1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội còn rất ít

(Dân trí) - Sáng 2/3, Phó chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN Đỗ Duy Thường cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có một số điều chỉnh về cơ cấu thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở Trung ương. Đặc biệt, số người đứng ra ứng cử đến nay vẫn còn rất ít.

Khối cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước chỉ còn 2 đại biểu

 

Thời hạn để UBTVQH điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu thành phần, số lượng đại biểu QH được bầu của cơ quan, tổ chức cả ở trung ương và địa phương là ngày 1/3. Kết quả thế nào thưa ông?

 

Vừa qua hội nghị của Đoàn Chủ tịch hiệp thương lần thứ 1 về cơ cấu thành phần người ra ứng cử có kiến nghị với UBTVQH một số nội dung. Tối 1/3, UBTVQH đã trả lời: Điểm thứ nhất là nhất trí với đề nghị về cơ cấu, thành phần số lượng người ứng cử đại biểu QH ở trung ương, mặt trận chúng tôi đã kiến nghị phân thành 3 khối của hệ thống chính trị bao gồm Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Phân như thế này thuận lợi cho quá trình tổ chức, hướng dẫn, hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử.

 

Điểm thứ 2 là chúng tôi đã đề nghị tăng số lượng đại biểu cho Uỷ ban TƯMTQVN và được UBTVQH chấp thuận tăng thêm 3 đại biểu. Hôm nay chúng tôi đã phân bổ cho các tổ chức thành viên.

 

Điểm thứ 3 về cơ cấu người tự ứng cử, đây là vấn đề cử tri rất quan tâm. UBTVQH trả lời là, theo quy định của pháp luật công dân có quyền tự ứng cử. Luật quy định chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử, thì công dân ứng cử phải nộp hồ sơ tại nơi mình cư trú. Chúng tôi chỉ hiệp thương người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương, vì vậy người tự ứng cử không nộp hồ sơ ở Hội đồng bầu cử mà chỉ nộp hồ sơ ở nơi mình cư trú, tức là ở địa phương. Đồng nghĩa với việc hiệp thương ở trung ương không có người tự ứng cử - theo đúng luật.

 

Dù là người tự ứng cử hay người được tổ chức giới thiệu ra ứng cử thì đều phải làm hồ sơ, bao gồm sơ yếu lí lịch, đơn xin ứng cử và tiểu sử tóm tắt. Sau khi Uỷ ban bầu cử nhận được hồ sơ, xem xét thì chuyển tiểu sử danh sách trích ngang cho Ban thường trực UBMTTQVN cấp tỉnh, để lập danh sách đưa ra hội nghị hiệp thương lần thứ 2.

 

Với kiến nghị giảm đại biểu ở khối cơ quan Đảng, cơ quan Chủ tịch nước thì UBTVQH đã có sự điều chỉnh như thế nào?

 

Như đồng chí Tổng thư ký Hội đồng bầu cử đã trả lời, tại hội nghị Trung ương 4 có giảm một số các ban Đảng, phân bổ cơ cấu các cơ quan Đảng sau này có thể điều chuyển trong hoạt động của đại biểu QH. Còn cơ quan Chủ tịch nước thì đã điều chuyển từ 3 xuống còn 2 đại biểu. Trên cơ sở điều chỉnh đó mới có sự tăng số lượng sang MTTQ. 

 

Đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Toà án, Viện kiểm sát thì sao, thưa ông?

 

Ở những nơi này đều giữ nguyên.

 

Kiến nghị tăng đại biểu ngoài Đảng lên 20% có được đáp ứng không?

 

Chúng tôi chưa nhận được sự trả lời.

 

Số người tự ứng cử còn rất ít

 

Vừa qua, tổng hợp nhanh của 64 tỉnh, thành phố về hiệp thương lần I thì chỉ có 16-24 người dự kiến tự ra ứng cử, lại chỉ tập trung vào 10 tỉnh, thành phố. Con số này so với các kỳ bầu cử trước như thế nào?

 

Hội nghị hiệp thương lần 1 mới là thoả thuận về cơ cấu, thành phần số lượng người của các cơ quan tổ chức giới thiệu ra ứng cử. Bước thứ 2 mới là giới thiệu người ra ứng cử của các cơ quan tổ chức. Cũng trong thời gian này công dân có quyền tự ứng cử. Qua tập hợp của chúng tôi, thì ở 10 địa phương đã có người được phân bổ cơ cấu tự ứng cử, như vậy qua hiệp thương lần 1 thì mức độ còn thấp. Cũng chính vì thế chưa thể so sánh được với kỳ bầu cử trước.

 

Kỳ trước có 67 người nộp đơn tự ứng cử. Sau đó MTTQ có hiệp thương lựa chọn lấy 10 và sau này trúng 2. Có thể đến kết thúc hội nghị hiệp thương lần 3 thì sẽ có con số người tự ra ứng cử.

 

Bộ hồ sơ của những người ra ứng cử dường như thiếu một văn bản quan trọng đó là bản kê khai tài sản, không biết văn bản này sẽ được bổ sung vào giai đoạn nào?

 

Về vấn đề này chúng tôi đã có văn bản gửi tới UBTVQH và Chính phủ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc kê khai tài sản và mẫu kê khai tài sản để mặt trận tổ chức giới thiệu người ra ứng cử. Trong khi nộp hồ sơ gồm 3 văn bản trên thì phải kèm theo cả bản kê khai tài sản. Tuy nhiên đến giờ này chúng tôi vẫn chưa nhận được sự trả lời của cơ quan có thẩm quyền về việc hướng dẫn kê khai, đây cũng là một khó khăn vì nếu cử tri hỏi thì rất khó trả lời.

 

Thái Sơn (ghi)