Sợ khô hạn, Quảng Nam ra công văn “hỏa tốc” đề nghị tích nước hồ thủy điện
(Dân trí) - Ngày 10/12, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn “hỏa tốc” đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện vận hành tích nước các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Công văn do ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - ký đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực tách 4 nhà máy thủy điện trên ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để thực hiện tích nước hồ chứa theo Quy trình 1537.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, nhằm cải thiện nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 để phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn năm 2019, ngày 16/11 vừa qua, tỉnh đã có văn bản yêu cầu 4 thủy điện này thực hiện vận hành tích nước cuối mùa lũ.
“Tuy nhiên, trong thời gian qua (từ ngày 16/11-10/12/2018), các hồ chứa thủy điện vẫn thực hiện vận hành xả nước phát điện theo yêu cầu huy động của Cục Điều tiết Điện lực nên mực nước tại các hồ chứa thủy điện không thể đạt mực nước quy định tại Phụ lục III – Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn được ban hành theo Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ (Quy trình 1537)”, văn bản của tỉnh Quảng Nam nêu rõ.
Theo số liệu, đến 7h sáng ngày 10/12, hiện nay mực nước ở các hồ thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang ở mức thấp. theo đó, mực nước hồ Sông Tranh 2 đạt cao trình 150,64m/ 170,8m; tương ứng dung tích hữu ích 114,32 triệu m3, chiếm 26,27% so với dung tích theo Quy trình 1537, thiếu hụt gần 321 triệu m3.
Mực nước hồ A Vương đạt cao trình 341,25m/375,5m; tương ứng dung tích hữu ích là 5,31 triệu m3, chiếm 2,34% so với dung tích theo Quy trình, thiếu hụt hơn 221 triệu m3.
Mực nước hồ Sông Bung 4 đạt cao trình 207,11m/ 220,7m; tương ứng dung tích hữu ích là 24,3 triệu m3, chiếm 11,8% so với dung tích theo Quy trình, thiếu hụt 181,54 triệu m3.
Mực nước hồ Đăk Mi 4 đạt cao trình 247,78m/ 254,7m; tương ứng dung tích hữu ích là 61,24 triệu m3, chiếm 49,24% so với dung tích theo Quy trình, thiếu hụt hơn 63 triệu m3.
Theo tính toán, tổng lượng nước thiếu hụt của 4 nhà máy thủy điện lớn ở trên là hơn 787 triệu m3. Đây là lượng nước thiếu hụt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, dù chỉ còn 5 ngày nữa là đến thời hạn cuối của mùa lũ theo quy định của Quy trình 1537.
“Vì vậy, để đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng) trong năm 2019 theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quy trình 1537, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực tách 4 nhà máy thủy điện trên ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để thực hiện tích nước hồ chứa theo Quy trình 1537”, văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ.
Theo quan sát của PV, trong vài ngày qua, khu vực Quảng Nam và Đà Nẵng có mưa to đến rất to; tuy nhiên lượng mưa chủ yếu tập trung ở vùng đồng bằng, còn vùng núi, vùng đầu nguồn nơi có các hồ chứa thủy điện thì lượng mưa vẫn không đáng kể, rất nhiều hồ chứa thủy điện hiện vẫn tích chưa đến 50% dung tích.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo một nhà máy thủy điện cho biết, trong vài ngày qua lượng mưa ở thượng nguồn không nhiều như ở đồng bằng. Nếu như ở đồng bằng, lượng mưa đo được từ 150-200mm thì ở vùng núi chỉ mưa khoảng 30-40mm, không có nước để tích. Với lượng mưa như năm nay, chắc chắn sang năm 2019, nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt sẽ rất “căng”.
C.Bính