TPHCM:
Sinh viên đua nhau phi thân xuống “hồ tử thần”… giải nhiệt
(Dân trí) - Những cái chết oan uổng liên tiếp xảy ra tại “hồ tử thần” trong thời gian qua. Tuy nhiên, bất chấp mọi lời cảnh báo nguy hiểm, hàng ngày vẫn có cả trăm lượt sinh viên đua nhau phi thân xuống lòng hồ để giải nhiệt.
Tính đến nay, tại khu vực này đã có hơn 40 người chết. Để ngăn chặn tình trạng tang thương trên, cách đây 1 năm, ĐHQG đã lập hàng rào quanh khu vực hồ. Chính quyền địa phương cũng vào cuộc với những biện pháp nhắc nhở và cắm nhiều biển cảnh báo nguy hiểm.
Nhưng bỏ ngoài tai mọi sự cảnh báo ấy, sinh viên vẫn xé rào để vào “thăm” hồ. Nhiều “người hùng” sông nước vẫn đem mạng sống của mình ra đùa giỡn với “tử thần” bằng các pha phi thân từ vách đá cheo leo xuống dòng nước lạnh ngắt.
Những ngày vừa qua, làng đại học bị cúp điện luân phiên giữa lúc nắng nóng gay gắt. Khu vực “hồ tử thần” trở thành nơi “trốn nóng” lý tưởng cho giới sinh viên. Từng đoàn người tấp nập lui tới, có nhóm chỉ đứng trên bờ thả diều hóng mát, nhóm ngồi câu cá giải trí. Nhưng một số đông khác đã rủ nhau tìm đến những vách đá dựng đứng, cao vút rồi phi thân xuống để giải nhiệt.
Lê Hồng Nam, sinh viên năm 2 trường ĐHKHXH & NV cho biết: “Cả “làng” đều mất điện chẳng có nước, nếu muốn tắm phải chờ đến nửa đêm sau khi có điện bà chủ mới bơm. Nóng quá chịu không nổi nên con trai trong khu trọ tụi em rủ nhau ra đây bơi cho mát”.
Đến tắm tại đây còn có cả phái nữ, nhiều người trong số đó vẫn trong giai đoạn… tập bơi. Mạng sống của họ chỉ nhờ vào chiếc áo phao mỏng manh và sự “cứu hộ” của các sinh viên nam trong trường hợp gặp nạn.
Mới đây nhất, đầu năm 2010 đã có 4 nữ công nhân bị sảy chân rồi ôm nhau chết dưới lòng hồ. Khi mò được xác của 4 người này, nhóm thợ lặn cũng phải lạnh gáy. Theo những thợ lặn ở Đồng Nai đã nhiều lần được thuê vớt xác tại hồ đá cho biết: “Hồ này đặc biệt nguy hiểm, chỉ cần sảy chân là có thể mất mạng do vách đá dựng đứng nên nạn nhân không có chỗ bấu víu”.
Hồ rộng nước sâu, chỗ sâu nhất đến gần 60m. Ở điểm này ngay cả những người thợ lặn cũng không thể xuống đến đáy vì nước rất lạnh. Tuy nhiên, sinh viên vẫn bất chấp nguy hiểm đứng trên vách cao rồi lao mình xuống. Nhiều người còn bơi thi từ bờ bên này qua bờ bên kia. Những cái chết oan uổng ở “hồ tử thần” chắc chắn chưa dừng lại nếu việc bơi lội tại đây vẫn còn tiếp diễn.
Bất chấp hiểm nguy...
Các cô gái vẫn ra tận mỏm đá chênh vênh nhất để hóng mát
Tập bơi với áo phao
Nhiều sinh viên nữ cũng tham gia "trò nguy hiểm"
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: Nắng nóng sẽ còn tiếp diễn ở Nam bộ trong khoảng 10 ngày tới, sau đó sẽ chính thức bước vào mùa mưa. Năm nay mùa khô của Nam bộ kéo dài hơn 2 tháng so với mọi năm do mùa mưa kết thúc sớm nhưng lại đến muộn.
Bước vào mùa mưa sẽ liên tục có nhưng cơn giông rất lớn kèm theo gió lốc xoáy và sấm sét. Một vài nơi ở Nam bộ có thể sẽ xuất hiện mưa đá. Riêng vùng biển Cà Mau, Kiên Giang sẽ có vòi rồng khi giông tố. Vì thế mọi người nên tìm nơi trú ẩn an toàn để tránh gặp phải những tai nạn đáng tiếc. |
Vân Sơn - Mạnh Nguyên