1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sợ hơn “ma cà rồng”

Ma tuý đáng sợ. Điều đó thì đã hẳn. Nó còn sợ hơn cả “ma cà rồng”, nếu trái đất thật sự có cái gọi là ma. Tôi chua xót nghĩ vậy, khi thoáng thấy bóng hai người chống sào đứng đợi dưới bến thuyền ven lòng hồ Thác Bà (Yên Bái) mênh mông hơn 1.300 hòn đảo.

Lãnh đạo Trung tâm Giáo dục và Lao động xã hội Yên Bái - anh Ngọc và anh Huấn - lại đón tôi thăm dinh cơ điệp trùng... con nghiện của họ. Chưa kịp chào hỏi, lại nghĩ đến anh chàng Đỗ Lê Chiến - người cả đời nghiện ma tuý (người TP.Yên Bái) đã lập kỷ lục là đào địa đạo 7m từ nền nhà mình, chui xuống hố xí tự hoại, “độn thổ” sang nhà nghỉ Hoa Lâm bên cạnh để trốn khỏi xiềng xích 3 năm của gia đình. Anh ta vừa ra trại, no dồn đói góp, hút một trận tơi bời và mới chết vì sốc thuốc. Chao ôi, chỉ có duy nhất cách là đến khi chết rồi mới hết được nghiện hả Chiến?
 
Sợ hơn “ma cà rồng”  - 1
Các học viên rất nền nếp học tập và cai nghiện ma tuý tại Trung tâm Giáo dục và Lao động xã hội tỉnh Yên Bái.

Chỉ đến khi chết mới hết được nghiện

Rừng xanh bạt ngàn, đàn đà điểu trại viên chăm sóc tung tăng nghểnh cổ thơ ngộ đón chào khách xa. Không một cán bộ nào ở cái trung tâm hơn 15 năm hoạt động cai nghiện này là không nhớ Đỗ Lê Chiến. Hơn chục con người đã quên thân rời các hòn đảo, cố sức bơi vào đất liền để tìm hút hít, chích ma tuý và họ đã chết bởi bụng nước mênh mông của lòng hồ Thác Bà. Chiến lại khác. Anh ta không trốn. Lúc nào cũng khúc chiết, dịu dàng, tay nghề thợ mộc thì khét tiếng cả ngoài đời lẫn trong trại. Chỉ có điều vòng đời của Chiến là loanh quanh tội tình: Nghiện - cai - lại nghiện - lại cai... Cai cho đến khi chết, nghiện cho đến khi chết ở tuổi gần 40.

Bị bố mẹ nhốt ở tổ 34, phường Đồng Tâm, TP.Yên Bái. Trong cũi sắt, ăn và phóng uế tại cái lồng nhỏ bé đó suốt vài năm, Chiến buồn. Đến một ngày anh ta dụ đứa con gái của mình đến trước cửa lồng “để bố bón cho con ăn ngoan”. Chiến lừa lấy cái thìa của con làm dụng cụ, đào tung bệ xí, đào thông xuống hệ thống tự hoại, đào suốt 6 tháng, tiêu huỷ đất đá vào trong... gầm giường. Chiến đội gạch hoa nền nhà nghỉ Hoa Lâm cách nhà mình... 7m rồi nhao lên mặt đất trong nỗi hãi hùng tột độ của vợ chồng anh Tuấn (chủ nhà nghỉ) vào đúng lúc họ đang mặn nồng. Đào xong công trình khổng lồ đó, trong tay Chiến, chiếc thìa ăn cơm của trẻ con đã mòn vẹt, tròn xoe như một đồng xu.
 
Sợ hơn “ma cà rồng”  - 2
Đỗ Lê Chiến - một người nghiện vừa chết và đem theo những “kỷ lục” buồn.

Những ngày lang thang ở Yên Bái, gặp từ tổ trưởng tổ dân phố 34 kia, gặp bố mẹ và các em Chiến, xác tín chuyện Chiến vác cuốc chim đánh mẹ, chém nhau lêu lao máu với em trai, doạ xử tội ông bố quyết tâm đóng cũi nhốt con... - tôi đã liên tục bị choáng. Bà Thảo - mẹ Chiến - khóc ròng. Chiến thì thản nhiên: “Tôi “phá ngục” là bởi vì tôi cần tự do. Nhốt một người trong cũi 3 năm, rồi 4 năm, thì liệu những kẻ nhốt người có còn là... người nữa không”.

Tôi thấy Chiến nói cũng rất có lý. Bây giờ thì Chiến chết rồi. Sốc thuốc. Tôi từng nghĩ: Tất cả những gì có lý nhất và vô lý nhất của đủ các cõi mà con người từng biết đến kia, đều có ở hai chữ ma tuý. Xem phim, đọc sách về “ma cà rồng” thì thấy rằng thứ ma kia nó còn có lý lẽ, có nghĩa tình của nó, riêng ma tuý, nó bất chấp tất cả. Ma tuý đáng sợ, đáng để người ta hoang mang hơn “ma cà rồng”.

“Này, ông kia còn đập gãy hai lóng xương tay của mình, dùng dao lam rạch bụng moi ruột mình ra để... được đi viện. Và được trốn khỏi trại cai nghiện đi tìm ma tuý” - Giám đốc Ngọc kéo tay tôi, thẽ thọt. Áo xanh, nhẳng gầy, da ngăm đen, tóc đã lốm đốm bạc, nụ cười hiền hơn cả... người không nghiện oặt, Trịnh Văn Đồng (tên người nghiện rạch bụng) thoải mái tâm sự. Tôi ý nhị kéo thêm lãnh đạo trại (những người giám sát, nghiên cứu hồ sơ, quản lý giáo dục, đồng thời là... cùng quê gần gũi với Trịnh Văn Đồng) vào trò chuyện. “Đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày”.

Thận trọng vậy, nhưng xem ra, sau khi kiểm tra thông tin, tôi thấy hầu như Đồng không có ý định nói dối điều gì cả. Một thái độ sòng phẳng hay là kiểu không còn gì để mất. Nhà ở tổ 55 phường Yên Ninh, TP.Yên Bái, năm nay Đồng đã bước sang cái tuổi “hạn” 49 rồi. Tóc bạc, trắng tay. Cuộc đời Đồng phủ kín bởi những câu chuyện buồn bã liên quan đến ma tuý.

“Mẹ tôi bán hàng ở ga Yên Bái, cũng khá giả phết. Tôi học hết lớp 7, bỏ học theo bọn thằng Ngọc “đại bàng” và Dũng “quan tài” nhảy tàu trộm cắp. Mẹ bán hàng nên hồi bao cấp tôi đã có bánh, sữa, thịt thà ăn bét nhè. Mẹ tôi - Nguyễn Thị Nhớn - chết được 4 năm nay, thọ 82 tuổi. Bố tôi - Trịnh Văn Chung - có công với nước (thương binh), ông đánh giặc gì hồi xưa tôi không biết nữa. Ông chết từ năm 1989. Tôi nghiện ma tuý là do đi đào vàng ở Nậm Mười (một xã của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) từ năm 1983. Kiếm được, đêm lán trại buồn chả có việc gì làm. Thế là hút bàn đèn suốt 2 tháng. Về nhà thấy buồn bực, sợ nước sợ gió, suốt ngày nằm bẹp tai, tôi bảo không biết mình bị làm sao. Đi hỏi thì người ta bảo nghiện thuốc phiện rồi” - Đồng kể.

Ba mươi năm nghiện thì đến tỉ phú cũng thành ăn mày, huống hồ một gã đồng cô từ tấm bé như Đồng. “Trộm cắp hả? Thì thằng nào nghiện chả trộm cắp tí. Nhưng giờ tôi bỏ ăn trộm rồi. Bởi vì già thế này, mắt mũi chậm chạp, có khi người ta đánh rơi còn chả đủ sức chạy ra mà nhặt, để thằng khác nó nhặt mất ấy chứ”. “Anh có ý định cai hẳn ma tuý không?”; “Quyết tâm thì có thừa. Nhưng, cai thế nào được. Nếu tôi nói là cai được thì chỉ nói cho đẹp lòng cán bộ thôi, chứ chú Huấn nhỉ?” - Đồng quay sang phía Phó Giám đốc trung tâm - anh Huấn.

Đập gãy cánh tay, rạch bụng mình để... trốn

Con nghiện Trịnh Văn Đồng vẫn rù rì tâm sự. Không lên gân, không hài hước hay phá bĩnh kiểu kể quàng xiên để mà cười giải sầu. Anh ta chỉ nói sự thật, song cái sự thật đó bi hài vô cùng. Có lần về Nam Định, bận về tận quê gốc Thái Bình của Đồng để cai cho nó chắc ăn. Làm như thế để xa lánh hẳn cái cộng đồng nghiện ở ven ga Yên Bái. “Thầy cai” cho Đồng uống thứ thuốc gì sền sệt, hoà vào nước, ực một cái thì ngủ ly bì 3 - 4 ngày trời. Đúng là ngần ấy ngày không tơ vương gì đến ma tuý, ở đó, có giời cũng không tìm được “hàng”, nên có vẻ Đồng lơ là hút hít thật sự. Cai “xong”, thôi, về lại thành phố Yên Bái nhé.
 
Sợ hơn “ma cà rồng”  - 3
Trịnh Văn Đồng - người đập gãy tay, dùng dao lam tự rạch bụng mình để... trốn cai.

Dọc đường về, cứ nghĩ đến cái ga Văn Phú gần nhà mình, nghĩ đến những đường tàu bụi bặm cũ kỹ sực mùi dầu mỡ là Đồng lại lồng lộn lên. Nửa tiếng lăn bánh ỳ ạch, phì phạch của con tàu mà Đồng tưởng như cả thế kỷ đã trôi qua. Sao tàu không đi nhanh lên? Đồng đập đầu vào cửa tàu chờ đợi. Nhảy khỏi tàu là Đồng đi tìm thuốc. Cái ước mơ cai ma tuý thế là tan thành mây khói.

Năm 1989, Đồng đã đi tù vì tội đánh người gây thương tích. “Hôm ấy, thua bạc nên tôi cay cú quá”.

“Bây giờ, Ngọc “đại bàng”, Minh “thần chết”, Dũng “quan tài” và đám “cướp” của bọn tôi chết gần hết rồi. Đứa treo cổ, đứa bị HIV, đứa đi tù mà rũ xác. Chỉ mình tôi còn sống và nghiện” - Đồng hồi tưởng rồi lại kể. Có lần, bọn tôi thề quyết tâm cai, thề: Không cai được thì lên núi thành khỉ, nhảy xuống hồ làm ma, chứ không về nhà. Sắm sửa lều bạt, nồi niêu, bàn đèn, mì tôm, bật lửa, 3 chúng tôi chèo thuyền ra ngoài đảo hoang giữa lòng hồ để cai. Khi đi, vợ thằng bạn ném thang lang một con dao phay ra giữa sân, chửi thề: Bà đố chúng mày cai được đấy, một lũ điên, chỉ có chết thì mới hết nghiện thôi.

Nghe vậy, chúng tôi càng quyết tâm. Dựng lều, thả thuyền cho người ta mang về, cả bọn nằm... cai. Hút thuốc ít dần, rồi ném bỏ bàn đèn xuống hồ sâu. Ở hoang đảo, nấu cơm, úp mì tôm ăn qua ngày. Ngọn cờ “cai nghiện và hoàn lương” treo trên đầu, trong óc của mỗi thằng. Đến ngày thứ bảy, cả bọn, ai cũng vật vã, dòi bò trong xương, nhớ thuốc phiện đến mức đâm đầu vào đá, thụt chân xuống bờ cỏ ven hồ suýt chết. Nhưng vẫn không ai dám phá lời thề “quyết tử”.

Tất cả nằm thiêm thiếp như đã chết, nhìn căn lều tơ tớp trong gió lạnh đêm khuya mà rớt nước mắt. Đứa nào cũng chờ đứa khác lên tiếng trước để... về. Không ai lên tiếng. Ba ngày sau, chợt một người thở hổn hển: “Tao vật lắm rồi”. Chỉ chờ có thế, cả ba đều nhao nhao, mắt sáng rực: “Tao cũng thế, về thôi, ở đây nửa ngày nữa là tao sẽ chết”. Họ dật dờ cắm cờ xanh vẫy gọi thuyền đánh cá vào cứu. Lết về nhà, bà vợ ném dao phay ra cửa đuổi chồng đay nghiến: Không nghe bà, chúng mày chỉ có cai bằng... cán thuổng!

12 lần cai, trừ những lúc bị giam giữ khống chế hoặc lúc uống thuốc cai ngủ ly bì, 30 năm qua, lúc nào Đồng cũng là con nghiện. Vừa rồi bị công an phường cưỡng chế gửi đi cai, vật vã quá, Đồng đã ủ mưu thực hiện “khổ nhục kế”. Đang lao động, anh ta dùng tay phải cầm viên gạch vồ bổ thẳng xuống... hai lóng xương tay trái của mình. Gãy cả hai lóng xương tay. Mọi người tá hoả, nghĩ là Đồng tự vẫn, đem hắn ra Bệnh viện huyện Yên Bình nằm. Cái xương già da cóc chưa liền tí nào. Đồng lại tiếp tục ăn trộm con dao lam, tự rạch bụng mình ra... để phản đối việc bị “cấm dùng ma túy”.

Máu chảy ướt bụng, ướt đùi, ướt cả góc giường và góc phòng bệnh viện. Tiếng kêu hãi hùng. Điên đảo với cơn nghiện, điên đảo với những ý nghĩ man rợ, như con “ma cà rồng”, Đồng chỉ nghĩ cách để có thể trốn khỏi trung tâm, trốn khỏi bệnh viện, ra với khói “hàng trắng, cơm đen” càng nhanh càng tốt. Bao người khổ sở điều trị các vết thương của gã tự huỷ hoại thân thể mình. Vừa gượng dậy, Đồng đã ủ mưu bỏ trốn. Điều này không nằm ngoài dự đoán của cán bộ quản lý trại cai nghiện, Đồng chạy được vài trăm bước thì bị bắt lại.

Bây giờ, lật bụng mình, khoe vết rạch dài như con rết sau khi khâu, khoe cánh tay gãy, Đồng chép miệng: “Đập mạnh quá, xương thịt bố mẹ ban cho, thế là nát cả.

Riêng rạch bụng, tôi rạch nhẹ thôi để họ sợ và để mình trốn. Dại gì mà rạch to, lòi lòng ra rồi chết. Dẫu, sống đời nghiện oặt thế này còn nhục hơn chết...”.

Trong cái giọng triết lý vặt lạnh tanh của Đồng, cũng có rất nhiều sự quái dị.

Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao động online