1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hoá:

Số phận những chiếc quan tài treo trên núi đá

(Dân trí) - Một thời, chuyện về những chiếc quan tài treo trên vách núi ở huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hoá) từng gây xôn xao dư luận. Nhưng đã 5 năm trôi qua, điều bí ẩn về những chiếc quan tài ấy dường như bị lãng quên.

Những phỏng đoán

Để có thể tận mắt chứng kiến những chiếc quan tài cổ, chúng tôi đã vượt quãng đường hơn 150 km từ thành phố Thanh Hoá lên bản Bôn, xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá), nơi cách đây gần 5 năm, ông Hà Văn Ang ở bản Bôn trong một lần đi làm rẫy đã phát hiện ra những quan tài treo trên vách đá.

 Ngọn núi Pha Quen nơi phát hiện những c
 Ngọn núi Pha Quen nơi phát hiện những c quan tài treo trên núi.

Hang nằm trên một ngọn núi cao sừng sững, phía trong không rộng lắm, sâu hun hút, trước cửa hang có tới hơn chục chiếc quan tài được làm từ nguyên một cây gỗ to, với các kích cỡ khác nhau, loại lớn nhất có bán kính 50cm, nhỏ hơn thì 40cm, dài khoảng 2 - 2,5m. Ở phần đầu thân gỗ được đục rộng hơn so với phần thân và cả 2 đầu đều có hai chốt để định vị. Cách hang lớn này không xa có một số hang nhỏ rải rác trên vách núi cũng có những chiếc quan tài độc đáo này. Tuy nhiên theo cán bộ văn hóa xã thì chưa ai dám vào sâu trong hang mà chỉ đứng ngoài, vì hang bé, tối và sợ thần linh nổi giận.

Những chiếc quan tài này được làm chủ yếu bằng gỗ gụ, dổi, nghiến... Tuổi thọ của chúng chưa được xác định. Điều lạ hơn, đây toàn là những chiếc quan tài rỗng, đã được mở nắp, bên trong hoàn toàn không có xương cốt. Cách hang lớn không xa có một hang nhỏ, sâu, trước cửa hang có rất nhiều những mảnh sành, sứ đã vỡ vụn và có vài chiếc xương người...

Không chỉ có ở núi Pha Quen mới phát hiện ra những cỗ quan tài kỳ bí này, mà ở bản Muỗng, xã Trung Xuân, người bản địa cũng đã phát hiện trên núi Pha Dờn, cạnh sông Lò có gần 30 chiếc; bản Sủa, xã Sơn Điện có 3 chiếc… Hầu hết chúng đều có hình dạng giống nhau và bên trong đều rỗng không. Nguồn gốc xuất xứ của những chiếc quan tài này đến nay không ai biết rõ, tất cả những gì liên quan đều chỉ phỏng đoán.

 Những chiếc quan tài treo chi chít trước hang Pha Quen.
 Những chiếc quan tài treo chi chít trước hang Pha Quen.

Ông Lữ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trung Thượng, cho biết: “Những thân cây treo trên núi đã được đục đẽo cẩn thận và có hình thù giống hệt những chiếc hòm an táng người chết của dân tộc Thái chúng tôi, thế nhưng từ xưa đến nay người Thái chúng tôi không chôn người chết theo cách lạ đến vậy mà khi người chết thường chôn trên nương rẫy ở những chỗ nào có đất, hình thức đó là địa táng. Những cỗ quan tài này nay tôi cũng mới được biết đến”.

Còn theo ông Hà Văn Ang, người phát hiện ra những chiếc quan tài này, nói: “Ngày nhỏ, tôi có nghe các cụ thân sinh kể lại rằng trước đây vùng đất này gọi là Mường Chự, tổng Cổ Nam, mường Ca Da của người Thái xưa và có rất nhiều các dân tộc anh em sinh sống. Trong đó có một tộc người cao lớn, người dân gọi là người Giới, họ làm gốm rất giỏi và thường làm nương rẫy trên các ngọn núi cao. Nhưng trong những năm tháng loạn lạc, không biết người Giới này bị chết hay chuyển đi đâu không rõ. Có thể họ là chủ nhân của những cỗ quan tài treo trên núi kia”.

Lại có một giả thiết cho rằng, đây là những cỗ quan tài dùng để an táng vua chúa và cận thần không may đi vi hành gặp nạn. “Do đất Quan Sơn toàn núi đá chạy quanh sông Luồng, sông Lò nên khi vua vi hành qua đây đã giao nhiệm vụ cho người Thái phải làm sẵn những chiếc quan tài rồi gác lên vách núi, đây là nhiệm vụ của người Thái chúng tôi phải làm, để vua quan không may gặp nạn có sẵn hòm đề chôn cất” - một cụ cao niên trong bản Bôn kể lại.

Bí ẩn bao giờ mới có lời giải?

Việc người dân ở huyện vùng cao Quan Sơn, Thanh Hoá phát hiện ra những chiếc quan tài cổ treo trên vách núi có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gây sự chú ý, tò mò trong dư luận, giới khoa học, nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng. Cho đến nay vẫn chưa ai có thể lý giải được ai là chủ nhân của những bộ quan tài này và làm cách nào họ lại có thể đưa những chiếc quan tài lên những hang núi cao đến vậy.

Rất nhiều chiếc đang còn nguyên vẹn theo thời gian.
Rất nhiều chiếc đang còn nguyên vẹn theo thời gian.

Được biết, huyện miền núi Quan Sơn có 4 dân tộc anh em cũng sinh sống là: Thái, Mường, H’mông, Kinh với nhiều đặc trưng văn hóa độc đáo khác nhau. Những chiếc quan tài treo trên núi có đặc điểm giống hòm chôn cất người chết của dân tộc Thái. Liệu những quan tài này có phải của người Thái cổ? Tuy nhiên đến nay câu trả lời vẫn đang bị bỏ ngỏ vì chưa có một nhà khoa học hay nhà nghiên cứu nào lưu tâm lý giải.

Ông Lữ Văn Tiến lo lắng: “Chúng tôi vẫn đang cố gắng bảo vệ chúng, nhưng hiện nay chúng đang có dấu hiệu bị mối mọt theo thời gian, rồi bị ong rừng đục vào thân cây làm tổ. Ngoài ra chúng còn bị xâm hại bởi chính sự tò mò của con người. Nếu không có sự quan tâm khám phá của các nhà khoa học, chúng tôi cũng không dám chắc có thể bảo vệ chúng được đến khi nào”.

 Xương và những mảnh sành, sứ được phát hiện trước cửa hang.
 Xương và những mảnh sành, sứ được phát hiện trước cửa hang.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Hà Thị Mai, Trưởng phòng VH-TT&DL Quan Hoá, cho biết: “Kể từ ngày phát hiện những quan tài treo đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy có một nhà khoa học hay một công trình nghiên cứu nào về những chúng. Huyện cũng đã gửi mẫu xuống tỉnh và ra trung ương để giám định niên đại và tìm ra chủ nhân của những cỗ quan tài nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng”.

Nguyễn Thùy