Số phận trung tâm triển lãm 800 tỷ đồng "đắp chiếu" hơn 7 năm ở TPHCM
(Dân trí) - Tổ giám sát công tác đầu tư công của HĐND TPHCM thắc mắc về dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM có tỷ lệ giải ngân bằng 0.
Sáng 9/5, HĐND TPHCM tổ chức buổi họp giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban Dân dụng và Công nghiệp).
Tại buổi giám sát, nhiều dự án của Ban Dân dụng và Công nghiệp được HĐND TP và các sở, ban, ngành đặt vấn đề làm rõ trách nhiệm về tiến độ, vướng mắc và hướng giải quyết, phần lớn là các dự án bệnh viện, cơ sở thể dục thể thao, trường học và nhấn mạnh vào công trình Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM ở khu đô thị Thủ Thiêm.
Công trình này có tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, trước đây do Ban Quản lý xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) TPHCM làm chủ đầu tư, khởi công vào quý I năm 2013, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, được dời tiến độ sang năm 2016, đến nay vẫn là một khối bê tông.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ bày tỏ xót xa vì sự lãng phí thời gian, tiền bạc và sự kỳ vọng của người dân đối với công trình này. Bà Lệ đề nghị Ban Dân dụng và Công nghiệp và các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân chậm trễ và phương án giải quyết.
Theo kế hoạch, dự án Trung tâm triển lãm được bố trí 250 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay giải ngân bằng 0. Hiện khối lượng công trình đã đạt 45%, trong đó đã chi 85 tỷ đồng cho nhà thầu. Dự án bị chậm tiến độ nay đã phát sinh chi phí hơn 60 tỷ đồng.
"Còn 55%, nếu tiếp tục thực hiện sẽ là thử thách lớn, làm sao để dự án được làm nối tiếp mà tránh thất thu ngân sách?", ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đặt câu hỏi liệu có hoàn thành kịp trong giai đoạn 2021-2025.
Lý giải nguyên nhân trễ tiến độ, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Ban Dân dụng và Công nghiệp cho biết, quá trình xây dựng Trung tâm triển lãm vướng gói thầu số 6 là gói thầu chính (hạng mục nhôm kính) trị giá 107 tỷ đồng, do nhà thầu không hợp tác với chủ đầu tư.
Trước đây chủ đầu tư cũ đã tạm ứng 42 tỷ đồng cho nhà thầu trên. Từ khi Ban Dân dụng và Công nghiệp tiếp quản vào năm 2022, đã mời các nhà thầu lên ký phụ lục hợp đồng để khởi động dự án. Nhưng riêng nhà thầu gói nhôm kính không đồng ý, yêu cầu giải quyết xong các nội dung hạng mục cũ rồi mới ký tiếp.
Dự án chậm tiến độ 7 năm, chưa thể sinh lời trên "đất vàng" Thủ Thiêm mà đã lãng phí vài chục tỷ đồng, đoàn giám sát đặt vấn đề có nên tiếp tục thực hiện công trình?
"Trong chuyến viếng đình thần An Khánh ngay cạnh đó, tôi nhận được ý kiến của người dân là đề xuất nghiên cứu lại công trình này. Về không gian thì đắc địa, nhưng liệu tên gọi và công năng của công trình có còn phù hợp không hay nên chuyển đổi chức năng phục vụ nhu cầu khác của thành phố?", Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nói.
Phản hồi về phân vân của bà Lệ, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng, công trình vẫn nên được giữ lại vì giá trị quan trọng đối với thiết chế văn hóa của thành phố trong việc phục vụ trưng bày, triển lãm quy hoạch kiến trúc của TP, tổ chức sự kiện chuyên ngành, nơi giao lưu của giới chuyên môn, người dân và du khách.
Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM có quy mô 5 tầng nổi, 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng 18.100m2, cao hơn 31m.
Đây là một trong số 38 dự án trọng điểm được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đưa vào danh sách kiểm tra, đôn đốc bởi các tổ giám sát đầu tư công.
Cũng trong buổi họp, Ban Dân dụng và Công nghiệp báo cáo với tổ giám sát HĐND TP, giai đoạn 2021-2025, đơn vị có nhiệm vụ quản lý 69 dự án với tổng vốn đầu tư trung hạn hơn 12.700 tỷ đồng.
Riêng năm 2023, Ban Dân dụng và Công nghiệp được giao 23 dự án với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng cho các công trình thuộc lĩnh vực y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục đào tạo, lao động - thương binh và xã hội, các dự án nâng cấp đô thị…
Phó Giám đốc Ban Dân dụng và Công nghiệp Nguyễn Văn Trường báo cáo với đoàn giám sát về kế hoạch đầu tư công của ban: Năm 2021 ban đạt tỷ lệ giải ngân 97%, năm 2022 đạt 95%. Trên cơ sở rà soát, đánh giá tiến độ và khối lượng thực hiện của từng dự án, ban đề xuất kế hoạch đầu tư công đến cuối năm 2023 là 95%.
Hiện tính 4 tháng đầu năm, đơn vị này mới đạt 6,2%. "Ban phấn đấu đến 30/6 sẽ đạt 35% tỷ lệ giải ngân", Phó giám đốc Ban Dân dụng và Công nghiệp nêu mục tiêu.
Phía HĐND TP đánh giá Ban Dân dụng và Công nghiệp được giao lượng đầu tư công lớn và số vốn được bố trí khá cao. Báo cáo 2 năm qua đạt tỷ lệ giải ngân ở mức cao, tuy nhiên nhìn vào đầu năm nay thì còn tương đối chậm.
Theo kế hoạch giám sát của HĐND TPHCM, trong 6 tháng đầu năm sẽ theo dõi công tác đầu tư công các công trình dân dụng, còn 6 tháng cuối năm dành cho các công trình nhà ở trên địa bàn thành phố.