Sóc Trăng công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông

Cao Xuân Lương

(Dân trí) - UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Kế Sách.

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Kế Sách. Cụ thể, bờ sông Rạch Phụng An, từ UBND xã An Mỹ - Cầu Sập có đoạn sạt lở dài hơn 200m...

UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở và tình hình khắc phục khẩn cấp sạt lở để theo dõi, chỉ đạo xử lý kịp thời.

Ngoài ra, UBND huyện Kế Sách có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở bờ sông để cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm.

Vận động nhân dân di dời đến nơi ở khác đối với các nhà có nguy cơ sập, lún; đối với các nhà liền kề thì khẩn trương di dời vật dụng, không để người già và trẻ em ngủ lại vào ban đêm.

Tỉnh Sóc Trăng yêu cầu đơn vị liên quan hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Sóc Trăng công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông - 1

Tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2021, tại huyện Kế Sách đã xảy ra một vụ sạt lở bờ sông tại ấp Phụng An (xã An Mỹ). Đoạn sạt lở có chiều dài trên 40m, ăn sâu vào đất liền khoảng 10m, ảnh hưởng trực tiếp đến đoạn đê sông kết hợp với lộ giao thông nông thôn.

Ông Lê Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết, tình hình sạt lở bờ sông, bờ kênh, đường giao thông, nhà cửa trên địa bàn huyện thời gian gần đây xảy ra ngày càng nhiều, nhất là khi có tác động mạnh của bão lũ, triều cường. Sạt lở gây hư hỏng các công trình kết cấu hạ tầng, các khu vực nhà sàn ở cặp bờ sông, làm mất đất, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm bờ kênh trên địa bàn sạt lở chiều dài 2km, sạt sâu vào lộ bê tông, vườn cây ăn trái từ 3-10m, diện tích đất bị sạt khoảng 1 ha/năm. Riêng từ đầu năm đến nay, đã có 13 đoạn sạt lở bờ bao, lộ giao thông nông thôn, tổng chiều dài 525m; 15 đoạn sạt lở đê cồn, tổng chiều dài 714m, ước tổng thiệt hại trên 7 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm