dung, cái tên xuất hiện do nhân dân có lòng thương nhớ dung nhan của Huyền Trân công chúa mà thành.
Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai của tỉnh Thừa Thiên – Huế với diện tích mặt nước 21.600ha với 230 loài cá, 63 loài động vật đáy, 43 loài rong, 70 loại chim, 15 loại cò biển, 171 loài phù du thực vật, 34 loài chim di cư và 36 loại chim bản địa; chim nước là đầm phá lớn nhất và phong phú nhất về tài nguyên động, thực vật ở Đông Nam Á.
Sống trên sông nước nên phần lớn người dân Vinh Hiền sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản với phương châm bám biển, bám bờ. Lễ hội đua thuyền hằng năm gắn với lễ hội cầu ngư, là dịp cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, dân khang vật thịnh, dân làng no ấm, mùa màng bội thu, khoang cá đầy thuyền trong mỗi chuyến đi biển.
Đua thuyền với đường chạy tầm 700 mét diễn ra trên đầm phá, đường đua được chia làm ba vè (sáu tráo). Trước khi xuất phát và sau khi về đích, mỗi thuyền đua đều phải lộn vè được đặt gần điểm xuất phát tầm 30 mét tạo nên sự đối lập giữa không khí căng thẳng bởi sự nín thở lộn vè của thuyền đua và sự cổ vũ sôi động, cuồng nhiệt của bà con nhân dân.
Đến với lễ hội đua thuyền truyền thống xã Vinh Hiền mới thấy được cuộc sống trên vùng sông nước và sự cuồng nhiệt của bà con nơi đây. Mỗi gia đình là một thuyền đậu dọc hai bên đường đua san sát nhau; một số hộ đem theo hàng tạp hoá như bánh kẹo, thức ăn, nước uống phục vụ cho nhu cầu của bà con nhân dân, tạo nên khung cảnh giống chợ nổi vùng sông nước miền Tây.
Hội đua thuyền đã trở thành nét đẹp văn hoá, thể thao truyền thống từ ngàn đời xưa đối với nhân dân trên sinh sống trên vùng sông nước rất đáng trân trọng, giữ gìn và phát triển.
Khi 3 hồi trống cất lên, các ghe bắt đầu xuất phát
Lộn vè xuất phát (vòng qua sào tre cắm giữa đường đua), đòi hỏi phải khéo léo để không va chạm
Lộn vè về đích
Các thuyền cổ vũ
Bao bố được sử dụng làm cờ cổ vũ
Bia và nước trên các ghe nổi phục vụ cho ai có nhu cầu. Khung cảnh như chợ nổi miền Tây
Cup đã sẵn sàng cho các đội.
Tiến Vinh - Đại Dương