Sổ hộ khẩu giấy sắp hết hiệu lực, "lộ" nhiều thách thức
(Dân trí) - Thời điểm sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực đang rất gần (1/1/2023) nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc hạn chế yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú.
Sáng 22/12, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên giải trình về thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú liên quan đến hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục đất đai về hành chính.
Ông Tùng cho biết, Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật Cư trú, Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan có trách nhiệm "rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của luật này; hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính".
Ủy ban Pháp luật đã tổ chức đoàn công tác để khảo sát, làm việc trực tiếp tại 3 Bộ (Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường) và 4 tỉnh, thành (Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Thái Nguyên).
Theo luật, từ ngày 1/1/2023 sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp sẽ không còn giá trị. Đại diện Bộ Công an cho biết tổ chức thu thập, cập nhật hơn 100 triệu dữ liệu dân cư (dữ liệu đã được "làm sạch" hơn 96%); thực hiện cấp hơn 70,2 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chip.
Từ ngày 1/7/2021 đưa vào vận hành khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thông tin công dân.
Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 55/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; trong đó hướng dẫn cụ thể các trường hợp phải thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Cư trú.
Đại diện Bộ Công an bày tỏ, cần phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp. Hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng về hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn để phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, cơ sở dữ liệu hộ tịch đã sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ các dữ liệu, thông tin để tạo thuận lợi cho người dân.
Bộ Tư pháp đã chủ động xây dựng và hướng dẫn các địa phương tái cấu trúc quy trình thực hiện trực tuyến 3 dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch: Đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử theo hướng cho phép sử dụng dữ liệu công dân, bao gồm dữ liệu về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về quốc gia về dân cư thay thế việc nộp/xuất trình thành phần hồ sơ là giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai thực hiện đăng ký khai sinh trực tuyến, 50/63 địa phương đã triển khai thực hiện đăng ký kết hôn trực tuyến, 55 địa phương đã triển khai thực hiện đăng ký khai tử trực tuyến.
Đối với các thủ tục hành chính về đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu về giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khẳng định đã có phương án xử lý.
Cụ thể, ông Ngân cho biết tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 09/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định: "Đối với trường hợp nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận mà có yêu cầu thành phần là bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy chứng minh quân đội hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ khác chứng minh nhân thân thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không yêu cầu người nộp hồ sơ phải nộp các giấy tờ này để chứng minh nhân thân trong trường hợp dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, các lĩnh vực".
Dù vậy, các đại biểu tham dự phiên giải trình vẫn bày tỏ băn khoăn về việc rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính. Cùng với đó là chất lượng dữ liệu, công tác số hóa dữ liệu; tiến độ chia sẻ, kết nối, ứng dụng thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ thông tin còn hạn chế.
Đến nay việc cấp căn cước công dân chưa được hoàn thành, tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng VNeID, đăng ký và kích hoạt định danh điện tử còn rất thấp.
Đây chính là những thách thức không nhỏ trong việc thực hiện yêu cầu của Luật Cư trú, nhất là khi thời điểm sổ hộ khẩu giấy hết hiệu lực (ngày 1/1/2023) đang rất gần.
Do đó, các đại biểu tham dự phiên giải trình đề nghị các cơ quan liên quan trong phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải khẩn trương, tích cực cùng phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Như Dân trí đã thông tin, trước đó Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 19 nghị định liên quan đến xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính và gửi xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và công an các đơn vị, địa phương.
Dự thảo nghị định đề xuất: Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công chỉ được phép yêu cầu công dân nộp, xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú khi không khai thác được thông tin về cư trú hoặc thông tin đó chưa được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.